Làng quê đổi thay nhanh nhờ nông thôn mới
Ông Phùng Anh Tuấn - Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ cho biết, khoảng 10 năm trước đây, điều kiện cơ sở hạ tầng của huyện còn rất nhiều hạn chế, kinh tế phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp - thương mại - dịch vụ chậm phát triển, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 6,4 triệu đồng/năm.
Từ khi hợp nhất về Hà Nội năm 2008, Phúc Thọ có thêm nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng. Kinh tế cũng theo đó có những đột phá, phát triển vượt bậc, đời sống người dân ngày một nâng cao, mức thu nhập hiện đạt trên 38 triệu đồng/người/năm.
Ông Tuấn cho hay: Người dân Phúc Thọ xưa nghèo vì nông nghiệp lạc hậu thì nay đang giàu lên nhờ nông nghiệp. Từ khi sáp nhập về Hà Nội, nhờ nguồn vốn từ Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân”, Phúc Thọ được đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi, cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nên năng suất, chất lượng và giá trị sản xuất ngành nông nghiệp ngày càng được nâng cao.
Nghề trồng hoa ly mang lại thu nhập cao cho người dân một số xã của huyện Phúc Thọ (Hà Nội). ảnh: Hải Đăng
Theo ông Tuấn, bên cạnh những cánh đồng mẫu lớn trồng lúa hàng hóa cho thu nhập cao, trên địa bàn huyện còn có mô hình trồng hoa ly đạt giá trị thu nhập từ 2,8 - 3 tỷ đồng/ha/năm, cao gấp 60 lần so với trồng lúa; trồng rau an toàn đạt 600 - 800 triệu đồng/ha/năm…
Đặc biệt, diện tích trồng cây ăn quả tăng nhanh, từ 352ha lên hơn 850ha, giá trị thu nhập đạt từ 200 triệu đồng/ha/năm đến trên 2 tỷ đồng/ha/năm, các mô hình chăn nuôi theo hình thức trang trại quy mô lớn ngày càng nhiều…
Đặc biệt, trên địa bàn huyện đã có một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhà màng, nhà lưới, vừa tăng năng suất vừa bảo đảm an toàn thực phẩm cung cấp khối lượng thực phẩm lớn và đa dạng cho thị trường Hà Nội.
Con người là nhân tố quyết định
Trước những thành quả đạt được sau 10 năm sáp nhập về Thủ đô, ông Hoàng Mạnh Phú - Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ cho rằng, con người là nhân tố quyết định mọi thành bại trong thực hiện bất cứ nhiệm vụ nào. Do đó, muốn địa phương phát triển bền vững thì trước hết từng đảng viên, cán bộ và người dân phải có nhận thức, thái độ và hành động giữ được nếp văn minh, thanh lịch vốn có của Hà Nội.
Để Phúc Thọ về đích huyện NTM đúng hẹn trong năm 2018, huyện cũng đã quán triệt các địa phương không ngừng củng cố và tiếp tục nâng cao hơn nữa các tiêu chí NTM. Đồng thời, đề nghị thành phố tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành quan tâm phối hợp, hỗ trợ huyện hoàn thành các tiêu chí.
Ông Hoàng Mạnh Phú |
Chính vì vậy, bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế, huyện Phúc Thọ đặc biệt chú trọng xây dựng nếp sống văn hóa, bảo vệ môi trường, đảm bảo trật tự xã hội, trong đó chất lượng giáo dục được đặt lên hàng đầu. Cùng với việc hoàn thiện, củng cố các thiết chế văn hóa, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với các phong trào xây dựng NTM và thi đua “người tốt, việc tốt” được triển khai đồng bộ, rộng khắp đến các tầng lớp nhân dân huyện Phúc Thọ.
Cũng theo ông Phú, 2 xã của Phúc Thọ là Xuân Phú và Thượng Cốc theo kế hoạch sẽ về đích từ cuối năm 2017. Tuy nhiên, do tiêu chí trường học chưa được bảo đảm nên đầu năm 2018, huyện Phúc Thọ đã bố trí 3,4 tỷ đồng để đầu tư sửa chữa và mua sắm trang thiết bị giáo dục cho các cấp trường còn thiếu.
Vừa qua, Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội đã thẩm định và đánh giá 2 xã này hoàn thành 19/19 tiêu chí, đủ điều kiện đạt chuẩn NTM.
Ông Phú cho biết thêm, bên cạnh việc hoàn thành các tiêu chí, huyện Phúc Thọ cũng tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học – công nghệ phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020” theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, bền vững, bảo đảm nông sản, thực phẩm an toàn; tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường, tăng thu nhập cho người dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.