“Quả đắng” mùa tuyển sinh

Thứ tư, ngày 18/08/2010 10:53 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Không ít học sinh ở nông thôn sau khi thi trượt ĐH, CĐ đã quyết định nhập “trường hoành tráng”, với hy vọng có một tương lai tươi sáng. Thế nhưng, sự đời còn lắm truân chuyên...
Bình luận 0
img
Bốn học sinh ở Đắc Sở (Hoài Đức, Hà Nội) với hàng tá giấy báo nhập học.

Cả làng mừng hụt

Thấy con trai Đỗ Văn Tuấn thông báo không đỗ ĐH và xin đi học nghề điện dân dụng, ông Đỗ Văn Lành ở Sài Sơn, Quốc Oai (Hà Nội) đành ngậm ngùi khép lại niềm hy vọng được mở mày mở mặt với làng xóm, họ hàng. Thế rồi bỗng nhiên ông nhận được giấy gọi Tuấn nhập học của một trường ĐH ở Hà Nội. Niềm vui òa đến, cầm chiếc phong bì còn kín niêm phong, ông vội vã chạy đi gọi nhờ điện thoại cho con về.

Cũng chỉ trong buổi chiều hôm đó, cả làng đều biết tin con trai ông đỗ ĐH và lũ lượt kéo đến chúc mừng. Trong khi chờ con trai về, ông và các cụ trong họ đã tính toán xong việc chuẩn bị cỗ bàn để khao làng, khao xóm.

Nhớ lại chuyện cũ, Tuấn cười như mếu: "Biết không đủ điểm vào ĐH, em quyết định lên Hà Nội học nghề điện để về mở cửa hàng sửa chữa tại làng. Thế nhưng học được khoảng 1 tuần thì bố em gọi về báo đỗ ĐH. Lúc đó em rất ngạc nhiên, ở quê đỗ ĐH là "hoành tráng" lắm nên sự kiện đó nhanh chóng được truyền đi khắp làng, khắp họ.

Về nhà, em thất vọng vô cùng vì đó là giấy gọi của một trường nào đó ở tận nước ngoài có cơ sở đào tạo trong nước với mức học phí tính bằng USD cao ngất trời. Vừa bực tức, vừa xấu hổ em chỉ còn nước bắt xe đi ngay để tránh sự "hỏi thăm" của mọi người".

Nghe con kể, bác Đỗ Văn Lành phân trần: "Thì chúng tôi ở quê, cả đời chẳng đi đến đâu, làm nông nghiệp cực nhọc lắm mới nuôi được con học hết cấp 3 mong ngày mở mày mở mặt với họ hàng, làng xóm. Thấy thư báo trúng tuyển ĐH, tôi mừng quá gọi nó về ngay chứ có biết đâu…".

Lỡ dở vì tin vào quảng cáo

Anh Đoàn Hữu Hòa - Bí thư chi Đoàn đội 6, ủy viên BCH Đoàn xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, cho biết: "Hiện trạng giấy mời nhập học ồ ạt đổ về nông thôn đã làm cho các em học sinh vừa tốt nghiệp THPT hoang mang, rối loạn. Để giúp các em chọn được trường học tốt, như ý và tránh bị lừa đảo, các đoàn viên trong Chi đoàn sẽ tìm hiểu, tư vấn cho các em kịp thời và chính xác".

Không "may mắn" như Tuấn, năm 2008, sau khi thi trượt ĐH, Nguyễn Thị Loan (Đắc Sở, Hoài Đức, Hà Nội) đã đăng ký theo học chuyên ngành Nấu ăn tại Trường CĐ Du lịch.

Loan kể: "Thi trượt ĐH, em nhận được hàng chục giấy mời học tại nhiều trường khác nhau. Cân nhắc mãi, cuối cùng em quyết định chọn học nấu ăn vì bị hấp dẫn bởi những lời hứa hẹn về chất lượng đào tạo, ưu đãi việc làm sau khi ra trường…

Thế nhưng học được 1 kì em đành bỏ dở vì có quá nhiều sự lộn xộn và bất ổn. Ngoài việc đi học không có thời khóa biểu, chỗ học không cố định thì học phí và các khoản đóng góp liên tục tăng đến chóng mặt".

Cũng dính "quả đắng" như Loan, Tạ Hữu Thủy ở cùng xã chọn học ngành Công nghệ thông tin tại Trường Đào tạo mỹ thuật đa phương tiện. Trước khi vào trường, Thủy được hứa hẹn sẽ được vừa học vừa làm tại công ty quảng cáo hoặc các trường truyền thông, truyền hình… Thế nhưng, sau 2 năm học với những khoản học phí lớn, Thủy đành ngậm ngùi xin vào làm bảo vệ tại một siêu thị với công việc chẳng liên quan gì đến công nghệ thông tin.

Khốn đốn nhất trong số những học sinh mà chúng tôi gặp được có lẽ là nhóm bạn 4 người của Nguyễn Thị Hồng quê ở tận huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế), giờ đang theo học khoa Giáo dục tiểu học của một trường trung cấp tại Hải Dương nhưng có cơ sở đào tạo tại ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội.

Năm 2009, sau khi thất bại trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, Hồng và nhóm bạn nhận được tờ rơi giới thiệu và giấy mời xét tuyển của trường trung cấp này. Vì không có điều kiện tiếp cận với nhiều thông tin nên đây thực sự là một cơ hội học tập dành cho nhóm của Hồng.

Chân ướt chân ráo ra Thủ đô, Hồng và các bạn đã choáng váng với mức học phí cao ngất ngưởng. Đâm lao thì phải theo lao, thế nhưng chỉ được một học kỳ thì Phạm Thị Hon - 1 người trong nhóm - đã phải "bỏ cuộc chơi" vì gia đình không thể tiếp tục chu cấp tiền học phí.

Giờ đây, dù vẫn phải cố gắng đi làm thêm để có tiền hỗ trợ gia đình đóng học phí năm học thứ 2 nhưng Hồng vẫn hoàn toàn mờ mịt về tương lai của mình sau khi ra trường: "Em nghĩ mình có thể xin vào một trường tiểu học nào đó ở quê nhưng chưa biết sẽ bắt đầu từ đâu".

Chính vì những thực tế đáng buồn đó mà giờ đây các vị phụ huynh cũng như các em học sinh ở nông thôn không còn quá mặn mà với hàng chục loại giấy mời nhập học mỗi mùa tuyển sinh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem