Mong muốn trao đến sự ấm áp, làm vơi đi nỗi lo miếng cơm manh áo hàng ngày cho người lao động nghèo trên địa bàn TP. Hải Phòng, chị Thúy đã mở quán cơm thiện nguyện giá 5K.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy ở số 44 phố Nguyễn Đức Cảnh (quận Lê Chân,TP.Hải Phòng) vừa thực hiện được ước nguyện mở quán cơm "5k" phục vụ người có hoàn cảnh khó khăn, người cơ nhỡ.
Rất đông người lao động nghèo tìm đến quán "Cơm yêu thương" mỗi ngày. Video: Thu Thủy
Mỗi buổi sáng, sau khi tập thể dục xong, chị Thúy lại đôn đáo về nhà đi chợ mua thức ăn rồi tất bật vào bếp sửa soạn, nấu các món ăn, cùng chồng chuẩn bị sẵn các suất cơm để kịp mang ra “bán” bữa trưa cho người lao động.
Gian bếp của gia đình là nơi chị Thúy và 3 - 4 chị em, bạn bè, xóm giềng đến để nấu những suất cơm 5K. Người thái rau, người làm thịt, người nấu thức ăn nhịp nhàng trong gian bếp nhỏ. Mỗi người góp một tay bày biện thức ăn vào hộp, túi để sẵn sàng đến 10h45 mang ra phục vụ người lao động nghèo.
Nhóm “khách hàng” chị Thúy hướng tới trước hết là những người lao động nghèo, cơ nhỡ, người mất sức và không có khả năng lao động, kinh tế eo hẹp, khó khăn…
Ngày đầu tiên mở quán chị huy động tất cả các con cùng chồng nấu cơm và phục vụ. Bữa sau, chị Thúy nhờ bạn bè, hàng xóm, anh em. Mọi người đều phấn khởi khi được cùng chị góp công làm việc thiện.
Các món ăn chị Nguyễn Thị Thanh Thúy ở số 44 phố Nguyễn Đức Cảnh (quận Lê Chân, TP. Hải Phòng) nấu phục vụ người lao động nghèo ăn trưa. Video: Thu Thủy
Thực đơn của bữa ăn thường gồm những món rất quen thuộc với người lao động như: Thịt, cá, trứng, giò, đậu… nhưng chị tuyệt đối không sử dụng thức ăn lạ. Các khẩu phần ăn đều được chế biến kỹ lưỡng và hợp vệ sinh. Mỗi ngày, chị Thúy thay đổi một món khác nhau nhằm bảo đảm về dinh dưỡng và sự ngon miệng.
Nói về việc mở quán cơm 5k chị Thúy cho hay, từ một lần cùng chồng đi vào TP. Hồ Chí Minh, giữa phồn hoa đô thị chị nhìn thấy cặp vợ chồng đẩy xe trên một góc phố bán cơm từ thiện cho người nghèo. Chị đã rất cảm kích trước nghĩa cử cao đẹp của 2 vợ chồng người bán cơm. Vì vậy, chị chia sẻ với chồng về mong muốn mở quán cơm 5k và được chồng cùng các con ủng hộ.
"Tôi xuất thân trong gia đình nghèo khó, không có điều kiện học cao như chúng bạn. Nhưng tôi may mắn hơn những người khác nhờ công việc buôn bán nhiều năm có chút kinh tế, cộng với đồng lương của chồng nên vợ chồng tôi đủ khả năng nuôi dạy các con ăn học đến nơi đến chốn. Giờ đây, tôi muốn chia sẻ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh cơ nhỡ, khó khăn hơn. Tôi đang rất vui vì mình đang làm được việc đó" – Chị Thúy phấn khởi nói.
Chị Thúy có khá nhiều kinh nghiệm vào bếp nấu ăn cho gia đình. Từ những tháng ngày chăm chồng ốm vì bệnh đường ruột nên chị khá cẩn thận trong việc sơ chế đồ ăn. Thực phẩm chị mua ngoài chợ đều phải tươi, rõ nguồn gốc. Từ rau, cá, thịt đều được rửa sạch ngâm trong nước muối loãng rồi mới cho vào nấu. Quán cơm nấu món gì thì cả nhà cũng cùng ăn món đó. Gạo chị Thúy nấu là gạo Bắc Hương – loại gạo khá thơm và dẻo.
Chị Thúy quan niệm: “Mỗi suất cơm có giá 5.000 đồng là vì tôi muốn giúp đỡ người lao động nghèo thu nhập thấp. Họ sẽ tiết kiệm được từ 10.000 – 15.000/suất.
Họ là người được lựa chọn cách mua, cách tiêu tiền từ sức lao động, chứ không trông, ỷ lại và cũng để họ không cảm thấy tự ti khi nhận những suất cơm từ thiện”.
Ngày đầu mở quán, chị Thúy nấu 50 suất cơm thí điểm. Thế nhưng khi đã hết cơm vẫn nhiều người đến hỏi, sẵn có rau gạo mọi người mang góp chị đã tăng lên 80 suất, rồi 100 suất. Hiện tại, chị đang duy trì ở mức 100 – 120 suất cơm mỗi ngày.
Trong số người lao động tìm đến đây để mua cơm, bà Hoàng Thị Quỳnh (quê Thủy Nguyên, Hải Phòng) đang chăm cháu ốm tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng. Khi thấy quán cơm 5k, bà ghé qua mua luôn 2 suất về tranh thủ ăn để có thời gian nghỉ ngơi rồi vào viện chăm cháu thay cho con đi làm.
"5k tôi chẳng thể mua được gì ngoài cái vé để xe ra vào bệnh viện, nhưng tại quán cơm này tôi lại mua được suất cơm ngon lành như ở nhà. Nếu ngày nào còn trông cháu ở đây, tôi sẽ qua quán cơm để mua thường xuyên để tiết kiệm được một khoản cho các con trong lúc đang khó khăn như hiện nay" - bà Quỳnh tâm sự.
Ông Nguyễn Văn Luân (quê Thái Bình) cũng là người lao động tự do. Ông được người quen chỉ tới quán cơm 5k ngay gần khu ông đang lao động. Từ đó, cứ khoảng 11h30 hàng ngày, ông lại tìm đến đây để được mua suất cơm giá yêu thương.
"Nhờ có quán mà người nghèo như tôi mới có được bữa no và ngon miệng. Bà chủ quán cơm và người giúp bán luôn niềm nở, tận tình, tôi muốn gửi lời cảm ơn đến họ" - ông Luân nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.