Quân đội Nhân dân Việt Nam bước ra từ rừng thiêng, lập kỳ tích chấn động địa cầu

Lương Kết- Xuân Ân – Xuân Huy Chủ nhật, ngày 11/02/2024 06:46 AM (GMT+7)
Cuối đường mòn giữa khu rừng thiêng Trần Hưng Đạo (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), một cây sấu hơn 300 năm tuổi với đường kính 6m đứng sừng sững, vượt lên chót vót đón ánh sáng... Đây là nơi diễn ra lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Bình luận 0

Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo nằm dưới chân núi Sam Cao thuộc địa bàn 2 xã Tam Kim và Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Đây là nơi lưu giữ một hệ thống các di tích gắn liền với giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng của cách mạng Việt Nam.

Từ nơi rừng sâu và 3 chiếc lán đơn sơ…

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước đã trở về Pác Bó, Cao Bằng (năm 1941), để xây dựng căn cứ địa cách mạng. Khi phong trào cách mạng phát triển, tháng 12/1944, Người đã chỉ thị việc thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (VNTTGPQ).

Quân đội Nhân dân Việt Nam bước ra từ rừng thiêng, lập kỳ tích chấn động địa cầu - Ảnh 1.

Khu vực rừng Trần Hưng Đạo (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) là nơi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân- tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ảnh Xuân Huy

Theo giới thiệu của Ban quản lý di tích rừng Trần Hưng Đạo, chỉ thị thành lập đội được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết tay, để trong một vỏ bao thuốc lá giản dị, gửi đồng chí Võ Nguyên Giáp. Trong đó nêu rõ, nhiệm vụ thành lập Đội VNTTGPQ, là "đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác" và hoạt động theo chiến thuật du kích, "lai vô ảnh, khứ vô tung".

Vào lúc 17 giờ ngày 22/12/1944, lễ thành lập Đội VNTTGPQ được cử hành trong khu rừng Trần Hưng Đạo. Đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt đoàn thể tuyên bố thành lập Đội VNTTGPQ với 34 chiến sĩ và nêu rõ nhiệm vụ của đội.

Quân đội Nhân dân Việt Nam bước ra từ rừng thiêng, lập kỳ tích chấn động địa cầu - Ảnh 2.

Các chiến sĩ của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Ảnh T.L

Năm 2017, cụ Tô Đình Cắm (còn gọi Tô Văn Cắm, bí danh Tô Tiến Lực, sinh năm 1922, quê xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng, thường trú tại thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng) là người chiến sĩ cuối cùng trong số 34 đội viên đầu tiên của Đội VNTTGPQ qua đời, thọ 96 tuổi. Vào tháng 8/2023, đại tá Hoàng Long Xuyên - nhân chứng cuối cùng của Đội VNTTGPQ đã qua đời tại nhà riêng ở TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, hưởng thọ 107 tuổi. Ông không có tên trong danh sách 34 chiến sĩ Đội VNTTGPQ ngày thành lập do ở xa, khi về tới nơi thì lễ thành lập đã xong mấy ngày trước. Ông được phân công làm tiểu đội trưởng.

Sau lễ thành lập, đội đã hủy toàn bộ lán trại, xóa hết dấu vết rồi lên đường đánh đồn Phai Khắt, Nà Ngần (25- 26/12/1944). Trong 2 trận đánh đồn này, đội quân non trẻ đã giành thắng lợi, diệt 5 tên, bắt sống 34 tên khác, thu 34 súng cùng đạn dược và một số đồ quân dụng. Chiến thắng này có ý nghĩa rất lớn, mở đầu cho truyền thống "đã ra quân là đánh thắng" của Quân đội Nhân dân Việt Nam đồng thời, cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng trong chiến khu Cao - Bắc - Lạng và cả nước.

