"Phương án giá điện không nên thuộc danh mục tài liệu mật"

Nguyên Phương Thứ sáu, ngày 01/12/2017 16:34 PM (GMT+7)
“Hàng năm, chỉ có đại diện bên mua điện tham gia còn khâu quyết định mức giá điện chỉ có bên bán điện tham gia là EVN chứ chưa có bên mua điện tham gia. Hiện tại, tài liệu về phương án giá định vẫn nằm trong danh mục các tài liệu mật của Nhà nước. Việc này nên có sự tham gia đầy đủ các bên và không nên để cơ chế mật như vậy”, ông Nguyễn Minh Đức - Ban Pháp chế của VCCI đề nghị.
Bình luận 0

img

Phương án tính giá điện đang là dấu hỏi lớn với người tiêu dùng. (Ảnh minh họa)

Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về việc điều chỉnh tăng giá điện 6,8% từ 1.12, tổ chức tại Bộ Công Thương, trả lời câu hỏi của báo chí về vấn đề căn cứ tính giá và tăng giá điện có gì hợp lý không?

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, việc kiểm tra giá thành được thực hiện với sự tham gia của nhiều bên. Trong khi đó, cơ sở cho quyết định tăng giá điện là căn cứ vào các loại Quyết định như:

Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30.6.2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân; Quyết định số 3173/QĐ-BCT ngày 17.8.2017 về việc kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện; tình hình thực hiện các quy định về thi đua, khen thưởng; công tác thống kê và công tác tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và một số đơn vị thành viên;

Quyết định ban hành khung giá bán lẻ điện giai đoạn 2016 - 2020; kết quả kiểm tra giá thành và phương án điều hành giá do EVN xây dựng kèm theo đánh giá của các bộ, ngành về tác động đến kinh tế - xã hội nói chung.

img

Ông Nguyễn Minh Đức (VCCI) đề xuất không nên đưa phương án giá điện vào diện tài liệu mật. (Ảnh: H.T)

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Đức - Ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thành viên Tổ công tác kiểm tra giá thành điện cho biết, nguyên lý tính giá điện hiện này tính tổng chi phí và tổng sản lượng sau đó chia ra.

“Ở Việt Nam, hiện tại tính như vậy do chưa xây dựng được giá điện cạnh tranh. Sau đó chúng tôi làm việc với các bên, thống nhất các nội dung. Về cơ bản thì EVN sẽ cung cấp cho các thành viên những thông tin ban đầu và thảo luận, chia nhóm. Theo đánh giá cá nhân của tôi thì tổ công tác làm việc nghiêm túc. Cũng có lúc có những thông tin không khớp thì chúng tôi yêu cầu điều chỉnh ngay”, ông Đức nói.

Tuy nhiên, theo ông Đức, việc kiểm tra chi phí sản xuất điện đã minh bạch hơn so với trước đây nhưng vẫn có thể minh bạch hơn.

“Hàng năm chỉ có đại diện cho bên mua điện tham gia còn khâu quyết định mức giá điện chỉ có bên bán điện tham gia là EVN chứ chưa có bên mua điện tham gia. Hiện tại, tài liệu về phương án giá điện vẫn thuộc dạng tài liệu mật của Nhà nước. Theo tôi, không nên để cơ chế mật như vậy và khâu quyết định mức giá điện nên có sự tham gia của các bên”, ông Đức nói.

Từ đó, ông Nguyễn Minh Đức đề xuất 2 giải pháp nhằm gia tăng tính minh bạch trong tính giá thành điện. Thứ nhất, việc kiểm tra giá điện đã có mặt của cả bên bán và bên mua điện, song quyết định tăng bao nhiêu % thì chỉ do bên bán điện quyết định. Do đó, có thể cải thiện tính minh bạch bằng cách cho phép bên mua tham gia vào việc này.

Thứ hai, dù vẫn nói là phải công khai, minh bạch giá điện. Song theo quy định hiện nay, tài liệu về phương án giá điện hiện vẫn nằm trong diện tài liệu bí mật nhà nước. Trường hợp này, cần thay đổi, không nên để cơ chế mật với phương án giá điện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem