Qatar không "nghe lời", Ả Rập Saudi có cách "xử" tiếp

Quang Minh – Reuters Chủ nhật, ngày 25/06/2017 11:45 AM (GMT+7)
Nếu Qatar không thực hiện bản yêu sách 13 điểm của các quốc gia vùng Vịnh trong vòng 10 ngày tới, chính quyền Doha sẽ bị cô lập ngay lập tức.
Bình luận 0

img

Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash.

Một quan chức cấp cao của chính phủ Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) tuyên bố ngày 24.6 rằng nếu Qatar không chấp thuận tối hậu thư mà 4 quốc gia vùng Vịnh đưa ra thì sẽ “đường ai nấy đi”.

Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash nói: “Giải pháp thay thế không phải là sự leo thang quân sự mà là đường ai nấy đi. Chúng tôi rất khó duy trì một nhóm chung mà có quốc gia lựa chọn lối đi riêng của mình”.

Ông cho biết đối thoại vẫn là ưu tiên hàng đầu để giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao Qatar, tuy nhiên nói rằng nỗ lực hòa giải đã bị suy yếu vì nội dung tối hậu thư bị tiết lộ ra ngoài. “Năng lực của quốc gia hòa giải nhằm tạo ra thỏa thuận chung đã bị giảm giá trị khi thông tin bị tiết lộ”, Ngoại trưởng Anwar nói.

Bản yêu sách 13 điểm của Ả Rập Saudi, UAE, Bahrain và Ai Cập yêu cầu chính quyền Doha đóng cửa kênh truyền hình vệ tinh Al-Jazeera, cắt đứt quan hệ với Iran, đóng cửa căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ và đền bù thiệt hại.

Yêu cầu đưa ra nhằm mục đích xóa bỏ “chính sách ngoại giao can thiệp” của Qatar trong hơn 20 năm qua. Nhiều quốc gia Ả Rập không hài lòng với chính sách này của Doha vì họ cho rằng Qatar tài trợ khủng bố và các nhóm đối lập và là mối đe dọa với chế độ chính trị của họ.

Qatar là quốc gia bé nhỏ ở vùng Vịnh, diện tích chỉ hơn 11.000 km2, dân số trên 2,5 triệu người nhưng có tiềm lực rất lớn về dầu mỏ, khí đốt. Chính điều này khiến Qatar rất tích cực tham gia vào các sự kiện chính trị khu vực và toàn cầu.

Doha tuyên bố bản yêu sách 13 điểm của các quốc gia vùng Vịnh là “vô lý và không có tính thực thi”.

Ông Anwar cho biết nếu Qatar trong 10 ngày không thực hiện các yêu cầu của tối hậu thư, quốc gia vùng Vịnh này sẽ bị cô lập. Ông Anwar không tiết lộ cụ thể 4 quốc gia Ả Rập sẽ làm gì nhưng hiện tại, quan hệ kinh tế, ngoại giao với Doha đã bị chặn đứng.

Quốc gia Trung Đông ủng hộ mạnh mẽ Qatar nhất là Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền Ankara đang kêu gọi thông qua nghị quyết cho phép điều thêm quân nhiều hơn nữa tới Doha. Hiện tại, hai đơn vị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã có mặt ở Doha cùng khí tài quân sự hạng nặng.

Ông Anwar nói rằng hành động điều quân của Thổ Nhĩ Kỳ là “sự leo thang vô nghĩa” và ông hy vọng Ankara sẽ hành động “một cách hợp lý hơn”.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Tayyip Erdogan là một người thuộc đảng chính trị Hồi giáo. Qatar là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ của phong trào “Anh em Hồi giáo”, thách thức sự cai quản của các tiểu vương Ả Rập.

Qatar phản ứng về “tối hậu thư” 13 điểm của Ả Rập

Một trong những nội dung của tối hậu thư là yêu cầu Qatar đóng cửa đại sứ quán Iran và căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem