Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Chọn môn thi hay chọn ngành trước?
Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Chọn môn thi hay chọn ngành trước?
Tào Nga
Thứ sáu, ngày 01/12/2023 09:49 AM (GMT+7)
Với phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, sẽ không còn tư tưởng đang len lỏi trong học sinh là đăng ký theo kiểu chọn "môn thi trước – chọn tổ hợp xét tuyển, thậm chí ngành học sau" mà bây giờ sẽ phải "chọn ngành/ tổ hợp xét tuyển trước – chọn môn thi sau".
Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Giới hạn số lượng tổ hợp xét tuyển, nguyện vọng/ngành học xét tuyển
Chiều 29/11, Bộ GDĐT đã công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025 chính thức sau bao ngày học sinh và giáo viên mong ngóng. Theo đó, phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025 sẽ là 4 môn gồm 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn lựa chọn. Phương án thi này được nhiều người đồng thuận trước đó. Tuy nhiên, việc Bộ GDĐT chỉ giới hạn 2 môn lựa chọn khiến cho việc xét tuyển đại học dự đoán sẽ có nhiều dịch chuyển trong tổ hợp môn.
Liên quan thông tin này, trao đổi với PV Dân Việt, thầy Nguyễn Trung Hoạch, giáo viên Sinh, Hệ thống trường Nguyễn Bỉnh Khiêm cho hay: "Kỳ thi xét tuyển đại học các năm gần đây (từ 2017-2023), thí sinh có thể thi nhiều hơn 4 môn để xét tuyển đại học. Từ đó số tổ hợp xét tuyển đại học mới cũng được hình thành rất nhiều (hơn 200 tổ hợp) ngoài các tổ hợp truyền thống A; A1; B; C; D1. Thí sinh cũng có thể đăng ký rất nhiều nguyện vọng (năm 2023, thậm chí là không giới hạn số lượng nguyện vọng) giúp gia tăng cơ hội cho thí sinh.
Tôi lấy ví dụ như ngành Sư phạm Sinh học. Ngoài các tổ hợp truyền thống như B00: Toán-Hóa-Sinh thì một số trường còn xét tuyển thêm các tổ hợp B08 (Toán-Sinh-Anh); D01 (Toán-Văn-Anh); A00 (Toán-Lý-Hóa); A02 (Toán-Lý-Sinh); B03 (Toán-Văn-Sinh).
Nhưng với kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học 2025 sắp tới với phương thức 2+2 (1 Toán +1 Văn + 2 Tự chọn gồm Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ), mỗi thí sinh sẽ chỉ còn được xét tối đa 2/17 phương án tổ hợp (không tính các tổ hợp năng khiếu). Các trường muốn xét tuyển dựa trên tổ hợp Khoa học tự nhiên hay Khoa học xã hội như Toán + Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) hoặc Văn + Khoa học xã hội (Sử - Địa - GDCD) sẽ không còn nữa.
Như vậy, sau khi đổi mới thì chúng ta lại đang trở lại với kỳ thi xét tuyển đại học trước năm 2017 (mỗi thí sinh chỉ chọn được tối đa 2 ngành học), khác là bây giờ có rất nhiều tổ hợp xét tuyển mới thay vì chỉ có các khối xét tuyển cũ (A; A1; B; C; D1) mà thôi.
Với phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, sẽ không còn tư tưởng đang len lỏi trong học sinh là đăng ký theo kiểu chọn "môn thi trước – chọn tổ hợp xét tuyển, thậm chí ngành học sau" mà bây giờ không còn cách nào khác, sẽ phải "chọn ngành/ tổ hợp xét tuyển trước – chọn môn thi sau" (y như kỳ thi từ trước 2016).
Các thí sinh bây giờ sẽ phải cân nhắc thật kỹ, xác định/ định hướng được ngành/nghề học trước – rồi xem xét các tổ hợp xét tuyển của các ngành học. Từ đó các em sẽ chọn môn thi để có thể xét được nhiều tổ hợp nhất.
Quay lại với ví dụ về ngành Sư phạm Sinh học ở trên, nếu như năm 2023 thí sinh có thể xét tuyển được hết tất cả các tổ hợp trên thì từ năm 2025, thí sinh sẽ chỉ chọn được tối đa 2 các tổ hợp sau (từ 4 môn thi): B00 và B03 (Toán-Văn-Sinh-Hóa) hoặc D01 và B08 (Toán-Văn-Anh-Sinh) hoặc A02 và B03 (Toán-Văn-Lý-Sinh) hoặc A00 (Toán-Văn-Lý-Hóa).
Tín hiệu rất tốt cho các thí sinh về định hướng nghề nghiệp
Cũng theo thầy Hoạch, việc giới hạn số môn thi cũng là tín hiệu tốt để các bạn học sinh tập trung các môn giúp bổ trợ nhau trong ngành học/ nghề nghiệp định hướng của mình.
"Tôi lấy ví dụ, nếu bạn đã từng học hay tìm hiểu kỹ về các ngành về sức khỏe (Y-Dược) sẽ thấy các môn Khoa học tự nhiên (Lý-Hóa-Sinh) có mối quan hệ rất chặt chẽ với nhau. Thế nên để học tốt ngành học này các thí sinh sẽ phải có kiến thức về Lý-Hóa-Sinh, hay tối thiểu phải có được Hóa-Sinh hay Lý-Sinh. Từ đây, việc lựa chọn tổ hợp 4 môn thi là Toán-Văn-Hóa-Sinh hoặc Toán-Văn-Lý-Sinh là các lựa chọn tốt nhất cho thí sinh.
Một số trường còn lấy thêm tổ hợp xét tuyển D08 (Toán-Sinh-Anh). Nhưng theo tôi, thí sinh có thể hoàn toàn tự trau dồi thêm ngoại ngữ như Tiếng Anh hay tiếng Pháp, Đức... cho bản thân để đáp ứng yêu cầu của ngành. Nhưng nếu học ngành Y-Dược mà không hiểu gì về Hóa, Lý thì tôi tin sẽ gây khó khăn rất nhiều trong quá trình học".
"Bộ chỉ cho chọn 2 môn, không được chọn thêm thì chọn thế nào để được nhiều khối thi nhất?", trả lời cho câu hỏi này, thầy Đỗ Ngọc Hà, giáo viên Vật lý ở Hà Nội cho rằng: "Với chương trình giáo dục phổ thông mới, khả năng cao đa phần các trường đại học vẫn sử dụng chủ yếu 5 khối thi truyền thống: A (Toán, Lí, Hóa), B (Toán, Hóa, Sinh), C (Văn, Sử, Địa), D1 (Toán, Văn, Tiếng Anh) và A1 (Toán, Lí, Tiếng Anh). Kết hợp với việc Bộ chỉ cho phép thí sinh chỉ được chọn 2 môn tự chọn (ngoài Toán + Văn), có lẽ phần đông thí sinh sẽ chọn Lý + Tiếng Anh để thi được hai khối A1 + D mà phần đa các trường sử dụng. Các em học sinh theo chương trình mới nên xác định khối thi thật sớm và kiên trì theo nó tới cùng".
Thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên Toán, trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM cho biết: "Không rõ các trường đại học sẽ điều chỉnh việc tuyển sinh như thế nào, trước mắt việc hạn chế lựa chọn tổ hợp thi sẽ ảnh hưởng đến lựa chọn ngành nghề, đòi hỏi thí sinh phải xác định thật kỹ".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.