Đối với mỗi người Việt Nam, 30 Tết là ngày rạo rực, hân hoan nhất trong năm. Ai cũng muốn trở về nhà trước lúc giao thừa để được đoàn tụ cùng gia đình trong thời khắc thiêng liêng, đất trời chuyển sang một năm mới. Thế nhưng, do đặc thù công việc, nhiều người không được đón niềm vui đó. Họ là các y bác sỹ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, công nhân môi trường, phóng viên, kỹ thuật viên… Phút giao thừa lặng lẽ trôi qua khi họ đang miệt mài với công việc góp phần đem bình yên, hạnh phúc đến cho mọi người và tô điểm cho sắc Xuân thêm thắm.
Ngày cuối năm, trời bỗng chuyển lạnh khiến công việc của chị Nguyễn Thị Huyền, công nhân Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội càng thêm vất vả. Mặc cho gió rét, chị cùng đồng nghiệp vẫn cần mẫn thu gom rác, chăm chút từng khóm cây, tiểu cảnh hoa bên hồ Hoàn Kiếm, điểm tô cho gương mặt Thủ đô thêm rạng rỡ. Chị Huyền cho biết, kíp làm việc của chị chỉ được nghỉ tối đa 4 hôm trong đợt nghỉ Tết Quý Tỵ dài 9 ngày. Sau đêm giao thừa, đến mùng 2 Tết, chị lại tiếp tục công việc theo ca. Mọi sự chuẩn bị cho gia đình đón Tết đều phải tranh thủ lúc tan ca và nhờ người thân giúp đỡ.
Những người công nhân đô thị cần mẫn "trang điểm" cho thủ đô Hà Nội Vừa chỉnh lại những khóm hoa cúc vàng rực rỡ xếp thành dòng chữ Chúc mừng Xuân mới nổi bật trên nền cây xanh, chị Huyền vừa tâm sự, ngay từ năm đầu vào công ty, chị đã chấp nhận làm việc qua giao thừa như một điều tất yếu của cuộc sống: "Đặc thù công việc của chúng tôi thì đêm 30 tết vẫn phải đi làm từ 8h tối đến 2-3 giờ sáng mới được về. Tôi làm ở đây hơn 20 năm nhưng chưa bao giờ được nghỉ giao thừa cả, trừ lúc ốm đau, hay sinh đẻ là được ở nhà đón giao thừa thôi. Còn đâu là phải đi làm Chứ không được nghỉ."
Với những y, bác sỹ làm nhiệm vụ cấp cứu tại bệnh viện Việt Đức cũng vậy. Những ngày cuối năm, họ phải làm việc với cường độ cao để cứu chữa cho hàng trăm trường hợp bị chấn thương. Bệnh viện đã phân công hơn 300 thầy thuốc trực Tết 24/24 giờ theo ca, trong đó nhiều người được huy động làm việc trong đêm giao thừa để cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông vì ngày 30 Tết, bao giờ mật độ người và phương tiện đi lại cũng tăng đột biến.
Anh Nguyễn Huy Hoàng- bác sỹ nội trú Khoa khám bệnh, Bệnh viện Việt Đức cho biết: trong 3 năm làm việc tại bệnh viện thì năm nay là lần thứ 2 anh tham gia trực đêm giao thừa. Anh cho rằng mình được làm việc là một may mắn hơn bệnh nhân nên dù giao thừa, Tết hay ngày thường, anh cũng luôn sẵn sàng làm việc với tinh thần trách nhiệm cao để cấp cứu kịp thời, dành lại sự sống cho người bệnh.
Cống hiến thầm lặng của những y, bác sỹ Bác sỹ Nguyễn Huy Hoàng nói: "Ngày tết thường thì bận hơn, vì nhiều vụ đua xe, tai nạn giao thông hơn những ngày thường nhiều, sọ não, chấn thương , gãy xương. nhìn rất thương và xót. mình thì cố gắng làm tất cả những gì để có thể giúp được người ta. Thời kỳ đầu mới đi trực thì rất mệt, mấy năm ở đây làm việc thì cũng quen rồi, nên cũng thấy bình thường."
