Quân giải phóng Việt Nam "xuất quỷ nhập thần", lính Mỹ toát mồ hôi hột

Thứ sáu, ngày 06/08/2021 10:32 AM (GMT+7)
Trước sự cơ động đến mức "xuất quỷ nhập thần" của Quân Giải phóng Việt Nam, quân đội Mỹ hết sức đau đầu, họ phải tìm mọi cách đưa hỏa lực mạnh vào sát chiến trường.
Bình luận 0

Bài toán đau đầu mang tên "hỏa lực mạnh"

Đồng bằng sông Cửu Long là một khu vực có địa hình vô cùng phức tạp, kênh mương dày đặc, mùa mưa tạo thành một bãi nước rộng lớn bao la nhưng độ sâu lại không quá 3m, mùa khô cạn nước cũng đến đầu gối.

Quân Giải phóng Việt Nam đã lợi dụng địa hình này để trú ẩn và tập kích bất ngờ nhằm vào lính Mỹ và các nước chư hầu.

Quân giải phóng Việt Nam "xuất quỷ nhập thần", QĐ Mỹ toát mồ hôi hột, chợt nảy "cái khôn" - Ảnh 1.

Đại đội dã chiến đường sông của Mỹ trên đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Tạp chí Doanh nghiệp và tiếp thị

Trên chiến trường Việt Nam, quân đội Mỹ với ưu thế tuyệt đối về thiết giáp và không quân nhưng những vũ khí này lại gần như vô dụng trên đồng bằng ngập nước.

Các tàu chiến cỡ lớn cũng không thể di chuyển trong kênh rạch còn các loại tàu chiến cỡ nhỏ của Hải quân nước nâu thì lại có hỏa lực yểm trợ hạn chế, tối đa chỉ có cối 81mm.

Do đó, quân đội Mỹ đã phải nghiên cứu nhiều phương án đưa được vũ khí hạng nặng vào sâu trong khu vực ngập nước nhằm đáp ứng nhu cầu chi viện hỏa lực cho Lực lượng đặc nhiệm 117 (hỗn hợp lục quân và hải quân) chiến đấu trên chiến trường sông nước ở ĐBSCL.

Ý tưởng chính là triển khai các loại pháo cỡ nòng 105mm trở lên một cách cơ động và nhanh chóng nhất.

Chi viện bất cứ khi nào và ở đâu cần thiết

Phương án ban đầu là sử dụng các bệ cố định có chân chống, có thể cẩu bằng trực thăng hạng nặng như CH-47 hoặc CH-54.

Số lượng trực thăng khổng lồ mà Mỹ triển khai ở miền Nam Việt Nam đủ để thực hiện nhiệm vụ trên nhưng những nhược điểm như hạn chế về không gian, khả năng bảo vệ người và khí tài kém, trực thăng dễ bị tấn công đã khiến phương án này bị loại.

Quân giải phóng Việt Nam "xuất quỷ nhập thần", QĐ Mỹ toát mồ hôi hột, chợt nảy "cái khôn" - Ảnh 2.

Binh lính Mỹ trên xà lan chở pháo 105mm M102. Ảnh: Tạp chí Doanh nghiệp và tiếp thị

Cuộc thử nghiệm tiếp theo diễn ra vào tháng 12/1966, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn pháo binh dã chiến số 77 của quân đội Mỹ đã thử nghiệm đặt pháo 105mm M101A1 lên tàu đổ bộ LCM-6 để tăng tính cơ động.

Tuy nhiên những hạn chế về không gian và thời gian triển khai vẫn chưa được khắc phục, khẩu pháo nặng cũng làm tàu thiếu ổn định trong khi bắn, giảm hiệu suất chiến đấu.

Tháng 2/1967, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn pháo binh dã chiến số 34 tiến hành thử nghiệm phương án đặt pháo trên xà lan ở căn cứ Đồng Tâm.

Ban đầu, loại pông tông AMMI được chọn nhưng do khối lượng quá nặng nên quân đội Mỹ đã đổi sang phương án ghép các pông tông P-1 của HQ (kích thước 2,1x1,5m) lấy từ Cam Ranh.

Mỗi xà lan như vậy sau khi lắp ghép có kích thước 27,4x8,64m, trên đó có thể bố trí 2 khẩu pháo 105mm gắn cố định xuống sàn, xung quanh gắn giáp để chống đạn.

Ở giữa là khu sinh hoạt cho pháo thủ, 2 đầu là 2 khoang chứa đạn mỗi khoang chứa 750 viên. Loại pháo được sử dụng đầu tiên là M101, sau đó được đổi thành loại M102 có trọng lượng nhẹ hơn.

Mỗi đại đội pháo dã chiến đường sông gồm 3 xà lan chở pháo và 5 tàu đổ bộ LCM-8 - trong đó 3 tàu để kéo xà lan, 1 tàu làm sở chỉ huy và 1 tàu chở đạn dự trữ.

Quân giải phóng Việt Nam "xuất quỷ nhập thần", QĐ Mỹ toát mồ hôi hột, chợt nảy "cái khôn" - Ảnh 3.

Xà lan chở pháo trong đại đội pháo dã chiến đường sông. Ảnh: Tạp chí Doanh nghiệp và tiếp thị

Quá trình di chuyển thường được tiến hành ban đêm, sau đó thả neo và thiết lập trận địa tại vị trí chỉ định trước khi trời sáng. Vị trí được chọn thường là dọc theo bờ sông trống trải và đối diện với mục tiêu.

Đề phòng việc du kích và Quân Giải phóng tấn công trong quá trình di chuyển, những khẩu pháo này luôn hướng ra 2 bên bờ sông và nếu cần có thể sử dụng loại đạn ghém chống bộ binh Beehive để bắn trả.

Sáng kiến về trận địa pháo nổi trên sông đã giải quyết được bài toán hạn chế nghiêm trọng về việc thiếu vũ khí hạng nặng cơ động hoặc buộc phải hoạt động ngoài tầm bắn của các trận địa pháo cố định khi tác chiến trên đồng bằng sông Cửu Long của quân đội Mỹ.

Nhờ những trận địa này mà pháo binh Mỹ có thể thể chi viện bất cứ khi nào và ở đâu cần thiết.

Lê Duy (Theo Doanh nghiệp và tiếp thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem