Nga hiện duy trì quan hệ gắn bó mật thiết với Iran.
Tờ Washington Post bình luận, đợt không kích bất ngờ tiêu diệt thiếu tướng Iran có thể đem lại lợi ích cho Mỹ ngay lập tức. Nhưng về lâu dài, dư luận Iraq và cả Mỹ có thể gây sức ép buộc quân đội Mỹ rút khỏi Iraq.
Quân đội Mỹ một khi rời khỏi Iraq sẽ để lại khoảng trống vô cùng lớn mà Nga không thể khoanh tay đứng nhìn, theo Washington Post.
“Trong trường hợp Mỹ buộc phải rút lui, khoảng trống quyền lực ở Iraq là điều mà Iran và Nga được hưởng lợi lớn nhất”, Michael Carpenter, cựu trợ lý Lầu Năm Góc về Nga, Ukraine và Á-Âu, nói.
Richard N. Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, đăng bình luận trên mạng xã hội Twitter về việc quân đội Mỹ và các nhà ngoại giao rời Iraq. “Dù thế nào thì đợt không kích vừa qua cũng chấm dứt quan hệ hợp tác Mỹ-Iraq”, Haass nhận định, nói thêm rằng ông Trump càng dọa Iraq thì càng chứng minh là quân đội Mỹ sẽ phải rời đi.
Đối với Nga, tình hình Iraq rõ ràng rất khác so với Syria. Ở Syria, ông Putin được Tổng thống Bashar al-Assad mời can thiệp để chống khủng bố. Nhưng Iran và đặc biệt là thiếu tướng vừa qua đời Soleimani có thể đã chuẩn bị các bước đi cần thiết để Nga thay thế Mỹ ở Iraq.
Người Nga đặt hoa tưởng niệm tướng Iran Qasem Soleimani ở Moscow.
Hồi tháng 4, Reuters dẫn nguồn tin từ quan chức Iran nói tướng Soleimani đã có cuộc gặp bí mật với ông Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu ở Moscow. Trong giai đoạn năm 2015-2017, tướng Soleimani cũng được cho là đặt chân đến Moscow nhiều lần.
Bộ Quốc phòng Nga đã gửi lời chia buồn tới Iran về cái chết của tướng Soleimani, nói rằng Soleimani đã có “những đóng góp không nhỏ và tạo ra tầm ảnh hưởng đáng kể trong khu vực”. “Nỗ lực của tướng Soleimani trong cuộc chiến chống IS là không thể phủ nhận”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Theo báo Mỹ Washington Post, mục tiêu chiến lược của ông Putin là khôi phục quyền lực của Nga ở Trung Đông, sau khi Liên Xô buộc phải từ bỏ vì khủng hoảng. Từ Trung Đông, Nga có thể xây dựng liên minh toàn cầu chống lại tầm ảnh hưởng của Mỹ.
Báo Mỹ nhắc đến mối quan hệ nồng ấm giữa Moscow và Baghdad trong những năm gần đây. Các nhà ngoại giao hai nước gặp nhau thường xuyên, công bố các hợp đồng năng lượng và vũ khí. 3 gã khổng lồ năng lượng của Nga như Lukoil, Gazprom và Rosneft đều đang hoạt động ở Iraq.
Quân nhân Nga đến chia buồn tại Đại sứ quán Iran ở Syria.
Eugene Rumer, cựu sĩ quan tình báo quốc gia Nga nhận định bước đầu hiện diện của Nga ở Iraq có thể là “gửi một số cố vấn quân sự, tiếp tục bán vũ khí và kí thêm thỏa thuận thương mại”.
Quan hệ Mỹ-Iraq đang đổ vỡ và ông Putin với tư cách là người đứng đầu nước Nga sẽ không bỏ lỡ cơ hội này, theo Washington Post. “Mối quan hệ Mỹ-Iraq xuống dốc cho phép mở rộng vai trò của Nga ở Trung Đông”, Carpenter nói.
Ở một khía cạnh khác, mệnh lệnh không kích tiêu diệt tướng Iran của ông Trump tạo ra những nghi ngại ngay cả với các đồng minh thân cận của Mỹ. Trong bối cảnh đó, ông Putin nổi lên là một nhà lãnh đạo có trách nhiệm hơn, theo Washington Post.
Cuối cùng, một cuộc khủng hoảng ở Trung Đông giúp Nga hưởng lợi về tài chính, nhờ giá dầu tăng. Dĩ nhiên là Nga sẽ không muốn giá dầu duy trì ở mức cao trong một thời gian dài vì như vậy sẽ chỉ càng khiến các nước châu Âu và Trung Quốc giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ, Washington Post nhận định.
Ngày 3/1/2020 chính thức đưa mối quan hệ Mỹ - Iran gần 70 năm thù địch sang một “trang sử mới” theo hướng bạo lực hơn,...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.