Tòa đã tuyên 4 bản án chung thân cho 1 cựu cán bộ ở Bộ Y tế, 2 cựu cán bộ ở Bộ Ngoại giao, 1 cựu cán bộ ở Bộ Công an; 10 án treo cho một số bị cáo là doanh nhân đã có hành vi đưa hối lộ cùng nhiều mức án tương xứng với hành vi vi phạm của các bị cáo khác.
Ở vụ án này, có một số bị cáo đã khắc phục gần hết hoặc toàn bộ hậu quả nên đã được tòa giảm án, trong đó có cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên, cựu Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn.
Tòa tuyên tịch thu, sung công quỹ nhà nước 30 tỷ đồng mà Phạm Trung Kiên và gia đình đã nộp. Ảnh: Bảo vệ pháp luật
Cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế thì được giảm án từ tử hình (Viện Kiểm sát đề nghị) xuống chung thân sau khi khắc phục gần hết hậu quả vụ án. Phạm Trung Kiên bị tòa xác định nhận hối lộ 253 lần, tổng số tiền 42,6 tỷ đồng.
Tính đến trước khi Viện Kiểm sát luận tội, trong tổng số tiền bị quy kết, bị cáo Kiên đã trả lại hơn 12 tỷ, sau đó gia đình khắc phục thêm 15 tỷ. Sau khi Viện Kiểm sát luận tội, ngày 18/7, vợ bị cáo đi nộp tiếp khoản tiền 8 tỷ đồng; cuối cùng chị gái Kiên nộp thêm 7 tỷ đồng để khắc phục hậu quả cho em.
Ngày tòa tuyên án, Hội đồng xét xử (HĐXX) yêu cầu tịch thu, sung công quỹ nhà nước 30 tỷ đồng mà Phạm Trung Kiên và gia đình đã nộp.
HĐXX yêu cầu bị cáo Kiên và gia đình tiếp tục truy nộp số tiền sung công quỹ Nhà nước hơn 400 triệu đồng.
Cựu Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn mong muốn HĐXX giải tỏa kê biên các tài sản đã tạm giữ của ông, tuy nhiên HĐXX sau đó quyết định tiếp tục tạm giữ vàng, hơn 200 nghìn USD của ông này. Ảnh: TP
Với cựu Phó Giám đốc Công an TP.Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn, ông này bị cáo buộc "Môi giới hối lộ". Tính đến thời điểm Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao ra cáo trạng truy tố các bị cáo trong đó có ông Tuấn, ông Tuấn và gia đình đã nộp 460 nghìn USD để khắc phục hậu quả.
Ngày 17/7, ông Tuấn bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án từ 6 đến 7 năm tù về tội "Môi giới hối lộ". Sau khi Viện Kiểm sát luận tội, bị cáo Nguyễn Anh Tuấn đã tác động gia đình nộp khắc phục toàn bộ hậu quả với số tiền 1,85 triệu USD.
Đến phần đối đáp, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án khác cho ông Tuấn là từ 5 đến 6 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn sau đó cũng đề nghị được trả lại 210.000 USD, 146 miếng vàng… Cựu Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn trình bày, tài sản mà cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng kê biên không liên quan đến vụ án nên mong HĐXX, Viện Kiểm sát giải tỏa để "gia đình lấy số tiền đi trang trải phần vay nợ khắc phục hậu quả".
Theo bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, số tiền ông phải chịu trách nhiệm rất lớn, nhưng bản chất hành vi của mình chỉ là môi giới hối lộ. "Có lẽ tôi là bị cáo duy nhất không hưởng lợi nhưng phải khắc phục hậu quả với số tiền lớn nhất trong các bị cáo ngồi đây, bốn mươi mấy tỷ đồng" – bị cáo Nguyễn Anh Tuấn nói.
Cũng theo diễn biến tại tòa, cựu Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn đã nhiều lần nói rằng "anh em bên ngoài góp tiền cho tôi vay, khắc phục hậu quả".
Vào ngày tòa tuyên án, bị cáo Nguyễn Anh Tuấn bị tuyên phạt 5 năm tù về tội "Môi giới hối lộ", phạt tiền 50 triệu đồng. Cùng với đó, HĐXX yêu cầu tiếp tục tạm giữ 210.000 USD; 146 lượng vàng khi khám xét nơi ở của ông Tuấn.
HĐXX nhận định, nhóm môi giới hối lộ, trong đó có cựu Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, họ lợi dụng sự thân quen với các cá nhân có thẩm quyền, giúp một số doanh nghiệp, cá nhân đưa tiền để được cấp phép chuyến bay hoặc "chạy án". Riêng ông Tuấn còn bị xác định môi giới số tiền đặc biệt lớn.
HĐXX xác định, trong vụ án có 25 người khác bị cáo buộc nhận hối lộ gần 167 tỷ đồng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây thiệt hại trên 10 tỷ đồng. Ngoài ra, 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đưa hối lộ tổng số tiền trên 226 tỷ đồng; 4 cá nhân môi giới hối lộ tổng số tiền hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo 24,5 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.