… Đi dọc theo con đường đá giữa rừng nguyên sinh Trần Hưng Đạo, chúng tôi thấy cây sấu lớn với đường kính gốc 6m, là Cây Di sản Việt Nam, với tuổi đời hơn 300 năm. Cạnh gốc cây có mỏ nước trong vắt, nơi đây những cán bộ, chiến sĩ của Đội VNTTGPQ đã sinh hoạt, cùng bàn bạc, vẽ ra "Vạch chỉ đỏ thắt quanh hầu giặc Pháp". Đáng tiếc, chỉ những dấu tích thiên nhiên từ ngày ấy là tồn tại, còn lán trại, công trình thì không còn. Đại diện Ban quản lý Khu di tích cho biết, năm 1994, nơi đây bắt đầu được phục dựng theo lời kể của các nhân chứng và cũng chính trong năm ấy, đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về thăm rừng Trần Hưng Đạo (đó cũng là lần cuối Đại tướng thăm lại nơi này). Khi đó, Đại tướng đã sử dụng "tiếng của bà con" để nói chuyện với mọi người một cách thân mật, ôn lại quá trình hoạt động cách mạng tại đây trong giai đoạn 1941 - 1945.

Đại diện Ban quản lý Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo cũng giới thiệu với chúng tôi tập thơ "Việt Minh ngũ tự kinh" (thơ 5 chữ của Việt Minh) do Đại tướng Võ Nguyên Giáp sáng tác và tự dịch ra tiếng Mông, Dao, Tày nhằm phổ biến tinh thần cách mạng tới người dân. Cùng trưng bày với tập thơ, có một vỏ chai thủy tinh hình quả bầu, là vật được bé Hồng (tức cụ Nông Văn Xương), khi đó 12 tuổi, đựng rượu tặng đồn trưởng Phai Khắt để vào do thám, giúp các chiến sĩ Đội VNTTGPQ lên kế hoạch đánh đồn.

Quân đội Nhân dân Việt Nam bước ra từ rừng thiêng, lập kỳ tích chấn động địa cầu - Ảnh 3.

Lễ ra mắt Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ngày 22/12/1944 tại tỉnh Cao Bằng. Ảnh: TTXVN

Tiến tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, vào tháng 11/2023, Viện Lịch sử Quân sự phối hợp cùng Quân khu 1 và tỉnh Cao Bằng đã tổ chức tọa đàm khoa học về Lán đóng quân đầu tiên của Đội VNTTGPQ. Sau khi nghe ý kiến tham luận, kết luận tọa đàm, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên - Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự cho biết, lán đóng quân cho Đội VNTTGPQ với số lượng 3 cái; vị trí được chọn dựng lán ở gần cây sấu và mỏ nước hiện tại; lán được lợp bằng lá rừng tại chỗ; được dựng trong điều kiện bí mật, khẩn trương, có sự giúp đỡ của người dân địa phương… Lán được sử dụng đến chiều ngày 24/12/1944, trước khi đội hành quân đi đánh đồn Phai Khắt, lán được dỡ bỏ để đảm bảo bí mật.

10 năm thành lập và chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ

Để tìm hiểu thêm về quá trình chiến đấu, trưởng thành và phát triển của Quân đội Nhân dân Việt Nam, chúng tôi tìm gặp Đại tướng Phạm Văn Trà - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông là vị tướng trận mạc, từng trải qua kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Dù đã bước sang tuổi 89 nhưng Đại tướng vẫn mạnh khỏe. Nói về quá trình thành lập, chiến đấu và phát triển của Quân đội Nhân dân Việt Nam, giọng ông đầy hứng khởi, tự hào.

Đại tướng Phạm Văn Trà cho biết: Trước yêu cầu của tình hình cách mạng, ngày 15/5/1945, Đội VNTTGPQ quân sáp nhập với lực lượng Cứu quốc quân và đổi tên thành Giải phóng quân, trở thành lực lượng quân sự chủ lực của Mặt trận Việt Minh khi tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Quân đội Nhân dân Việt Nam bước ra từ rừng thiêng, lập kỳ tích chấn động địa cầu - Ảnh 4.

Chiều 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm Tướng De Castries, đánh dấu Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ảnh: Triệu Đại

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chỉ 21 ngày sau, Nam Bộ kháng chiến, những người lính của quân đội non trẻ đã lên đường Nam tiến.

Đến 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đội quân non trẻ, lực lượng còn mỏng, trang bị vũ khí thô sơ đã bước vào cuộc chiến đấu với quân đội nhà nghề, trang bị vũ khí hiện đại của thực dân Pháp.

Quân đội Nhân dân Việt Nam bước ra từ rừng thiêng, lập kỳ tích chấn động địa cầu - Ảnh 5.

Tấm bia và cây sấu hơn 300 năm tuổitrong khu rừng Trần Hưng Đạo. Ảnh: Huy Ân

"Dù là đội quân non trẻ, trang bị vũ khí thô sơ nhưng trong kháng chiến chống Pháp, quân đội ta đã làm nên những kỳ tích, như: 60 ngày đêm cầm chân quân Pháp ở thủ đô Hà Nội (cuối năm 1946 đầu năm 1947), bảo vệ cơ quan Trung ương, Chính phủ, các đoàn thể và các cơ quan của thành phố rút lên chiến khu an toàn. Sau đó, quân ta giành thắng lợi trong chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947, đập tan cuộc tiến công của địch nhằm bắt cơ quan đầu não và tiêu diệt lực lượng chủ lực của ta cũng như đập tan âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của địch.

Sau 4 năm kháng chiến, từ giai đoạn phòng ngự, cầm cự, quân ta chuyển sang giai đoạn tổng phản công, bắt đầu từ chiến dịch Biên giới thu đông (1950) giành thắng lợi, mở đường liên lạc với cộng đồng quốc tế và kết nối Việt Bắc với các vùng miền trong nước. Lần đầu tiên quân ta mở một chiến dịch quy mô lớn, đánh tập trung chính quy, hiệp đồng binh chủng với lực lượng gần 3 vạn cán bộ, chiến sĩ, huy động hàng vạn dân công, tiến công vào một hệ thống phòng ngự mạnh của địch trên tuyến dài hàng trăm km, đánh liên tục cả tháng.

Sau chiến thắng này, quân và dân ta tiếp tục giữ vững quyền chủ động, phát huy thế tiến công chiến lược trong những năm 1951 - 1953; tiến tới giành thắng lợi liên tiếp trong cuộc tiến công chiến lược đông xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, buộc Thực dân Pháp phải ký Hiệp định Gèneve, lập lại hòa bình ở Đông Dương"- Đại tướng Phạm Văn Trà cho biết.

Vẫn theo Đại tướng Phạm Văn Trà, chỉ trong vòng 10 năm (1944 -1954), từ Đội quân 34 chiến sĩ, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh và có những bước phát triển vượt bậc để làm nên thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ. Có được kết quả đó là do quân đội ta được đặt dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Hồ Chủ tịch; biết dựa vào dân để chiến đấu, dựa vào dân để từng bước xây dựng, phát triển lực lượng; phát huy được truyền thống trong nghệ thuật quân sự "lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều"; có sự ủng hộ giúp đỡ của các nước XHCN, đặc biệt là Trung Quốc và Liên Xô…

"Phát huy truyền thống và kinh nghiệm quý báu trong kháng chiến chống Pháp, quân và dân ta bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt hơn và sau 30 năm trường kỳ kháng chiến, chúng ta đã giành thắng lợi, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước" - Đại tướng Phạm Văn Trà nói.

Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, được nhân dân tin yêu, đùm bọc, che chở, nuôi dưỡng, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam đã để lại trong lòng nhân dân niềm quý trọng, tin yêu về hình ảnh cao đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ".

Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: "Hình ảnh và tên gọi "Bộ đội Cụ Hồ" là nét đẹp độc đáo trong văn hóa Việt Nam và lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc ta".

Giữ gìn và phát huy phẩm chất Bộ độ Cụ Hồ là yêu cầu rất quan trọng trong thực hiện mục tiêu: Xây dựng Quân đội Nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng tiến thẳng lên hiện đại, đến năm 2025 cơ bản xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu từ năm 2030 xây dựng quân đội hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem