Chiến sự Ukraine đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng, nhiều thành phố bị tàn phá và dẫn đến một cuộc di cư ồ ạt của khoảng sáu triệu công dân. Kiev đã nhiều lần yêu cầu phương Tây cung cấp các loại vũ khí chính xác tầm xa hơn để đối phó với pháo hạng nặng của Nga.
Tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace thông báo Anh đang trang bị cho Ukraine hệ thống tên lửa phóng nhiều lần M270. Ông nói: "Khi chiến thuật của Nga thay đổi, thì sự hỗ trợ của chúng tôi đối với Ukraine cũng phải như vậy".
Nhưng theo Giáo sư Matt Qvortrup, nhà khoa học chính trị tại Trung tâm Niềm tin, Hòa bình và Quan hệ Xã hội (CTPSR) của Đại học Coventry, vai trò hàng đầu của chính phủ trong việc cung cấp vũ khí cho Kiev phải được kết hợp với các giải pháp lâu dài hơn.
Ông nói với Express.co.uk: "Làm thế nào để giúp Ukraine về lâu dài? Đó là một câu hỏi không dễ trả lời, và đặc biệt là không thể chỉ bằng cách cung cấp vũ khí cho họ".
Giáo sư Qvortrup là một trong số các học giả, nhà kinh tế và chính trị gia tham gia Hội đồng Phục hồi Kinh tế Ukraine (CERUA). Những người khác còn có Volodymyr Groysman, cựu Thủ tướng Ukraine, và chính trị gia Hà Lan Ad Melkert, cựu giám đốc điều hành trong Hội đồng quản trị của Nhóm Ngân hàng Thế giới.
CERUA được thành lập trên cơ sở dự báo của Ngân hàng Thế giới rằng nền kinh tế Ukraine sẽ giảm 45% trong năm nay.
Giáo sư Qvortrup, giám đốc của hội đồng, cho biết: "Mục tiêu của chúng tôi là thống nhất về chính sách để giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp hiện tại, nhưng cũng đồng thời chuẩn bị một số phương án hữu ích, thiết thực cho tương lai mà các quan chức ở Ukraine hiện khó làm được, đặc biệt trong bối cảnh giữa chiến tranh và khủng hoảng".
"Việc tạo ra một nền kinh tế Ukraine vững mạnh sẽ đòi hỏi nhiều hơn là chỉ hỗ trợ tài chính. Tất cả bằng chứng cho thấy các thể chế dân chủ và pháp quyền là chìa khóa để tạo nên sự thịnh vượng. Một nền kinh tế mạnh mẽ đòi hỏi các công ty, tập đoàn có thể thực thi hợp đồng một cách minh bạch thông qua các thể chế dân chủ", ông nói.
"Ukraine đã đi tiên phong trong lĩnh vực Kiểm tra và Cân bằng vào đầu những năm 1700 - đã đến lúc những ý tưởng này trở thành hiện thực".
Thừa nhận những thách thức đi kèm, ông lập luận: "Điều chúng ta cần làm là thiết lập lại các thể chế có lợi cho tăng trưởng kinh tế, mà thực chất là các thể chế của nhà nước pháp quyền".
Đề cập đến cuộc Cách mạng Vinh quang của nước Anh năm 1688, Giáo sư Qvortrup gợi ý rằng việc kết thúc chiến tranh ở Ukraine có thể biến nước này thành một quốc gia mạnh hơn.
Ông nói: "Ngược dòng thời gian, nước Anh thực sự phát triển vào thời điểm chúng tôi thành lập các tòa án thực thi những quy tắc pháp quyền. Chúng tôi đang cố gắng làm điều tương tự cho Ukraine, như Anh đã làm vào năm 1688".
CERUA sẽ xuất bản các bài báo và báo cáo, đồng thời tổ chức hội nghị để trình bày đề án của mình.
Ông Groysman nói: "Tôi rất vui vì đã được mời tham gia công việc của Hội đồng này. Chiến tranh đang tác động đến các vùng khác nhau của Ukraine theo những cách khác nhau, và chúng ta phải cân nhắc những giải pháp mới".
"Các thành phố bị thiệt hại nặng nề như Mariupol sẽ cần đến các giải pháp quyết liệt hơn so với Lviv, nơi may mắn tránh được tác động tồi tệ nhất của cuộc chiến", ông lưu ý.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.