Q.12 xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp chủ lực làm kinh tế nông thôn
Quận 12, TP.HCM xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp làm kinh tế nông thôn
Trần Đáng
Thứ ba, ngày 18/07/2023 14:38 PM (GMT+7)
Quận 12 sẽ hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp nhằm hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, có kiến thức, tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội mới vào năm 2025.
UBND quận 12 vừa ban hành kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn, giai đoạn 2023 – 2025, để có 150 nông dân chuyên nghiệp vào năm 2025.
Đào tạo nghề nông nghiệp chính quy cho nông dân
Theo UBND quận 12, kế hoạch này nhằm hỗ trợ đào tạo hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, trở thành lực lượng chính trong quá trình phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng lực lượng kao động nông thôn có kiến thức, tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội mới. Đồng thời, đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề và hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động trên địa ban quận.
Quận 12 phấn đấu đến năm 2025, đào tạo nghề cho 150 lao động nông thôn làm nông nghiệp đáp ứng nhu cầu lao động cho các vùng sản xuấtt hàng hóa tập trung, tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn quận. Trong đó, tập trung đào tạo để nâng cao tỷ lệ lao đọng qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ…
Về định hướng ngành nghề đào tạo, quận 12 sẽ tập trung đào tạo cho nông dân các nghề để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, đề án do ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì, như: Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phát triển du lịch nông thôn, Để án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030, Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn TP giai đoạn 2021 – 2025, Chương trình khuyến nông trên địa bàn TP giai đoạn 2022 - 2025; Đề án phát triển hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả trên địa bàn TP giai đoạn 2021 - 2025 và các để án trọng tâm khác của ngành.
Ngoài ra, quận 12 còn bổ sung các nghề mới, nghề đặc thù thu hút nhiều lao động nông thôn và đáp ứng với các yêu cầu phát triển kinh tế nông thôn trong thời gian tới, như dịch vụ nông nghiệp nông thôn, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản; kinh doanh…
Hiện, trên địa bàn 5 phường của quận 12 còn hơn 166 ha đất đang sản xuất nông nghiệp. Số hộ làm nông, như phường An Phú Đông có 21 hộ; phường Thạnh Lộc có 19 hộ; phường Thạnh Xuân có 13 hộ; phường Hiệp Thành có 2 hộ; phường Thới An có 1 hộ.
Trước tình hình số hộ làm nông còn ít và diện tích đất nông nghiệp thu hẹp dần, quận 12 thường xuyên tổ chức, vận động nông dân tiếp tục phát triển các mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị, đúng chủ trương của TP.HCM.
Anh Lữ Văn Dánh (Phường Hiệp Thành), một nông dân nuôi cá cảnh chia sẻ, trong tình hình đất chật, người đông như quận 12 hiện nay thì việc làm nông cần phải công nghệ cao để tận dụng giá trị quỹ đất ít ỏi.
"Tuy nhiên, để làm nông công nghệ cao nông dân phải được TP hỗ trợ đào tạo nghề nhằm đạt hiệu quả kinh tế và giảm thiểu rủi ro", anh Dánh chia sẻ.
Theo Hội Nông dân Q.12, thời gian qua, khuyến nông TP đã hỗ trợ nhiều mô hình hay, giúp nông dân Q.12 sản xuất, phát triển kinh tế. Đến nay, nông dân Q.12 lại được khuyến nông TP mở lớp dạy nghề canh tác rau công nghệ cao, giúp nông dân có điều kiện học tập chuyên sâu, ổn định nghề nghiệp, tăng thu nhập và cải thiện đời sống.
Hội Nông dân Q.12 cũng cho rằng sau khi đã nhận chứng chỉ đào tạo nghề nông chuyên nghiệp, các học viên sẽ phát huy kiến thức học được, mạnh dạn thực hiện mô hình tại địa phương.
Nâng mức hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp
Trước đó, UBND TP.HCM cũng đã ban hành kế hoạch trung hạn đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn năm 2021 và giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, TP sẽ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn là 8.111 người với tổng kinh phí thực hiện hơn 37 tỷ đồng.
Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng đề xuất nâng mức hỗ trợ đào tạo nghề do mức hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện nay thực hiện theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành năm 2009 đến nay không còn phù hợp.
Đồng thời, lao động tham gia hoạt động sản xuất nông nghiệp đa phần là người lớn tuổi, tham gia học nghề nhưng lại không thuộc đối tượng hỗ trợ theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ, nên cần mở rộng độ tuổi học nghề để được hỗ trợ khi ban hành chính sách cho giai đoạn mới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.