Ngày cuối năm, từng dòng người đổ về trung tâm Hà Nội để du Xuân, đón Tết hoặc hối hả cho kịp chuyến về quê cũng là lúc những cảnh sát giao thông Thủ đô bước vào cao điểm của đợt ra quân, nhất là lúc giao thừa, rất đông người tập trung quanh hồ Hoàn Kiếm xem bắn pháo hoa và Chương trình nghệ thuật Điệp khúc mùa Xuân nên dễ xảy ra ùn tắc.
Trung tá Nguyễn Hữu Tâm, đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 1 cho biết, đảm nhận nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông khu vực quận Hoàn Kiếm, trong đêm giao thừa, đội huy động 100% cán bộ chiến sỹ ứng trực làm nhiệm vụ. Xen giữa dòng người đổ về trung tâm thành phố đón giao thừa, mỗi cán bộ chiến sỹ dù phải thức trắng đêm trên đường phố, vẫn tự hào được góp phần giữ gìn bình yên cho Thủ đô yêu dấu.
Trung tá Nguyễn Hữu Tâm chia sẻ: "Trong những ngày lễ tết, nhất là đêm giao thừa, tập thể chỉ huy đội cũng như cán bộ, chiến sỹ đều ra ngoài đường làm việc, đều đứng ở những chốt trọng điểm, cùng điều khiển giao thông và động viên anh em. Cán bộ chiến sỹ chúng tôi từ khi vào ngành đã xác định đây là trách nhiệm, nhất là đêm giao thừa thời khắc thiêng liêng của cả nước thì tập thể chỉ huy đội luôn động viên anh em và bản thân anh em cũng xác định được trách nhiệm tự hào được bảo vệ cho nhân dân vui Xuân đón Tết".
Còn với những nhà báo và kỹ thuật viên thực hiện các chương trình phát thanh, truyền hình trực tiếp trong đêm giao thừa thì việc họ mang những thông điệp mùa Xuân đến sớm với thính giả cũng đồng nghĩa với việc họ đón một cái Tết muộn hơn. Anh Cù Ngọc Hoàng, kỹ thuật viên Trung tâm Âm thanh, Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết: dù giao thừa xa mái ấm vì cùng đồng nghiệp thực hiện chương trình phát thanh đặc biệt chủ đề lắng trong giá trị Việt để đón chào Xuân mới, nhưng được góp phần đem tiếng nói thân thương đến với đồng bào, nhất là bà con vùng sâu vùng xa và các chiến sỹ nơi biên giới, hải đảo thì đó là niềm vui lớn.
Anh Hoàng nhớ lại một kỷ niệm không thể nào quên trong đêm giao thừa những năm trước: "Có lần chúng tôi đang tác nghiệp tại đầu cầu Quán Sứ, Hà Nội, trong khoảnh khắc giao thừa, đến thời điểm đó mọi người làm việc cũng mệt rồi sau một ngày chuẩn bị sau đó làm việc luôn như thế. Trong lúc đó có cuộc điện thoại gọi cho các chiến sỹ ở Đảo Trường Sa, và các chiến sỹ nói rằng: "Tôi nhớ đất liền, nhớ thủ đô lắm, tôi rất muốn đón giao thừa cùng các đồng chí tại thủ đô". Nghe những câu như thế anh em chúng tôi cảm thấy mọi người mất hẳn sự mệt mỏi, và cảm thấy mang đến niềm vui, không khí mùa xuân đến với các chiến sỹ. Cảm thấy rất vui".
Bên cạnh đó, "đón Tết muộn" còn phải kể đến các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ thiêng liêng là canh giữ từng tấc đất của tổ quốc thân yêu. Và trên mọi miền của đất nước còn có rất nhiều người đang ngày đêm tận tụy với công việc. Họ đã và đang hy sinh thầm lặng những tình cảm riêng tư để góp phần dệt nên những mùa Xuân bình yên và ấm áp. Có thể những phút giao thừa trôi qua lặng lẽ với họ nhưng những việc họ làm là minh chứng sống động của chân lý "mình vì mọi người", góp phần làm cho niềm vui mùa Xuân thêm trọn vẹn
Theo VOVGT
Vui lòng nhập nội dung bình luận.