"Xây dựng Luật Thủ đô để Hà Nội phát huy hết tiềm năng,… không đơn thuần là Thủ đô hành chính"

Bách Thuận Thứ ba, ngày 01/08/2023 18:49 PM (GMT+7)
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, xây dựng Luật Thủ đô để Hà Nội phát huy hết tiềm năng, thế mạnh, để thực hiện tốt sứ mệnh, không đơn thuần là Thủ đô hành chính, chính trị mà còn là trung tâm kinh tế lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục đào tạo.
Bình luận 0

Xây dựng Luật Thủ đô để Hà Nội phát huy hết tiềm năng

Ngày 1,8, tại Hội thảo khoa học góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) do Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, Sở Tư pháp TP.Hà Nội và Trường Đại học Luật Hà Nội đồng tổ chức đã thu hút sự tham gia của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học đến từ hơn 70 đại học, trường đại học, cao đẳng và học viện trên địa bàn TP.Hà Nội.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, cùng một thời điểm, Hà Nội có 3 nhiệm vụ (hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi), Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội) đang triển khai đồng loạt trong giai đoạn này, nếu làm tốt sẽ giúp cho Hà Nội có sự phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn trước mắt, trung hạn, dài hạn.

Theo ông Nguyễn Văn Phong, đây là 3 việc quan trọng, có mối liên hệ mật thiết với nhau. Trong quá trình triển khai, Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh cần phải tranh thủ, tận dụng những ý kiến, tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm của các giới, ngành, đặc biệt là giới trí thức đến từ các Học viện, các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn Thủ đô.

"Xây dựng Luật Thủ đô để Hà Nội phát huy hết tiềm năng,… không đơn thuần là Thủ đô hành chính" - Ảnh 1.

Phó Bí Thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhìn nhận, xây dựng Luật Thủ đô để Hà Nội phát huy hết tiềm năng, thế mạnh, để thực hiện tốt sứ mệnh, không đơn thuần là Thủ đô hành chính. Ảnh: TP.H

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, ngày 5/5/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Nghị quyết 15-NQ/TW đã đặt ra mục tiêu đến giai đoạn đến 2030, Hà Nội phải là Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, GDP đầu người khoảng 12 – 18 nghìn USD, là Trung tâm động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng Bắc Bộ cũng như cả nước.

Đến năm 2045 phải là Thành phố kết nối toàn cầu với đời sống văn hóa, tinh thần, vật chất ở mức độ cao, có thu nhập GDP đầu người khoảng 36 nghìn đô la, tương đương với thu nhập của các nước phát triển hiện tại.

Nghị quyết 15-NQ/TW cũng nêu trong giai đoạn từ năm 2011 - 2020 có một số hạn chế là Hà Nội chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, chưa làm tốt vai trò là trung tâm, là động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, có một số điểm nghẽn không những không giải quyết được triệt để mà còn trầm trọng hơn như vấn đề gia tăng dân số cơ học, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, quá tải hạ tầng đô thị, xã hội…

"Xây dựng Luật Thủ đô để Hà Nội phát huy hết tiềm năng,… không đơn thuần là Thủ đô hành chính" - Ảnh 2.

Hội thảo đã nhận được sự đóng góp ý kiến của rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học... Ảnh: TP.Hà Nội

Trên cơ sở đó, đặt ra yêu cầu Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) phải tháo gỡ những điểm nghẽn trong quá trình phát triển của Hà Nội để Hà Nội phát huy hết tiềm năng, thế mạnh.

"Hà Nội có thế mạnh riêng so với các địa phương khác, đó là số lượng lớn các trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn, đây là nguồn lực quan trọng. Xây dựng Luật Thủ đô để Hà Nội phát huy hết tiềm năng, thế mạnh, để thực hiện tốt sứ mệnh, không đơn thuần là Thủ đô hành chính, chính trị mà còn là trung tâm kinh tế lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục đào tạo, hội nhập quốc tế" - Phó Bí thư Thành ủy nói.

Còn không ít ý kiến trăn trở về tính thống nhất, đồng bộ của Dự thảo với hệ thống pháp luật hiện hành

Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn thông tin, hội thảo đã có nhiều ý kiến phát biểu tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm của các chuyên gia, các nhà khoa học, lãnh đạo các trường Đại học, Học viện…

Các ý kiến đều tiếp tục khẳng định những vấn đề mang tính chất quan điểm, nguyên tắc trong xây dựng dự án Luật Thủ đô sửa đổi, đó là: Thể chế hóa các chủ trương nhiệm vụ giải pháp của Đảng về xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội; các cơ chế chính sách đưa vào Luật đảm bảo đặc thù, vượt trội cho Thủ đô; tính thống nhất, đồng bộ của Dự thảo Luật Thủ đô, phải nằm trong tổng thể hê thống pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó, Luật Thủ đô phải khắc phục được các điểm nghẽn…

"Xây dựng Luật Thủ đô để Hà Nội phát huy hết tiềm năng,… không đơn thuần là Thủ đô hành chính" - Ảnh 3.

