Quách Thu Phương: “Cô đơn ngoài xã hội không bằng cô đơn trong gia đình”
Quách Thu Phương: “Cô đơn ngoài xã hội không đáng sợ bằng cô đơn trong gia đình”
Nguyễn Hà
Thứ ba, ngày 26/10/2021 08:00 AM (GMT+7)
“Quả thật, cô đơn ngoài xã hội không đáng sợ… bị đẩy ra ngoài, thậm chí bị xem như một người vô hình trong gia đình mới là sự cô đơn đáng sợ nhất”, diễn viên Quách Thu Phương chia sẻ với Dân Việt.
Trở lại với màn ảnh truyền hình trong vai bà Xuân phim "Hương vị tình thân", diễn viên Quách Thu Phương đã "gây bão" khi thể hiện thành công nhân vật một cách duyên dáng. Trước khi phim bước vào những tập cuối cùng, nữ diễn viên đã dành Dân Việt buổi trò chuyện để chia sẻ với những cảm xúc cũng như tâm tư về vai diễn sóng gió.
Phản ứng của khán giả vượt ngoài tầm tưởng tượng
"Hương vị tình thân" đang bước vào những tập cuối, cảm xúc của chị thế nào?
- Thực ra, phim đã được thực hiện trong thời gian dài và cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Nhưng với một nghệ sĩ tham gia dự án thì tôi cũng cảm thấy có chút hụt hẫng vì mọi người đã làm việc và gắn bó với nhau như một gia đình.
Đảm nhận vai diễn hoàn toàn "lệch tông" với những vai trước đó mà mình đảm nhận, chị có gặp khó khăn?
- Tôi cũng không gặp khó khăn gì. Vì bản thân mỗi nghệ sĩ trước khi nhận kịch bản phải nghiên cứu nhân vật của mình rất kỹ nên ai cũng nắm chắc được tuyến nhân vật và tư duy nhân vật theo cách của mình.
Bên cạnh đó, khi làm việc tôi cũng thường làm theo nhóm, trước mỗi cảnh quay sẽ bàn bạc rất kỹ. Về lời thoại của nhân vật thì cũng tập luyện rất nhiều trước khi quay. Đôi tôi khi cảm thấy câu thoại đó là của mình chứ không phải của biên kịch nữa.
Điều khiến chị nhớ nhất khi vào vai bà Xuân là gì?
- Đó là những phản ứng rất mạnh từ khán giả (cười). Thực ra, lúc thực hiện chúng tôi cũng đã xác định có thể sẽ nhận những phản ứng kiểu như thế nhưng không ngờ nó đã vượt ngoài tầm tưởng tượng của chúng tôi.
Cô đơn trong gia đình là sự cô đơn đáng sợ nhất
Với vai bà Xuân, có ý kiến cho rằng, đây là một người phụ nữ đáng trách nhưng cũng rất đáng thương "vì suy cho cùng phụ nữ luôn là người thiệt thòi". Riêng chị suy nghĩ gì về nhân vật của mình?
- Tôi cảm thấy đồng cảm với nhân vật này. Bởi vì là một người phụ nữ, bà Xuân cũng có thể có sự nghiệp của mình, trở thành một người phụ nữ của xã hội chứ không chỉ dành cho gia đình. Nhưng vì nhiều lý do nhân vật này phải ở trong nhà, do đó thế giới bị bó hẹp lại dẫn đến suy nghĩ ích kỷ bởi người khác không để ý đến cảm xúc của mình. Càng không được để ý thì khát khao đó càng lớn và bà Xuân càng muốn thể hiện mình cho mọi người để ý.
Tất nhiên bà Xuân cũng có những điều đáng trách vì cũng có thể có những người phụ nữ ở nhà nhưng suy nghĩ của họ sẽ khác. Nhưng đây là bà Xuân, là một trong vô vàn những người phụ nữ khác cũng chỉ là một người đàn bà đơn giản, nên mới sinh ra những điều như vậy.
Có một ý liên quan đến câu thoại của chị trong phim đó là "cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình". Điều này không còn là câu chuyện của riêng ai. Vậy chị suy nghĩ gì về thực trạng này trong xã hội hiện nay?
- Quả thật, cô đơn ngoài xã hội không đáng sợ. Bởi xã hội sẽ không có trách nhiệm quan tâm hay để ý đến bạn, nhưng với gia đình lại khác. Tất cả những gì bạn hy sinh, làm cho gia đình lại không được đón nhận, bị đẩy ra ngoài, thậm chí bị xem như một người vô hình thì đấy là sự cô đơn đáng sợ nhất.
Tôi nghĩ trong xã hội hiện đại, có nhiều thứ sẽ tác động đến người phụ nữ. Nhất là những người đàn ông gia trưởng muốn phụ nữ ở nhà vun vén cho gia đình. Điều này khiến cho người phụ nữ sẽ rất thiệt thòi.
Vì vậy, qua nhân vật bà Xuân, tôi mong muốn những người phụ nữ sẽ không giam mình trong thế giới nhỏ bé đó mà hãy ra ngoài. Họ phải có chính kiến độc lập, có sự tự do nhất định của mình. Khi có tất cả những điều ấy thì suy nghĩ mọi thứ đối với họ sẽ trở nên nhẹ nhàng, đơn giản và chuyện thấu hiểu cũng dễ dàng hơn.
Đối với lần thay đổi này, được khen ngợi cũng nhiều mà bị "gạch đá" cũng không ít. Trước những điều đó chị đón nhận ra sao?
- Tôi cảm nhận mình được rất nhiều, về tình cảm của khán giả dành cho phim nói chung và nhân vật bà Xuân nói riêng.
Nhiều khán giả quá khích bị cuốn vào những tình tiết của phim và bình luận khá nặng nề trong những fanpage phim hay trang cá nhân của tôi. Tuy nhiên, tôi nghĩ như thế mới là xã hội, đứng trước một sự việc họ sẽ cảm nhận và phản ứng theo suy nghĩ riêng thì không có lý do gì để buồn hay để trách họ cả.
Thậm chí, tôi có phần vui hơn vì nhận được nhiều tình cảm từ khán giả vì khi họ xem phim và yêu mến thì mới có những phản ứng như thế.
Hiện tại phim Việt Nam cũng rất phát triển và làm phim rất gần gũi với đời sống nên tôi mong khán giả khi xem sẽ đủ tỉnh táo, xác định đâu là đời, đâu là phim để tránh những câu nói gây tổn thương cho nghệ sĩ.
Còn với nhân vật thì không có vấn đề gì vì nhân vật khi đưa lên sẽ có rất nhiều mặt của xã hội cùng cái nhìn đa chiều. Nhưng nếu đưa cá nhân nghệ sĩ thể hiện nhân vật vào thì thực sự làm cho người nghệ sĩ đó rất buồn. Vì mỗi người một công việc. Họ cũng chỉ muốn hoàn thành tốt công việc được giao và muốn đem đến những món ăn tinh thần cho khán giả nên khán giả hãy đón nhận, trân trọng họ với những điều họ đang làm, đang hy sinh vì điều đó.
Theo chị, đối với một người nghệ sĩ, điều quan trọng nhất khi đứng trước những luồng ý kiến trái chiều từ dư luận là gì?
- Tôi nghĩ đó là sự bình tĩnh, tỉnh táo. Bởi vì có rất nhiều vấn đề trong một câu chuyện, có những điều mang tính thời sự, nhạy cảm hay tính cá nhân cho nên mình phải bình tĩnh để suy xét và có cái nhìn đa chiều.
Giống như trong một câu chuyện, ta nên nhìn về nhiều khía cạnh chứ cũng không nên nhìn về một phía để có thể đánh giá. Tương tự, việc đánh giá một con người cũng vậy, ta phải nghe từ nhiều phía để đưa ra nhận định chứ không nên nhìn theo hướng chủ quan của cá nhân. Vì làm như vậy, không chỉ bó hẹp suy nghĩ cũng như nhận định của bản thân trong một vấn đề mà còn làm tổn thương những người khác nữa.
Gia đình phản ứng như thế nào khi chị vào vai bà Xuân?
- Tôi nhận được sự ủng hộ và đồng cảm rất là lớn từ phía gia đình. Tôi có một cậu em út rất ít khi xem phim Việt Nam, nhưng khi lên sóng lần đầu thấy cậu ấy chăm chú đến giờ đó để xem phim.
Còn mẹ tôi khi xem phim, mỗi lần thấy con bị đánh thì khóc và nói là mẹ chưa bao giờ đánh con mà sao để cho người ta đánh khổ thế, lần sau thì nhận vai gì đừng để bị hành hạ như vậy.
Chuẩn bị tham gia dự án phim dài 50 tập
Nếu được chọn lại chị muốn vai bà Xuân sẽ như thế nào?
- Nếu được lựa chọn lại tôi vẫn muốn làm một bà Xuân như thế. Bởi khi bà Xuân hoàn hảo như suy nghĩ của khán giả thì đó không còn là bà Xuân nữa và đến cuối phần hai thì sự "quay xe" của bà Xuân cũng chẳng có ý nghĩa gì cả.
Mọi người sẽ không bao giờ nhìn thấy được phần của mình trong nhân vật bà Xuân. Không nhìn thấy sự nông nổi, phù phiếm, sự cả tin đến ngây ngô hay sự ích kỷ… để từ đó nhìn nhận về bản thân mình.
Năm ngoái, khán giả được thấy một Thu Phương dịu dàng, có phần yếu đuối trong "Đừng bắt em phải quên" thì trong "Hương vị tình thân" lại là một Thu Phương nông nổi, khờ khạo… thậm chí có phần cực đoan. Vậy trong hai người mẹ này đâu là vai diễn có phần giống với chị ngoài đời?
- Khi xây dựng một nhân vật, chắc chắn người ta sẽ tổng hợp rất nhiều khía cạnh và ngóc ngách trong một con người.
Ví dụ như trong nhân vật Ngân của "Đừng bắt em phải quên" thì mọi người sẽ nhìn thấy một người phụ nữ tưởng là nhẫn nhịn nhưng thực ra cũng không hẳn nhẫn nhịn. Không có người phụ nữ nào quá hiền lành mà chỉ có người phụ nữ biết điều thôi. Mỗi người sẽ có một đích đến nhưng cách đi và con đường đến đích của mỗi người sẽ khác nhau. Bà Xuân trong "Hương vị tình thân" cũng vậy.
Hai người phụ nữ này đều là người phụ nữ của gia đình, cũng đều hy sinh tất cả cho gia đình, yêu thương những người thân của mình. Cách đi, cách thể hiện của mỗi người sẽ khác nhau nên chắc chắn trong hai nhân vật này, ít nhiều có một phần nào đó của cá nhân tôi.
Sau "Hương vị tình thân", chị có kế hoạch gì cho mình?
- Vì "Hương vị tình thân" kéo dài rất lâu từ tháng 11 năm ngoái đến tháng 10 năm nay, nên sau khi kết thúc phim tôi đang dành thời gian để làm những việc yêu thích của bản thân. Bên cạnh đó, tôi cũng chuẩn bị tham gia dự án phim dài khoảng 50 tập của đạo diễn trẻ Mai Long mang tên "Chạm vào hạnh phúc". Phim sẽ bấm máy vào cuối tháng 10 này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.