PTTg Phạm Bình Minh: GDP Việt Nam giảm 6.000 tỷ vì chiến tranh thương mại Mỹ-Trung

P.V Thứ năm, ngày 06/06/2019 12:45 PM (GMT+7)
“Về ngắn hạn, cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung hiện nay sẽ thúc đẩy xuất khẩu một số mặt hàng của chúng ta, nhưng đồng thời cũng sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung sản phẩm xuất khẩu của chúng ta. Về dài hạn, có những đánh gía có thể làm giảm quy mô GDP Việt Nam khoảng 6.000 tỷ đồng”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đưa ra dự báo.  
Bình luận 0

img

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh

Tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV, sáng 5/6, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Tiếp tục trả lời câu hỏi của ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) xung quanh phản ứng của Việt Nam trước những diễn biến leo thang của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không chỉ là mối quan tâm của riêng Việt Nam, mà là mối quan tâm của toàn thế giới.

Dẫn lời Tổng Giám đốc IMF, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết: “Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là một trong 4 đám mây bao phủ kinh tế thế giới. Đã có dự báo nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung kéo dài sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 3,5% xuống 3,2%. Nếu tiếp tục kéo dài, cung-cầu thương mại cũng chịu ảnh hưởng”.

Đối với kinh tế Việt Nam, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp tục đưa ra nhận xét: “Nền kinh tế Việt Nam có độ mở hàng đầu thế giới, tương đương gần 200% tổng GDP, bất kỳ ảnh hưởngnào của thương mại thế giới đều tác động tới Việt Nam”.

Theo Phó Thủ tướng, ngay khi cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung xuất hiện trong năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập một ban chỉ đạo nhằm nghiên cứu tình hình, kiến nghị chính sách. Điều này thể hiện Việt Nam rất quan tâm tới cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và sự ảnh hưởng từ nền kinh tế Việt Nam phải nhận từ cuộc chiến.

“Về ngắn hạn, cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung hiện nay sẽ thúc đẩy xuất khẩu một số mặt hàng của chúng ta, nhưng đồng thời cũng sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung sản phẩm xuất khẩu của chúng ta. Về dài hạn, có những đánh gía có thể làm giảm quy mô GDP Việt Nam khoảng 6.000 tỷ đồng”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói.

Về giải pháp ứng phó của Việt Nam, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta đã xây dựng nhiều kịch bản, đề án cần thiết nhằm bảo đảm nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, linh hoạt tỷ giá, nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN xuất-nhập khẩu, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

“Tình hình hiện nay đang mở ra xu hướng chuyển dịch đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Trong 5 tháng đầu năm 2019, xu hướng đầu tư nước ngoài có tăng lên. Đây là lúc cần có sự lựa chọn đầu tư vào lĩnh vực chúng ta ưu tiên phát triển, bảo đảm thân thiện môi trường và công nghệ.

Phải hết sức cảnh giác trước tình trạng hàng hoá thông qua thị trường Việt Nam để xuất khẩu vào các thị trường đánh thuế cao nhằm né thuế. Chúng ta cần có biện pháp phòng vệ, tránh gian lận thương mại”.

img

ĐBQH Hoàng Quang Hàm

Sau phần trả lời của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, ĐBQH Hoàng Quang Hàm - Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách, đặt vấn đề, Việt Nam bị đưa vào danh sách cần giám sát của Bộ Tài chính Mỹ.

"Chính phủ đã dự liệu được tình huống này và giải pháp ra sao? Có cần thiết giao một cơ quan đặc trách tham mưu cho Chính phủ hay không?", ông Hoàng Quang Hàm đặt câu hỏi.

img

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng

Để trả lời trúng vấn đề, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng trả lời thay Phó thủ tướng Phạm Bình Minh.

Ông Lê Minh Hưng nói, ngày 29/5, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố báo cáo chính sách kinh tế vĩ mô, thương mại và tỷ giá với các nước là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tại báo cáo này Bộ Tài chính Mỹ đưa ra danh sách 9 nước cần theo dõi, giám sát, trong đó có Việt Nam.

Ba tiêu chí để Bộ Tài chính Mỹ đưa các nước vào báo cáo này, gồm thăng dư thương mại với Mỹ hơn 20 tỷ USD; thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP và can thiệp ngoại hối một chiều (mua ròng ngoại tệ trong 6 tháng liên tục) 2% GDP.

Việt Nam thoả mãn 2 tiêu chí là thặng dư thương mại và cán cân vãng lai; còn can thiệp ngoại hối một chiều thấp hơn ngưỡng Mỹ đưa ra. 

Ông Lê Minh Hưng khẳng định, báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ kết luận, không có quốc gia nào trong danh sách 9 nước trên thao túng tiền tệ. Về phía Việt Nam đã cung cấp thông tin và khẳng định quan điểm nhất quán điều hành của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. "Việt Nam không dùng chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó có chính sách tiền tệ, tỷ giá để tạo lợi thế thương mại không cân bằng", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh. 

Ông nói thêm, báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ đưa ra khuyến nghị chính sách và những khuyến nghị này tương đồng với khuyến nghị mà IMF đã đưa ra, và cũng nằm trong lộ trình chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành. Ông cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục cung cấp thêm thông tin cần thiết với phía Mỹ về vấn đề này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem