Quán cơm ấm lòng người nghèo

Thứ ba, ngày 01/03/2011 20:22 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vào những ngày lẻ hàng tuần, từ khoảng 10 giờ đến 12 giờ, bất kỳ ai gặp hoàn cảnh khó khăn sẽ được quán sẵn sàng phục vụ miễn phí. Hầu hết khách đến ăn là những người nghèo.
Bình luận 0

Nằm bên bờ kênh Nhiêu Lộc, phía sau ngôi chùa Chăntagăngsây thuộc phường 7, quận 3, TP.HCM, quán cơm chay miễn phí Thiện Tâm do ông Lê Công Thượng (còn gọi là "thầy Sáu địa lý") làm chủ, đã tồn tại đến nay gần 4 năm. Đúng như tên của quán, Thiện Tâm đã gợi mở "tâm thiện" và làm lan tỏa lòng nhân ái cho nhiều người.

Vào những ngày lẻ hàng tuần (thứ 3- 5- 7), từ khoảng 10 giờ đến 12 giờ, bất kỳ ai gặp hoàn cảnh khó khăn sẽ được quán sẵn sàng phục vụ miễn phí. Hầu hết khách đến ăn là những người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn như em đánh giày, anh đạp xích lô, chị bán vé số, người tàn tật, ăn xin, công nhân, sinh viên, học sinh... đều được phục vụ như nhau.

img
Quán cơm chay miễn phí của ông Lê Công Thượng.

Phần cơm gồm món mặn, món canh, khẩu phần không hạn chế và còn tráng miệng thêm một trái chuối. Ai muốn mang thêm phần về nhà cũng được đáp ứng. Với lượng khách mỗi ngày khoảng 450 người, nhưng ở đây mọi thứ đều sạch sẽ, tươm tất và ai cũng được đối xử bình đẳng, hòa nhã, với tinh thần thiện nguyện, đúng như cái cái tên Thiện Tâm - phương châm hoạt động của quán.

Ông Lê Công Thượng, năm nay 72 tuổi, cho biết, đội ngũ phục vụ của quán khoảng 20 người, có người đang làm việc ở cơ quan nhà nước, có người chạy xe ôm, có người đang đi học và có người đang thất nghiệp. Họ tự sắp xếp thời gian để có thể đến đây tự nguyện góp sức, góp công cùng chủ quán giúp đỡ người nghèo khó.

Theo sự phân công của "thầy Sáu," có người đến quán từ 4 giờ sáng để đi chợ, rồi sơ chế thực phẩm, chuẩn bị cho việc nấu nướng bắt đầu từ lúc 7 giờ 30 phút sáng. Mọi công việc được hoàn tất trước 9 giờ 30 phút để sẵn sàng phục vụ.

Ông Thượng cho hay, kinh phí hoạt động của quán do gia đình ông và một người bạn vong niên là anh Nguyễn Tấn Thịnh, 40 tuổi, ở quận Gò Vấp đóng góp.

Ông Thượng tâm sự, mặc dù làm từ thiện, nhưng trong thời gian mới thành lập, quán cũng gặp một số trở ngại, bởi có người còn hồ nghi, sợ đằng sau việc làm từ thiện có ý đồ gì khác. Tuy nhiên, ông chẳng bao giờ phân trần, biện bạch, theo như lời Phật dạy "Oan khiên không cần biện bạch" cứ tâm thẳng, lòng ngay mà làm; lấy sự giúp đỡ, cứu khổ con người làm cứu cánh, niềm an lạc cho bản thân mình...

Anh Đào Công Thức - cảnh sát khu vực phường 7, quận 3 cho biết, chính quyền địa phương đánh giá rất cao những đóng góp và công lao của ông Lê Công Thượng, người đã gợi mở tâm thiện cho mọi người và góp phần cùng địa phương mang lại sự bình yên, hạnh phúc cho người dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem