Quả mọc dại ở vùng Thất Sơn, An Giang bỗng thành đặc sản đắt hơn nho Mỹ, đến mùa dân hái bán "hốt bạc"

Mai Anh Thứ tư, ngày 13/09/2023 19:01 PM (GMT+7)
Nho rừng thường mọc khép mình ở những ngọn núi thuộc huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Trước đây, loại cây mọc dại này hầu như không có giá trị kinh tế nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, nho rừng được nhiều người săn đón và trở thành đặc sản vùng Thất Sơn.
Bình luận 0

Nho rừng là loại cây mọc hoang dại trong rừng thuộc họ dây leo, cho trái thành chùm, trái khá giống trái nho đang bán trên thị trường nhưng vỏ cứng hơn. Khi sống, trái nho rừng có màu xanh, lúc chín trái chuyển sang màu tím rất đẹp mắt.

Vì sao cây nho mọc hoang dại trong rừng lại trở thành sản ở vùng Thất Sơn, An Giang? - Ảnh 1.

Nho rừng thường mọc tự nhiên tại vùng núi thuộc 2 huyện: Tri Tôn và Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Ảnh: Mai Anh

Mùa nho rừng vùng Thất Sơn (thuộc 2 huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang) bắt đầu từ tháng 7 tới tháng 10 âm lịch hàng năm. Khi những cơn mưa "đã già", cùng là lúc bà con An Giang lại bước vào mùa thu hoạch.

Là người đầu tiên mang nho rừng xuống núi và thương mại loại trái dại này cách đây 5 năm, bà Nguyễn Thị Suối (66 tuổi, ngụ phường An Phú, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang) tươi cười kể: "Trái này xưa giờ đi rừng thấy nhiều lắm, trái ra từ gốc tới ngọn cao hàng chục thước. Ban đầu thấy đẹp, tôi hái về để cho tụi con nít chơi. 

Có người thấy đẹp xin về ngâm rượu uống thử thì bảo ngon. Thấy vậy mình đi hái về bán thử, nào ngờ nho rừng được bà con gần xa ưa chuộng".

Vì sao cây nho mọc hoang dại trong rừng lại trở thành sản ở vùng Thất Sơn, An Giang? - Ảnh 2.

Nho rừng được bán nhiều tại phường An Phú, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Ảnh: Mai Anh

Vì sao cây nho mọc hoang dại trong rừng lại trở thành sản ở vùng Thất Sơn, An Giang? - Ảnh 3.

Khi những cơn mưa "đã già", cùng là lúc bà con An Giang lại bước vào mùa thu hoạch nho rừng. Ảnh: Mai Anh

Cầm trên tay những chùm nho rừng chín mộng với sắc tím đặc trưng bà Suối nhận định, năm nay, nho rừng thất mùa hơn so với mọi năm. 

Nếu như năm trước mỗi chùm nho rừng nặng 5-7kg là chuyện bình thường, năm nay 1 chùm chừng 1-2kg là nhiều và trái cũng có phần nhỏ hơn. Bù lại, giá nho cao, từ 40.000-50.000 đồng/kg.

Những ngày này, gian hàng nhỏ trước nhà của bà Suối luôn tấp nập cảnh người mua. Người đi đường thấy trái lạ dừng lại để hỏi, người quen dùng thì hỏi giá mua.

Điểm đặc biệt của nho rừng là khi sống chốn hoang sơ trên núi rừng sẽ đơm bông, kết trái tự nhiên. Nếu đem về trồng trong vườn nhà, do kỹ thuật hạn chế nên chỉ ra lá. Do đó, hiện nay nguồn nho rừng được bà con thu hái trong tự nhiên là chính.

Để hái được loại trái trời cho này cũng nặng công. Không chỉ trèo đèo, lội suối, bà con vùng Thất Sơn còn phải đối mặt với bao hiểm nguy giữa chốn rừng già.

Vì sao cây nho mọc hoang dại trong rừng lại trở thành sản ở vùng Thất Sơn, An Giang? - Ảnh 4.

Nho rừng là loại cây mọc hoang dại trong rừng thuộc họ dây leo, cho trái thành chùm, khá giống quả nho. Vì thế bà con thường gọi là nho rừng. Khi sống nho rừng có màu xanh, lúc chín chuyển sang màu tím rất đẹp mắt. Ảnh: Mai Anh

Vì sao cây nho mọc hoang dại trong rừng lại trở thành sản ở vùng Thất Sơn, An Giang? - Ảnh 5.

Trước đây, nho rừng hầu như không có giá trị kinh tế. Khoảng 5 năm lại đây đã trở thành đặc sản mới vùng Thất Sơn. Ảnh: Mai Anh

Vì sao cây nho mọc hoang dại trong rừng lại trở thành sản ở vùng Thất Sơn, An Giang? - Ảnh 6.

Người dân vùng Thất Sơn thường ngâm nho rừng với rượu hoặc đường phèn để trị nhức mỏi, tim mạch khá hữu hiệu. Ảnh: Mai Anh

Vác trên vai bao nho rừng, anh Võ Văn Hải (40 tuổi) - một tay săn nho rừng với thâm niên hơn 10 năm cho biết: "20kg nho rừng này là thành quả của anh đi từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa. 

Hôm nay may mắn nên được về sớm chứ có hôm đi tới 5 giờ chiều mới về, có khi cũng được từ 5-7kg nho rừng".

"Nghề này thấy vậy chứ cực dữ lắm, từ nhỏ đã đi rừng, bám núi ấy vậy mà đi hái nho rừng vẫn bị lạc đường hoài. Nhất là những hôm trời mưa, mây đen trắng trời, những hôm đó mình phải đợi đến khi hết mưa mới ra được.

 Còn chuyện trèo cây bám vào dây nho rừng để hái trái thì té như cơm bữa, gặp rắn thì mỗi ngày" - anh Hải vừa lau vội những giọt mồ hôi trên trán vừa nói.

Hiện nay, nho rừng được bán nhiều tại phường An Phú, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Ngoài bán trái tươi, người dân vùng Thất Sơn thường ngâm nho rừng với rượu hoặc đường phèn (người dân địa phương gọi là làm mật nho rừng" để trị nhức mỏi, tim mạch khá hữu hiệu.

Từ loại trái dại lẻ loi trên rừng già chẳng có giá trị kinh tế, giờ đây nho rừng được nhiều thực khách ưa chuộng. 

Chính vì thế, dù chỉ mới xuất hiện trên thị trường chỉ vài năm nhưng nho rừng đã trở thành đặc sản mới ở vùng Thất Sơn, tỉnh An Giang.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem