Phút trải lòng của những người chèo thuyền thúng ở Hội An, không chỉ là mưu sinh...

Thùy Anh Thứ hai, ngày 21/08/2023 13:31 PM (GMT+7)
Sức hút của rừng dừa Bảy Mẫu (Hội An) không chỉ đến từ vẻ đẹp hoang sơ mà còn đến từ nét đẹp của những người dân đang kể câu chuyện nghề, phô diễn nét đẹp lao động.
Bình luận 0


Phút trải lòng của những người làm nghề chèo thuyền ở Hội An. VD: N.T- Nguyễn Thu

Có nghề, thu nhập ổn định nhờ nghề chèo thuyền đưa khách ở rừng dừa Hội An 

Cách phố cổ Hội An 3km về phía Đông, rừng dừa Bảy Mẫu được ví là lá phổi xanh của xã Cẩm Thanh. Đến với rừng dừa Bảy Mẫu, bất cứ ai cũng có thể cảm nhận nơi đây giống như một vùng sông nước miền Tây giữa miền Trung nắng đổ lửa. Điểm đặc biệt khiến rừng dừa Bảy Mẫu trở thành điểm đến hấp dẫn trong những năm gần đây bởi đó còn là nơi những người nông dân kể câu chuyện nghề, phô diễn chúng bằng chính những nét đẹp lao động bình dị.  

Tay khua mái chèo nhịp nhàng, khi chiếc thuyền thúng bớt trở nên chông chênh, chúng tôi đã ngồi thăng bằng trên chiếc thuyền thúng, ông Đào Văn Anh, một nông dân ở xã Cẩm Thanh (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) nở một nụ cười tươi, trải lòng về nghề.

Hội An

Các du khách trải nghiệm đi thuyền thúng tại rừng dừa Bảy Mẫu (Hội An). Ảnh: N.T

Năm 2015, ông Đào Văn Anh bắt đầu đến với nghề chèo thuyền thúng. Khi đó, Rừng dừa Bảy Mẫu được xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An phục hồi và mở rộng để phát triển du lịch sinh thái ở khu vực hạ lưu sông Thu Bồn. Từ một ngư dân chuyên đi biển làm nghề câu, ông Văn Anh trở thành một nhân viên chèo thuyền thúng, một hướng dẫn viên bản địa cho du khách khi đến với Hội An.

“Làm nghề này có đôi lúc vui, đôi lúc cũng vất vả.  Vui vì được trò chuyện với nhiều vị khách Tây, ta đủ cả. Thế nhưng cũng mệt vì nhiều khi phải ra sức chèo để cho kịp thời gian 1 chuyến thăm quan 30 phút. Đặc biệt khi trời nắng, rồi trời gió, làm nghề này cũng cực vì phải chèo trong điều kiệt thời tiết gây trở ngại”. Ông Văn Anh trải lòng.

Để có thể trở thành nhân viên chèo thuyền thúng, ông Văn Anh phải tự sắm thuyền, sắm phao, nón, ô che nắng cho khách và đăng ký với các công ty tư nhân làm dịch vụ thuyền thúng. Mỗi ngày, vào mùa du lịch cao điểm, ông chèo khoảng từ 4 – 5 chuyến. Mỗi tháng, 25 ngày chèo, mức lương ông nhận được là 5 triệu đồng.

Hội An

Du khách trải nghiệm hoạt động câu cáy tại rừng dừa Hội An. Ảnh: N.T

“Mùa hè thôi chứ mùa đông thì ít hơn, chủ yếu khách nước ngoài. Những tháng mùa đông mình chỉ được 3,5 triệu – 4 triệu đồng/ tháng. Anh em chèo thuyền thì cứ chia đều nhau, nay mình 3 chuyến thì ngày mai anh em lại 3 chuyến. Cứ như thế để ai cũng được số tiền nhất định”. Ông Văn Anh cho biết thêm.

Hiện ở xã Cẩm Thanh có hơn 1500 chiếc thuyền thúng. Ông Trần Văn Nhiều, người dân thôn Vạn Lăng, xã Cẩm Thanh cho biết, du lịch rừng dừa Bảy Mẫu đón lượng khách đến làng ngày càng đông. "Bây giờ thì trong làng hầu như nhà nào cũng sắm thúng làm du lịch nên phải chia phiên để đi. Người làm nhiều, số phiên chở khách giảm đi, nhưng cuộc sống dù sao cũng ổn định hơn đi biển".

Những tour trải nghiệm, khám phá rừng dừa Bảy Mẫu ngày một thu hút du khách bởi hình thức thăm quan đa dạng như thưởng lãm những màn biểu diễn múa thuyền, hát giao lưu trên sông, chiêm ngưỡng màn cưỡi nước điệu nghệ của các tay chèo địa phương.

Ông Phạm Lý, một tay chèo có tiếng ở xã Cẩm Thanh (TP Hội An) cho biết: "Những năm qua, việc chèo thuyền thúng không chỉ mang đến cho du khách cảm giác bồng bềnh len lỏi dưới tán dừa xanh mướt, tận hưởng không gian thôn quê dân dã mà còn được ngư dân ở đây biểu diễn như nghệ thuật. Với ông, người đã ngồi trên thúng từ khi biết ăn cơm nên việc xoay thuyền, cưỡi nước dễ như trở bàn tay. Chỉ cần vài động tác đạp chân, nhún nhảy là có thể mang đến cảm giác "bay lắc" cho người trên thuyền". 

Dưới ánh nắng vàng rực rỡ, long lanh đáy nước, bất cứ ai cũng phải trầm trồ khi được ngắm nhìn màn quăng chài hết sức ấn tượng của những ngư dân ở đây. Đó là nét đẹp lao động bình dị của người dân miền sông nước.

Vừa chèo thuyền vừa làm hướng dẫn viên du lịch ở rừng dừa Hội An

Bên cạnh việc chở du khách thăm quan rừng dừa Bảy Mẫu bằng thuyền thúng, ông Văn Anh cũng là một hướng dẫn viên du lịch của địa phương.

Ông Văn Anh cho biết: “Ở Cẩm Thanh, người ta trồng dừa với mục đích tạo vành đai xanh chắn gió, chắn sóng, đối phó với mực nước biển dâng cao. Ở đây, người dân lấy tàu dừa khô để lợp nhà và ở Cẩm Thanh có rất nhiều nhà được làm từ cây dừa này”.

Không chỉ khám phá vẻ đẹp của rừng dừa Bảy Mẫu, trên mỗi chiếc thuyền thúng còn được trang bị dụng cụ để câu con cáy. Cáy xuất hiện rất nhiều ở nơi vùng nước ngập mặn và câu cáy cũng là trải nghiệm thú vị ông Văn Anh hướng dẫn chúng tôi.

Hội An

Màn quăng chài điệu nghệ của những ngư dân vùng biển ở Hội An. Ảnh: N.T

“Nghề này không được nhiêu tiền đâu nhưng mà được cái ổn định, gặp khách du lịch vui lắm. Từ ngày đi chèo thuyền thúng chúng tôi cũng bớt cái nghề đi câu rủi ro hơn. Mỗi ngày thấy du khách đến với Cẩm Thanh đông hơn là những người chèo thuyền chúng tôi lại trân quý nghề hơn để giữ được lá phổi xanh của chúng tôi xanh mãi”.

Càng làm nghề, tình yêu với rừng càng lớn trong người những lão nông ở Cẩm Thanh. Cũng như những nông dân khác, ông Đào Văn Anh mong ước sẽ có thật nhiều những du khách đến với rừng dừa Bảy Mẫu để anh em ông có thêm thu nhập, lo cho cuộc sống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem