“Cân nhắc điều chỉnh giá điện ở mức thấp nhất có thể!”

Thứ năm, ngày 20/07/2017 08:37 AM (GMT+7)
Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, căn cứ vào diễn biến của nền kinh tế đến hết quý III/2017, Bộ Công Thương tính toán các phương án điều chỉnh giá điện. Trường hợp cần thiết phải tăng giá điện cần cân nhắc điều chỉnh ở mức thấp nhất có thể.
Bình luận 0

img

Tốc độ lạm phát đã được kiểm soát theo hướng giảm dần

Ban Chỉ đạo điều hành giá vừa có thông báo về kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo tại cuộc họp đánh giá về kết quả thực hiện công tác điều hành giá 6 tháng đầu năm 2017 và đề ra phương hướng điều hành giá những tháng còn lại của năm 2017.

Trong tháng 6/2017, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tiếp tục giảm 0,17% so với tháng trước, tăng 2,54% so với cùng kỳ năm 2016, bình quân 6 tháng đầu năm 2017 tăng 4,15% so với cùng kỳ năm trước. So với tháng 12/2016, chỉ số CPI chỉ tăng 0,2%. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2017 chỉ tăng 1,52%, thấp hơn so với mục tiêu kế hoạch cả năm (trong khoảng 1,6% - 1,8%).

Ban Chỉ đạo đánh giá, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân được kiểm soát theo hướng giảm dần đã tạo dư địa thuận lợi cho công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát từ nay cho đến cuối năm 2017.

Tại thông báo kết luận, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ yêu cầu: “Nhiệm vụ của công tác điều hành giá trong 6 tháng cuối năm bên cạnh mục tiêu kiểm soát lạm phát còn cần phải bám sát và hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tránh tạo lạm phát kỳ vọng và tạo độ trễ áp lực lạm phát cho năm 2018 và các năm tiếp theo”.

Phương hướng công tác điều hành giá chung từ nay đến cuối năm là tiếp tục kiên trì theo nguyên tắc của nền kinh tế thị trường, Nhà nước quản lý giá chủ yếu trên cơ sở điều hòa quan hệ cung cầu.

Công tác điều hành giá vừa phải đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát vừa phải thực hiện được mục tiêu đưa giá các dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục) theo lộ trình giá thị trường, đồng thời tập trung đặc biệt cho hỗ trợ tăng trưởng. Tiếp tục nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành của Ban chỉ đạo điều hành giá, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các Bộ, ngành thành viên.

Tranh thủ điều kiện thuận lợi để giảm lãi suất

Cụ thể, theo phân công của Phó Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát. Điều hành tăng trưởng tín dụng ở mức phù hợp, giữ ổn định lạm phát cơ bản trong khoảng 1,6%.

Cơ quan điều hành tiền tệ cũng được giao thực hiện đồng bộ các biện pháp để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ. Căn cứ mức độ lạm phát, tốc độ tăng CPI từ tháng 12 năm trước cho đến nay, NHNN nghiên cứu các giải pháp điều hành lãi suất huy động, nhất là lãi suất cho vay theo hướng bám sát diễn biến thị trường và hỗ trợ cho tăng trưởng, tranh thủ điều kiện thuận lợi để giảm lãi suất nếu có thể. Các ngân hàng lớn tăng cường triệt để tiết kiệm chi tiêu, đẩy nhanh tiến trình xử lý tài sản đảm bảo, xử lý nợ xấu.

Về điều hành giá điện, Bộ Công Thương hoàn thiện lại phương án điều chỉnh giá điện tính đến tác động tới lạm phát và tăng trưởng kinh tế, đề xuất kịch bản điều hành giá điện trong năm 2017 theo hướng hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

Căn cứ vào diễn biến của nền kinh tế đến hết quý III/2017, Bộ Công Thương tính toán các phương án điều chỉnh giá điện. “Trường hợp cần thiết phải tăng giá điện cần cân nhắc điều chỉnh ở mức thấp nhất có thể đồng thời kết hợp đồng bộ với các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng khác để bù đắp cho mức giảm tốc độ tăng GDP tương ứng”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Một tính toán của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong trường hợp giá điện tăng 3% thì sẽ tác động làm CPI tăng 0,081%; tăng 5% làm CPI tăng 0,189% và tăng 7% cũng sẽ tác động làm CPI tăng 0,243%. Và nếu giá điện tăng 10% thì sẽ tác động làm CPI tăng 0,27% và song song với đó, GDP cũng giảm 0,43%.

Lần điều chỉnh giá điện gần nhất là cách đây gần 2 năm, vào ngày 16/3/2015 - với mức giá bán lẻ bình quân được quyết định là 1.622,01 đồng/kWh, tăng thêm 7,5% so với thời điểm trước đó.

Đàm phán, điều chỉnh giảm giá dịch vụ BOT

Liên quan đến giá xăng dầu, Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo Nghị định số 83 năm 2014 của Chính phủ, có tính toán mức độ tác động đến lạm phát kết hợp sử dụng quỹ bình ổn giá với liều lượng phù hợp.

Về giá dịch vụ sử dụng đường bộ BOT, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sớm tính toán, phối hợp với Bộ Tài chính để đàm phán, điều chỉnh giảm giá dịch vụ BOT tại các trạm đã quyết toán theo nguyên tắc và chủ trương ưu tiên giảm giá hơn giảm thời gian thu góp phần giảm chi phí vận tải hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Bộ GTVT báo cáo số liệu cụ thể về số lượng và mức giảm giá của các trạm trình Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đồng thời gửi Bộ Tài chính để tổng hợp theo dõi.

Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương hoàn thành việc điều chỉnh mức giá trong năm 2017 theo Thông tư số 02 năm 2017 quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh chữa bệnh trong một số trường hợp, xem xét đẩy nhanh thời điểm điều chỉnh nếu điều kiện cho phép.

Song song với đó, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng được giao phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thiện công tác đấu thầu tập trung thuốc quốc gia trong tháng 8/2017. Phó Thủ tướng nêu rõ, kiên quyết thực hiện mục tiêu kéo giá thuốc giảm từ 10 – 15% trong năm 2017.

Văn phòng Chính phủ bố trí tổ chức cuộc họp của Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá với các Bộ, ngành liên quan trong tháng 7 năm 2017 để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý giá thuốc chữa bệnh cho người và đấu thầu thuốc tập trung.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục tại địa phương theo lộ trình. Chú ý kiểm soát điều hành giá đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, đồng thời chỉ đạo, phối hợp với các địa phương không thu thêm các khoản thu ngoài giá dịch vụ đào tạo theo quy định. Theo dõi sát giá thị trường để quản lý tốt các loại vật tư giáo dục, sách giáo khoa nhất là trong thời điểm năm học mới.

Bích Diệp (Dân Trí)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem