Phục hồi sếu đầu đỏ ở Vườn Quốc gia Tràm Chim: "Không thể nuôi sếu như nuôi gà được"

Huỳnh Xây Thứ sáu, ngày 16/09/2022 19:00 PM (GMT+7)
Chuyên gia trong nước cho rằng, ngoài việc nhờ chuyên gia từ Thái Lan và Mỹ hỗ trợ tập huấn kỹ thuật nuôi sếu đầu đỏ cho nhân viên ở Vườn Quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), việc cần làm nữa là không giữ mực nước cao quanh năm trong vườn quốc gia này. Bởi "không thể nuôi sếu như nuôi gà được".
Bình luận 0

Không nên giữ nước quanh năm trong vườn quốc gia Tràm Chim

Liên quan đến bài: "Đồng Tháp cần chuyển trứng sếu đầu đỏ từ Thái Lan về Vườn quốc gia Tràm Chim" cho ấp nhân tạo, tiến tới việc phục hồi đàn sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim trong thời gian tới, trao đổi với phóng viên Dân Việt, Tiến sĩ Trần Triết, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, thành viên Hội Sếu quốc tế tại Mỹ cho biết, ngoài việc nhờ chuyên gia từ Thái Lan và Mỹ hỗ trợ tập huấn kỹ thuật nuôi, chăm sóc cho nhân viên ở Vườn quốc gia Tràm Chim, việc cần làm nữa là không nên giữ nước quá nhiều trong vườn quốc gia này, mà phải để theo tự nhiên.

Phục hồi sếu đầu đỏ ở Vườn quốc gia Tràm Chim: "Không thể nuôi sếu như nuôi gà được" - Ảnh 1.

Nhân viên ở Thái Lan nuôi và huấn luyện sếu đầu đỏ. Ảnh: ICF

"Hiện nay, mực nước ở Vườn quốc gia Tràm Chim quá nhiều trong mùa khô, không đúng theo tự nhiên. Vấn đề này không phù hợp cho sinh thái nói chung, chứ không riêng gì đối với môi trường sống của sếu đầu đỏ. Ngoài ra, nơi đây còn bị xáo trộn bởi hoạt động du lịch, nguồn nước không còn tốt như ngày xưa khi phải đi qua vùng sản xuất nông nghiệp sử dụng nhiều phân thuốc hóa học" - Tiến sĩ Trần Triết nói.

Tiến sĩ Trần Triết phân tích thêm: "Vườn quốc gia Tràm Chim từng là nơi có nhiều sếu đầu đỏ nhất trong khu vực Đông Nam Á, có lúc lên đến hơn ngàn con vào những năm 1990. Sau đó, do việc giữ nước ngập cao quanh năm trong thời gian dài, sinh cảnh sống của sếu đầu đỏ bị suy thoái nghiêm trọng dẫn đến việc sếu về Tràm Chim ngày càng ít, cuối cùng là hiện không còn con sếu nào về đây".

Đó là vấn đề bên trong vùng lõi Vườn quốc gia Tràm Chim, còn vùng đệm chung quanh bên ngoài, theo Tiến sĩ Trần Triết cần làm nông nghiệp hạn chế sử dụng hóa chất, có thể trồng lúa hữu cơ. Bởi bên Thái Lan làm được việc cho đàn sếu đầu đỏ sinh sản trên cánh đồng lúa.

"Không thể nuôi sếu như nuôi gà được"

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia độc lập về sinh thái vùng ĐBSCL cho biết, tại Vườn quốc gia Tràm Chim, trong một thời gian dài với cách quản lý bằng biện pháp giữ nước cao quanh năm để chống cháy rừng tràm thì môi trường cho sếu đầu đỏ không còn và sếu đầu đỏ không thể về đây sinh sống là chuyện đương nhiên.

"Tràm Chim cần có chế độ thủy văn ngập-khô luân phiên theo mùa tự nhiên của Đồng Tháp Mười. Tuy nhiên, hệ sinh thái đất ngập nước này đã được quản lý theo Luật bảo vệ và phát triển rừng chung cho toàn bộ hệ thống rừng đặc dụng. Cháy rừng tràm thì người quản lý bị kỷ luật như cháy rừng gỗ quý, nên cách dễ nhất là giữ nước cao quanh năm. Nhưng giữ nước cao quanh năm thì hệ sinh thái bị hủy hoại" - Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện nói.

Trước đây, trong 3 năm 2009-2011, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành quy chế thí điểm quản lý thủy văn cho Vườn quốc gia Tràm Chim. Theo đó, với sự hỗ trợ của tổ chức WWF, mực nước được duy trì đúng trong mùa khô, đồng cỏ đã phục hồi nhanh chóng từ 800 ha lên 2.700 ha. Và sếu đầu đỏ đã trở về lần lượt là 84 con, 85 con và 94 con 3 mùa khô nói trên. Trước đó lượng sếu xuống thấp nhất là 48 con vào năm 2001.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện nói thêm: "Trong 3 năm đó (từ năm 2009 đến năm 2011 - PV), ở Vườn quốc gia Tràm Chim, mỗi năm có 6 đến 9 vụ cháy đồng cỏ và rừng tràm từ 15 đến 388 ha, và thực tế đã chứng minh đồng cỏ và rừng tràm đều phục hồi tốt sau cháy. Đồng cỏ và đàn sếu đầu đỏ đang trên đà phục hồi. 

Nhưng rất tiếc, sau khi quy chế đặc thù cho Vườn quốc gia Tràm Chim hết hạn, cách quản lý thủy văn quay lại như cũ, tức là giữ nước cao quanh năm cho an toàn, khỏi bị cháy. Sự lấn cấn về quản lý thủy văn cho hệ sinh thái đất ngập nước đến nay vẫn chưa được giải quyết vì chưa có khung pháp lý riêng cho các vùng đất ngập nước".

Nay quần thể sếu ngoài tự nhiên ở Việt Nam và Campuchia đã giảm nhanh chóng, theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, đã "đến nước này rồi" thì việc nuôi sếu đầu đỏ là việc cần phải làm. Tuy nhiên, song song với việc làm trên, vẫn nên phục hồi lại sinh cảnh Vườn quốc gia Tràm Chim cho sếu đầu đỏ chứ "không thể nuôi sếu như nuôi gà được".

Theo Hội Sếu quốc tế tại Mỹ, toàn thế giới ước tính có 15.000-20.000 sếu đầu đỏ, trong đó 8.000-10.000 con phân bố ở Ấn Độ, Nepal, Pakistan. Ở các nước Đông Dương (chủ yếu Việt Nam và Campuchia), từ năm 2014 ghi nhận khoảng 850 con sếu đầu đỏ. Tuy nhiên, đến năm 2014 còn 234 con và hiện chỉ còn khoảng 160 con.

Hàng năm, đàn sếu sinh đẻ ở phía bắc Campuchia trong mùa mưa và di chuyển về ĐBSCL và xung quanh Biển Hồ (Tonle Sap) vào mùa khô. Tuy nhiên, số liệu quan trắc hằng năm cho thấy, đàn sếu đầu đỏ có tỷ lệ giảm trung bình 8%/năm. Nguyên nhân là do môi trường suy thoái. Với tốc độ suy giảm nhanh như vậy, trong tương lai không xa đàn sếu đầu đỏ này có thể sẽ hoàn toàn biến mất nếu không có biện pháp can thiệp, phục hồi đàn sếu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem