Quà tặng và câu chuyện “vận động” phía sau

Quốc Phong Thứ hai, ngày 04/11/2019 06:20 AM (GMT+7)
Có những quan chức cấp cao nghiễm nhiên nhận quà rất lớn, có thể là cả chiếc xe hơi hạng sang... Và cũng có không ít quan chức cao cấp đã “chết” một cách lãng xẹt cũng từ những chiếc xe được xem là quà tặng đó. 
Bình luận 0

Quyết định từ chức đột ngột của Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Katsuyuki Kawai hôm 31/10 khiến nội các của Thủ tướng Shinzo Abe thực sự choáng váng. Theo báo chí đưa tin, ông Kawai là bộ trưởng thứ hai đã từ chức chỉ trong chưa đầy 1 tuần, sau Bộ trưởng Thương mại Isshu Sugawara. Âu cũng chỉ xoay quanh chuyện quà cáp, mà chỉ là 1 quả dưa lưới, ít củ khoai tây, vài trái xoài hoặc chiếc phong bì phúng điếu (cỡ vài triệu tiền Việt Nam) cho cử tri. Như thế là vi phạm, là không hợp pháp.  

Thế mới biết, luật ở nước người nghiêm tới cỡ nào. 

Còn chúng ta, hình như chuyện tương tự như vậy sẽ không mấy ai để ý. 

Cách đây 3 khoá Quốc hội, tôi được nghe trực tiếp từ một người trong cuộc kể lại một chuyện, tưởng cũng bình thường, không đến nỗi nào và không đáng nhắc lại. Nay đọc thông tin trên về Nhật Bản, tôi bỗng dưng nhớ lại mà giật mình. 

Số là có một vị luật sư trong danh sách tự ứng cử Đại biểu Quốc hội ở quận Đống Đa, Hà Nội. Theo quy định, ai tự ứng cử thì vòng 1 cần có đủ số chữ kí của cộng đồng nơi cư trú giới thiệu (dù trên cũng có ý muốn cơ cấu người không đảng phái tham gia nên ông này được “bật đèn xanh” tự ứng cử). 

Để xin được đủ số chữ ký ủng hộ, vị luật sư nọ cũng phải đến trình bày, nhờ sự trợ giúp của tổ trưởng dân phố mà tôi biết và được chính ông kể cho nghe như một điều gì vui vui, không giấu diếm.

Ông ta cũng tỉ tê tranh thủ một số “quan chức” thấp nhất trong xã hội Việt Nam là tổ trưởng, bí thư chi bộ và trưởng ban mặt trận tổ dân phố để tổ chức cho ông ta một buổi ra mắt. Cũng chỉ là tình cảm thôi chứ không đáng gì, chỉ là mấy chiếc phong bì dăm ba trăm ngàn để “trăm sự” nhờ các cụ hưu nhiệt tình giúp ông thành công.

Thế rồi, buổi ra mắt cũng đạt mục tiêu như ý trong một cuộc họp “có chút lai rai” trà, bánh kẹo, thuốc lá. Họ cũng nghĩ, ừ thì mất gì của mình mà không giới thiệu. Hơn nữa, thấy cũng hay khi có người hàng xóm gần gũi được vinh hạnh tham gia Quốc hội. Sau này biết đâu có lúc mình được nhờ gì đó, nhiều khi chỉ là chuyện khu vực bị cúp điện, cúp nước... thì ông nghị nọ sẽ phone cho ai đó xử lý nhanh. 

img

Việc một số địa phương nhận quà là ôtô từ doanh nghiệp đều được kết luận là trái quy định.

Kể ra thì cũng khó nói vì nó không đáng là bao khi ngân sách nhà nước không hỗ trợ ai việc này, nên nếu ai đó có bỏ ra chút kinh phí, có lẽ cũng không sao. 

Song, nếu như học kiểu mấy ông nghị bên nước Nhật thì quả là quá khó, nhất lại là dạng xin được tự ứng cử.

Tuy nhiên, ngẫm thật kỹ câu chuyện bên xứ người thì thấy có lẽ chúng ta cũng có phần hơi khó theo nổi họ, dù có nhiều tập tục rất gần gũi.

Tôi nghe nói, bây giờ nếu ai muốn trúng cử ở các cấp dân bầu cũng không giản đơn và vô tư được như vài ba chục năm trước. Cũng mệt và tế nhị lắm! 

Nhiều khi, để có phiếu cao thì cũng cần tạo ấn tượng với cử tri nơi mình tranh cử, bằng cách nhờ nơi nọ nơi kia tài trợ cho ít đồ làm tặng phẩm để xuống tiếp xúc cử tri thì sẽ tặng các gia đình nghèo, diện chính sách cho hoành tráng, ấn tượng. Vậy thì kiểu gì sẽ được coi là được phép, kiểu gì không được phép cần phải tránh ? 

Rồi khi họ đã được dân bầu vào các cơ quan công quyền và có chức sắc, người ta lại bắt đầu nảy sinh tư tưởng nhận quà dễ dãi đến lạ lùng.

Tôi không hiểu sao có những quan chức cấp cao nghiễm nhiên nhận quà rất lớn, có thể là cả chiếc xe hơi hạng sang. Có thể họ nghĩ đơn giản, mình dùng xe ai đó tặng cho việc công, Nhà nước đỡ chi phí thì đâu có sao! Và họ cũng rất công khai, vô tư dùng những chiếc xe hơi đắt tiền của doanh nghiệp tặng để làm công xa. Thật là buồn, trong “công cuộc đốt lò” thời gian vừa qua, có không ít quan chức cao cấp đã “chết” một cách lãng xẹt cũng từ những chiếc xe được xem là quà tặng đó. 

Từ chuyện Bí thư Thành ủy Đà Nẵng năm nào nhận của Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm) 1 chiếc xe. Nó có giá trị nghe đâu ngót nghét 2 tỷ đồng, chỉ sang hơn chút đỉnh so với chiếc xe ông ta có quyền được Nhà nước trang bị (khoảng hơn 1 tỷ đồng) để sử dụng với cấp Ủy viên Trung ương là do cách nghĩ đơn giản, xem đó “chỉ là chuyện nhỏ”, Nhà nước khỏi trang bị chứ có sao. Cho đến chuyện Giám đốc Công an tỉnh Cao Bằng nhận của Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghiệp Tây Giang quà tặng là 1 chiếc xe ô tô hạng sang trị giá 3,7 tỷ đồng, rồi để phó giám đốc Công an dùng. Liệu có phải “ủ mưu” để ai cũng có xe riêng (?). Và do nghĩ như thế mà nhận của doanh nghiệp thứ quà tặng khủng đó!

Quan chức nhà nước nhận xe do doanh nghiệp tư nhân tặng, lại chỉ dùng cho một vài người đi lại, là chuyện không nên. Bởi nếu doanh nghiệp nói trên vi phạm một điều gì đó thì cơ quan anh có dám mạnh tay nghiêm trị không? Tôi nghĩ rất khó và Đà Nẵng chính là một ví dụ điển hình khi Vũ “nhôm”, bằng tài ngoại giao của mình, đã khiến thành phố này thất thoát tài sản nhà nước vào tay cá nhân dễ sợ thế nào! 

Nếu doanh nghiệp muốn ủng hộ ngân sách, đồng thời cũng gây ấn tượng với địa phương, với người dân mà không ai chê, cũng không bị coi là mua chuộc, thì có thể mua tặng địa phương cả mười hoặc trăm chiếc xe chở rác làm sạch môi trường, xe cứu hoả. Việc đó sẽ được hoan nghênh, bởi đó là dùng cho cộng đồng, không ai phê phán, nghi ngờ cả. 

Còn việc tặng xe sang để lãnh đạo dùng trên cả tiêu chuẩn được trang bị thì rõ ràng không ổn chút nào. Nó gián tiếp chứng minh lãnh đạo muốn xài đồ sang hơn tiêu chuẩn của họ được hưởng, như vậy cũng là biểu hiện của lối sống xa hoa cần tránh ở người lãnh đạo. Họ rất cần ý tứ, không để dân nghi kỵ, suy diễn không hay.  

Không lẽ do trong nhận thức, người ta nghĩ lúc mình từng “tặng” dân để tranh thủ lá phiếu bầu thì đơn giản nên khi nhận quà cũng giản đơn vậy sao? 

Một xã hội văn minh, dân chủ, người ứng cử vào các cơ quyền lực nhà nước cao nhất cũng như ở địa phương do dân bầu, nếu muốn lấy được lá phiếu bầu của dân chính xác và xứng đáng nhất, có lẽ nên tăng cường tổ chức cho các ứng cử viên đi diễn thuyết và tranh luận lẫn nhau trong cùng khu vực bầu cử. Những cuộc tranh luận, diễn thuyết này càng nhiều càng tốt, càng “nảy lửa” càng tốt thay vì tặng quà và tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho dân như lâu nay... Từ đó, cử tri sẽ tinh tường tìm ra người xứng đáng nhất để “chọn mặt gửi vàng”. Chúng ta hình như đang yếu và thiếu điều này, nên cách vận động tranh cử vẫn còn nặng hình thức, nặng việc để ý “vận động” kiểu khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem