Phượng “khoai” đỗ thủ khoa, cả nhà lo lắng

Thứ hai, ngày 25/07/2011 07:16 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - So với nhiều “anh tài” thủ khoa khác, thành tích của Nguyễn Thị Phượng còn khiêm tốn nhưng có chứng kiến hoàn cảnh của em mới thấy đó là nỗ lực vượt bậc của cô thủ khoa nghèo.
Bình luận 0

Với tổng điểm thi là 20, Nguyễn Thị Phượng đã là thủ khoa khối B của Đại học Quảng Nam. 

img
Em Nguyễn Thị Phượng.

Học để thoát nghèo

“Những năm mất mùa, con tôi ăn khoai nhiều hơn ăn cơm” - bà Trần Thị Bùi (Lệ Nam, Duy Châu, Duy Xuyên, Quảng Nam) giải thích về cái tên Phượng “khoai” mà hàng xóm hay gọi con gái mình.

Gia đình Phượng 6 người trông chờ vào 3 sào ruộng, 1 con bò. Anh chị của em cũng vì nghèo đã phải bỏ học dang dở để đi làm công nhân kiếm sống tận trong Nam. Mẹ Phượng đau ốm không thể làm được công việc nặng nhọc. Chỉ có ba Phượng, ông Nguyễn Văn Dẫn (56 tuổi), hết mùa đồng áng là đi phụ hồ để có tiền nuôi cả gia đình.

“Mà ruộng nhà tôi mất nhiều hơn được. Những tháng giáp hạt nhìn con gái ráng nuốt mấy củ khoai lót dạ để đến trường, vợ chồng tôi rớt nước mắt. Chúng tôi thầm mong con tốt nghiệp 12 để kiếm việc chi đó làm, không ngờ nó càng học càng tiến bộ, thầy cô ai cũng khen”- bà Bùi tâm sự về cô con gái của mình.

Nhà cách trường đến 20km, Phượng phải oằn mình trên chiếc xe đạp đi về mỗi ngày. Sau mỗi buổi học, em tranh thủ về nhà, giúp ba trông coi vườn tược, giữ bò, nấu ăn, giặt giũ giúp mẹ… Cũng chính vì vậy, hình ảnh cô bé tần tảo, hết dưới bếp, trên lưng bò, hay bên luống rau, dù làm gì, tay cũng không rời cuốn sách, đã trở nên quen thuộc với bà con làng xóm.

“Không có tiền mua sách tham khảo và cũng không có tiền đi học thêm, em chủ yếu tự học ở nhà và tập trung nghe giảng trên lớp” - Phượng bộc bạch. Năm nay, Phượng thi vào khoa Sinh vật ngành Sư phạm. Em thi ngành này để tiếp bước cô giáo của em - cô Trần Thị Phương - giáo viên dạy sinh học (đã qua đời vì bị bệnh) ở Trường THCS Duy Châu, người đã động viên, giúp đỡ em không bỏ cuộc.

Ba sẽ đi làm thuê nhiều hơn

Nói về những ngày đi học đại học sắp tới của con gái, ông bà Bùi lặng im bế tắc. “Trước mắt gia đình sẽ nương nhờ vốn vay sinh viên, sau đó tới đâu hay tới đó. Mỗi ngày, ba nó có cố làm thêm cũng chỉ được 50.000 đồng, không đủ trang trải sinh hoạt trong nhà. Chắc sau ni rồi sẽ tính đến việc vay anh em chòm xóm, có thể vay ngân hàng, nhà tui có sổ hộ nghèo chắc lãi suất ít” - bà Bùi tính.

img Trong trường, ai cũng biết về Phượng, cô học trò nhỏ phải thức dậy từ 4 giờ sáng để tới trường. Với sự cần cù chăm chỉ nơi em, tôi tin tưởng vào đại học, em sẽ học giỏi hơn nữa. img

Thầy Đoàn Công Đường - Hiệu phó Trường THPT Sào Nam

Ai thủ khoa thì vui nhưng Phượng lại buồn lo: “Ba mẹ sẽ vất vả hơn khi em bước vào giảng đường đại học. Trước mắt sẽ là số tiền vài ba triệu đồng cho em nhập trường, sau đó là tiền sống hàng tháng, thuê nhà, ăn uống, sinh hoạt và các chi tiêu... Em không biết tính sao, chỉ biết nếu được đi học sẽ cố gắng học tập thật tốt để có được học bổng đỡ cho ba mẹ phần nào...”.

Chúng tôi đọc được những quyết tâm và khao khát trong mắt cô học trò nghèo, nhưng cũng thấy rõ những ưu tư trên khuôn mặt em và cả gia đình. Con đường thực hiện mơ ước của em đầy những chông gai. Ba em quả quyết rằng, sẽ cố gắng làm thuê nhiều hơn để “con bé Phượng học đến nơi đến chốn”...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem