Quần đảo Nam Du của Kiên Giang la liệt các đảo to nhỏ, hòn đảo lớn nhất, sao đảo này tên Củ Tron
Quần đảo Nam Du của Kiên Giang la liệt các đảo to nhỏ, hòn đảo lớn nhất, sao đảo này mang tên Củ Tron?
Thứ ba, ngày 31/10/2023 05:34 AM (GMT+7)
Củ Tron, hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Nam Du (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang), hấp dẫn du khách bởi sắc màu huyền sử. Hòn Củ Tron được xem là trái tim của quần đảo Nam Du.
Nằm ở tận cùng hướng Nam huyện Kiên Hải (tỉnh Kiên Giang), quần đảo Nam Du gồm 21 hòn lớn - nhỏ, và tất cả đảo ở đây đều có tên - một điều mà nhiều trong số hơn 100 hòn đảo trong vùng biển Kiên Giang chưa có được.
Và cũng như nhiều địa phương vùng Nam Bộ, phần lớn tên đảo ở Nam Du dễ nhớ, dễ hiểu vì được “khai sinh” từ hình dáng, đặc thù.
Đặc biệt có hòn còn có đến 2 tên gọi cùng song song tồn tại. Như Hòn Lớn, hay còn gọi là Hòn Củ Tron.
Về danh xưng Hòn Lớn, thì nhiều người dễ hiểu, do đây là hòn đảo có chu vi rộng và độ cao và lớn nhất trong quần đảo (diện tích 9km2, cao 328m).
Một góc hòn đảo Củ Tron trong quần đảo Nam Du thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Lục Tùng
Nhưng còn vì sao gọi là Hòn Củ Tron thì không phải ai cũng tỏ tường. Sinh thời, nhà văn Anh Động - nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ Kiên Giang, trong lần trò chuyện, đã “bật mí” rằng, danh xưng Hòn Củ Tron ra đời vào thời vua Gia Long.
Sau khi lên ngôi (1802), nhớ công lao của người dân đảo Nam Du đã đào củ “nầng” (củ cây mọc tự nhiên trên đảo, có hình dáng tròn tròn) nấu chín dâng lên cho mình đỡ đói, vua Gia Long “ban” cho hòn đảo tên Củ Tròn.
Nhưng do vị quan Hành Khiển là người xứ Quảng nên khi truyền “khẩu lệnh” đã biến âm thành Củ Tron. Dân nào dám “kháng chỉ” nên Hòn Lớn có thêm tên mới: Hòn Củ Tron…
Hòn Củ Tron không chỉ sở hữu vẻ đẹp của thiên nhiên hoang sơ, kỳ thú với trùng điệp khối đá được sóng biển ngàn đời bào, đục, chạm khắc nên những hình khối lạ mắt, sống động... mà còn phảng phất cả chất “huyền sử” của “Bài ca đất phương Nam”.
Tại đây còn lưu dấu nhiều danh xưng liên quan đến vua Gia Long, như: Bãi Ngự, Giếng Ngự...
Tương truyền, trong những ngày bôn tẩu, chúa Nguyễn Ánh - Gia Long từng đến hòn đảo này.
Một góc Hòn Củ Tron, một hòn đảo lớn nhất của quần đảo Nam Du thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Thái Khanh.
Trong lần bị Tây Sơn truy đuổi, chúa chạy đến Hòn Lớn. Thấy binh sĩ đào nhiều giếng mà vẫn không tìm được nguồn nước ngọt, chúa bèn khấn trời đất rồi dùng gươm đâm xuống núi...
Kỳ lạ thay, theo lưỡi gươm, dòng nước ngọt phụt lên. Thấy vậy, chúa lệnh cho binh sĩ đào mở rộng thành giếng. Người đời sau gọi giếng nước là Giếng Ngự.
Ngày nay, Giếng Ngự vẫn còn trên triền Tây - Bắc của Hòn Lớn (nay là trung tâm hành chính của xã An Sơn, huyện Kiên Hải) và trở thành “trái tim” cho người dân trong quần đảo khi vẫn cung cấp nước ngọt ngay những năm nắng hạn gay gắt nhất.
Đến những năm cuối thế kỷ XX, Củ Tron lại khoác lên mình huyền thoại thời hiện đại.
Sau cơn bão số 5 (năm 1997), Chủ tịch nước Trần Đức Lương thị sát nơi đây.
Tận mắt chứng kiến cảnh thiếu nước ngọt sinh hoạt của quân – dân trên đảo, Chủ tịch nước quyết định xây tặng xã đảo hồ chứa nước quy mô 30.000m3 tại đây.
Chính công trình này đã tạo ra “kỳ tích” giữa đời thường: Lần đầu tiên cả vùng biển Tây có được nguồn nước ngọt quy mô lớn sử dụng quanh năm.
Hồ nước tại Hòn Củ Tron của Chủ tịch nước Trần Đức Lương tặng cho nhân dân quần đảo Nam Du, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Lục Tùng.
Ngày nay, ngoài việc phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt trong mùa khô, hồ còn là điểm đến cho nhiều bước chân thích “xê dịch”...
Nằm giữa thung lũng núi, mặt hướng ra biển, đến đây, không chỉ được thấy, được nghe kể về “kỳ tích” về xây dựng, lữ khách có dịp xa lánh bụi trần để hồn lạc trôi theo sóng nước, mây trời lồng lộng...
Vì thế, mà người dân quần đảo Nam Du trân quý đến mức gọi đó là “Hồ nước Chủ tịch Nước”.
Cá xanh xương, đặc sản của vùng biển Nam Du. Ảnh: Lục Tùng
Hãy một lần đến Nam Du để nghe cảnh vật thiên nhiên hoang sơ, kỳ thú nơi đây kể lại và những câu chuyện ngày xửa, ngày xưa, lúc cha ông đi mở cõi và cả câu chuyện kỳ tích ngày hôm nay... mà thêm tự hào “non sông gấm vóc”.
Chắc hẳn khi đó mọi người sẽ thấy tự lòng mình dâng lên “bản hùng ca trách nhiệm” với biển đảo thân yêu cuối trời Nam Tổ quốc!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.