"Quái vật nước ngọt" cá hải tượng long có được phép nuôi không?
"Quái vật nước ngọt" cá hải tượng long đến từ thời cổ đại có được phép nuôi hay không?
Thiên Hương
Thứ hai, ngày 15/08/2022 14:29 PM (GMT+7)
Cá hải tượng long có kích thước khổng lồ, được mệnh danh là "quái vật nước ngọt", nguồn gốc ở vùng nhiệt đới Nam Mỹ. Cá hải tượng long là loài cá quý hiếm, nằm trong sách Đỏ, có nguy cơ tuyệt chủng, vì vậy cần xem xét kỹ trước khi thả vào tự nhiên.
"Quái vật nước ngọt" cá hải tượng long đến từ thời cổ đại?
Ngày 15/8, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ Lê Thanh Lựu - Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) cho biết, cá hải tượng long có nguồn gốc ở vùng Nam Mỹ, một số nhà nghiên cứu cho rằng cá hải tượng long có nguồn gốc từ thời cổ đại nên rất quý hiếm.
Cá hải tượng long (Arapaima gigas) là một trong những loài cá nước ngọt lớn nhất trên thế giới. Cá hải tượng long có nguy cơ tuyệt chủng nên đã được đưa vào sách Đỏ, được bảo vệ.
Theo TS Lựu, hiện ở Việt Nam chưa có ai nuôi cá hải tượng long với số lượng lớn. "Khi chúng tôi có dịp sang Nam Mỹ công tác, chúng tôi thấy dân địa phương cũng nuôi cá hải tượng trong các lagoon (đầm phá- NV) rất lớn, nhưng họ không nuôi làm thương phẩm" - TS. Lựu cho biết.
"Đây là loài cá ngoại lai, có kích thước "khổng lồ", có thể dài tới 2m, nặng tới 200 kg. Theo tôi được biết, Việt Nam hiện nay chưa cho phép nuôi cá hải tượng long làm thương phẩm" - ông Lựu thông tin.
Đối với một số trường hợp đang nuôi cá hải tượng long làm cảnh hiện nay, TS. Lựu cho rằng trước khi nuôi nên tìm hiểu xem loài cá này có được CITES (Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp) cho nhập khẩu về hay không. Bởi những loài đã nằm trong sách Đỏ thì về nguyên tắc là không được phép khai thác ngoài tự nhiên. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia có những quy định riêng, vì quyền lợi nào đó, người ta sẽ cho phép thương mại hóa một số loài.
"Còn nếu được CITES cấp phép, thì có nghĩa loài cá khổng lồ này được phép gia hóa. Khi gia hóa rồi thì có thể thả ra ngoài tự nhiên để tái tạo nguồn lợi, cho sinh sản nhân tạo. Ngược lại, nếu CITES chưa cho phép thì việc thả ra ngoài tự nhiên là vi phạm. Do đó, tôi cho rằng cần kiểm tra lại xem loài cá hải tượng long có được CITES cho phép nhập về Việt Nam hay chưa" - TS. Lê Thanh Lựu giải thích thêm.
Cũng theo TS. Lựu, loài cá này được xem là động vật quý hiếm nên ở Mỹ, người ta chỉ nuôi trong bảo tàng thiên nhiên. Thức ăn của cá hải tượng long gồm cá, động vật giáp xác hay sinh vật nhỏ gần bờ, tuy nhiên đôi lúc nó phi thân vài mét để tóm con mồi như rắn, chim…
Về clip ghi lại cảnh một nhóm người phóng sinh con cá hải tượng long khổng lồ xuống sông, được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội dịp rằm tháng 7 với nhiều tranh cãi trái chiều, TS Lựu nói: "Tôi có đọc báo và được biết đó là clip do 1 người đăng tải lên mạng xã hội từ cách đây mấy tháng. Còn về hành động mục đích của người thả, tôi không có bình luận gì".
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, ở các sông lớn khu vực Nam Mỹ, người ta thường bắt cá hải tượng chủ yếu bằng vợt nếu để xuất khẩu; hoặc sẽ dùng đinh ba, lao để đánh bắt nếu dùng tiêu thụ trong nước. Vì vậy hiện nay để tìm được một con cá hải tượng có chiều dài trên 2m là rất hiếm.
Ở Việt Nam, khoảng 15 năm trở lại đây xuất hiện trào lưu nuôi những loài cá quý hiếm làm cảnh, trong đó cá hải tượng long cũng được nhập về nuôi. Nhiều người còn xem nuôi cá hải tượng long trong nhà như có thần vật may mắn, vì vậy sẵn sàng bỏ nhiều tiền ra mua.
Trên thị trường cá cảnh tại Việt Nam, giá bán cá hải tượng chủ yếu dựa vào kích thước chiều dài. Cụ thể, con có chiều dài từ 10-70 cm, giá dao động từ 2 triệu đồng đến hơn 10 triệu đồng. Những con cá hải tượng lớn có thể được định giá dựa trên cân nặng cơ thể. Với con nặng 10kg có giá khoảng 20 triệu đồng. Còn những con cá hải tượng khủng được giới chuyên môn cho là vô giá.
Theo National Geographic, loài cá khổng lồ Nam Mỹ này sử dụng chiến lược cho ăn "nuốt chửng": Bằng cách mở miệng lớn, con cá tạo ra một khoảng chân không hút các vật thể thức ăn gần đó. Cá hải tượng long sống chủ yếu nhờ cá, nhưng đôi khi cũng ăn cả trái cây, hạt, côn trùng.
Như những kẻ săn mồi hung dữ, chúng có thể sử dụng tốc độ nhanh để nhảy lên khỏi mặt nước tóm lấy chim, thằn lằn và thậm chí cả những loài linh trưởng nhỏ từ những thân cây thấp.
Như vậy, cá hải tượng long có thể ăn các loài cá khác trong cùng môi trường sinh sống.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.