Theo Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn, vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn, trăn trở về tính thống nhất, đồng bộ của Dự thảo với hệ thống pháp luật hiện hành. Ảnh: TP.HN

Hội thảo đã tập trung tham luận, góp ý cụ thể vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với nội dung chủ yếu: Tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Thu hút, sử dụng nguồn lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô; Nâng cao năng lực tài chính - ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển Thủ đô; Phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông; Xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, quản lý sử dụng đất đai; đào tạo giáo dục Thủ đô và phát triển văn hóa; Huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo…

Mặt khác, vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn, trăn trở về tính thống nhất, đồng bộ của Dự thảo với hệ thống pháp luật hiện hành; về yêu cầu tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại của bộ máy chính quyền Thủ đô; về sự vượt trội, đột phá trong các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô trong công tác tổ chức cán bộ, thu hút, trọng dụng nhân tài, xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô, tài chính ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư và phát triển Thủ đô…

"Chỉ nên khuyến khích cho thuê nhà ở xã hội thay vì bán đứt như hiện nay"

Góp ý xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Phó GS Phạm Trọng Thuật - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội kiến nghị, bổ sung chính sách đặc thù cho lao động thu nhập thấp tại Hà Nội đó là chính sách hỗ trợ thuê nhà xã hội; quy định diện tích căn hộ tối thiểu, công trình phúc lợi đi kèm.

Theo Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, chỉ nên khuyến khích cho thuê nhà ở xã hội thay vì bán đứt như hiện nay, vì thực tế người mua nhà xã hội thời gian qua không thực sự có thu nhập thấp và đa phần người lao động vẫn phải đi thuê".

"Xây dựng Luật Thủ đô để Hà Nội phát huy hết tiềm năng,… không đơn thuần là Thủ đô hành chính" - Ảnh 4.

Một dự án nhà ở xã hội trên địa bàn huyện Thanh Trì (TP.Hà Nội). Ảnh: Bách Thuận

Tiếp tục góp ý, ông Phạm Trọng Thuật kiến nghị, để tránh tiêu cực, bất công trong cung cấp nhà ở xã hội, nên giao thẩm quyền đầu tư dự án cho UBND TP.Hà Nội hoặc Sở xây dựng Hà Nội; các khu nhà ở xã hội cho thuê phải được bảo đảm rằng người thuê được ở lâu dài và giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương, cơ quan quản lý cán bộ, nhân viên thuê tại địa điểm đó.

Cũng góp ý về vấn đề nhà xã hội, Phó GS Hoàng Tùng - Phó hiệu trưởng Đại học Xây dựng Hà Nội kiến nghị quy định cụ thể tiêu chí nhà xã hội.

Theo Phó Giáo sư Hoàng Tùng, dự thảo phải có chính sách phát triển khu nhà xã hội tập trung theo hướng văn minh, hiện đại, đồng bộ hạ tầng, không chỉ khu nhà ở xã hội tập trung cho người lao động trong các khu công nghiệp mà còn có khu nhà ở xã hội tập trung cho trí thức trẻ.

Mặt khác, thành phố xây dựng hệ thống tiêu chí nhà ở xã hội theo từng quận, huyện để có thể kiểm soát quy mô, tốc độ thực hiện các dự án; số lượng căn hộ và diện tích/người; mức độ đáp ứng về dịch vụ hạ tầng xã hội, văn hóa; chuyển đổi số trong việc lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý các dự án nhà ở xã hội.

Còn TS Chu Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Luật Hà Nội cho biết, về bản chất, đô thị vệ tinh nhằm giảm tải và hỗ trợ cho đô thị lõi, từ đó đặt ra một vấn đề đối với Hà Nội phải có quy hoạch tổng thể và phát triển hệ thống giao thông công cộng để đảm bảo tính độc lập nhưng vẫn có sự kết nối của đô thị vệ tinh với đô thị lõi.

Theo ông Chu Mạnh Hùng, trong Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị và trong dự thảo luật Thủ đô sửa đổi, có đề cập đến đô thị vệ tinh của thủ đô. Theo đó, định hướng của Hà Nội là phát triển 2 thành phố trực thuộc thành phố, gồm thành phố phía bắc sông Hồng (gồm các huyện Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn) và thành phố phía tây (khu vực Hòa Lạc, Xuân Mai).

"Chúng ta cần nhìn đúng bản chất của đô thị vệ tinh. Đó là hỗ trợ và giảm tải cho đô thị lõi, tức là cho 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa. Chứ 2 thành phố này không phải sự mở rộng của đô thị trung tâm, đô thị lõi" – TS Chu Mạnh Hùng nói và cho rằng quy định trong dự thảo luật đang làm cho 2 thành phố thuộc thành phố khoác "áo đồng phục" như các quận, huyện.

"Thành phố phía bắc và phía tây của thủ đô với tính chất là đô thị vệ tinh nên cần có quy định vượt trội, đặc thù so với đơn vị hành chính khác. Nếu không, chúng ta sẽ lặp lại như câu chuyện của TP.Thủ Đức ở TP.HCM" - Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Luật Hà Nội nhìn nhận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem