Quận lớn nhất Hà Nội là quận nào?

P.Huyền Thứ tư, ngày 27/04/2022 14:35 PM (GMT+7)
Long Biên là quận nằm ở tả ngạn sông Hồng với diện tích 6.038.24 ha. Đây là quận lớn nhất Hà Nội và có đóng góp ngân sách lớn cho Thủ đô.
Bình luận 0

Quận lớn nhất Hà Nội là quận nào?

Quận Long Biên có diện tích 6.038.24 ha, có 14 đơn vị hành chính trực thuộc là các phường: Cự Khối, Thạch Bàn, Long Biên, Bồ Đề, Ngọc Thụy, Ngọc Lâm, Gia Thụy, Thượng Thanh, Việt Hưng, Phúc Đồng, Sài Đồng, Phúc Lợi, Giang Biên, Đức Giang với 305 tổ dân phố. Mật độ dân số bình quân 2,83 nghìn người trên km2.

Về lịch sử thành lập, dưới Thời Lý, Long Biên thuộc phủ Thiên Đức; Thời Trần, Lê thuộc Lộ Bắc Giang; Thời Hậu Lê thuộc phủ Thuận An; Thời Nguyễn thuộc trấn Bắc Giang và sau là tỉnh Bắc Ninh; Năm 1946 để chuẩn bị cho cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Đặc Khu Ngọc Thụy, được thành lập và nhập về tỉnh Hưng Yên. Nhưng đến cuối 1949, Đặc Khu Ngọc Thụy và huyện Gia Lâm nhập trở lại tỉnh Bắc Ninh.

Khi tiếp quản Thủ đô tháng 10/1954 Chính phủ ta đã cho thành lập Quận 8, thuộc Thành phố Hà Nội. Đến tháng 5/1961 có thêm một số xã của tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên nhập về Hà Nội. 

Ngày 6/11/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 132/2003/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập Quận Long Biên thuộc Thành phố Hà Nội.

Quận lớn nhất của Hà Nội là quận nào? - Ảnh 1.

Quận lớn nhất Hà Nội có diện tích 6,038,24 ha với trên 190.000 nhân khẩu

Long Biên có Sông Hồng là giới hạn với quận Hoàn Kiếm, Thanh Trì, Tây Hồ, Hai Bà Trưng; Sông Đuống là giới hạn với Huyện Gia Lâm, Đông Anh. Phía Đông giáp huyện Gia Lâm; phía Tây giáp quận Hoàn Kiếm, phía Nam giáp huyện Thanh Trì; phía Bắc giáp huyện Gia Lâm, Đông Anh.

Quận có một vị trí chiến lược rất quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội của Hà Nội và đất nước. Nơi đây có các tuyến đường giao thông quan trọng như đường sắt, đường bộ, đường thuỷ, đường không nối liền với các tỉnh phía bắc, đông bắc; có sân bay Gia Lâm, khu vực quân sự, nhiều khu công nghiệp liên doanh với nước ngoài như: khu công nghiệp kỹ thuật cao Sài Đồng B, khu công nghiệp Sài Đồng A, nhiều công trình kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật, cơ quan nhà máy, đơn vị sản xuất kinh doanh của Trung ương, Thành phố và địa phương.

Với lợi thế là cửa ngõ của Hà Nội, "huyết mạch" của trục tam giác kinh tế Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh,  quận Long Biên có những yếu tố thuận lợi để phát triển nhanh, mạnh và bền vững về kinh tế- xã hội.

Bề dày lịch sử văn hóa của quận lớn nhất Hà Nội

Tuy là một trong những quận mới của Thủ đô nhưng vùng đất Long Biên lại có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời.

Do trước đây Long Biên thuộc vùng đất Kinh Bắc nên đến khi sát nhập nơi đây đã có sự giao thoa bản sắc của văn hóa Thăng Long và văn hóa Kinh Bắc. Đặc biệt, đây là quê hương của danh tướng Lý Thường Kiệt - người có công lớn trong công cuộc đánh Tống, bình Chiêm dưới thời Lý.

Quận lớn nhất của Hà Nội là quận nào? - Ảnh 2.

Tam quan đình Lệ Mật - mang đậm dấu ấn xưa cũ của ngôi chùa làng

Hiện nay trên địa bàn có gần 100 di tích lịch sử, di tích cách mạng như: Đình Lệ Mật, chùa Bồ Đề, đền Ghềnh, đền thờ Trấn Vũ, đình Thanh Am, đình thờ Lý Bí, làng cổ Tử Đình…cùng rất nhiều di tích thờ các vị anh hùng dân tộc như: Linh Lang Đại Vương; Bố Cái Đại Vương, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Công chúa Ngọc Hân. Những di tích trên địa bàn cùng nhiều công trình kiến trúc thể hiện sự hưng thịnh của vùng đất này qua các thời kỳ lịch sử. 

Quận Long Biên thu ngân sách hơn 2800 tỷ đồng trong quý I/2022

Sau 18 năm thành lập, Long Biên đã có sự phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng thương mại dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. 

Bên cạnh đó, quận Long Biên đang phấn đấu thành điểm phát triển thương mại, dịch vụ để thu hút các nhà đầu tư cũng như du khách, bạn bè bốn phương đến tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư trên địa bàn.

Quận Long Biên đang xây dựng và thực hiện nhiều đề án phát triển làng nghề đi đôi với phát triển du lịch. Nổi bật là Đề án phát triển làng Lệ Mật (phường Việt Hưng), với nghề truyền thống là nuôi, chế biến, kinh doanh các chế phẩm từ rắn.

Hơn nữa, khu vực quận Long Biên còn "lớn mạnh" mỗi ngày nhờ các dự án bất động sản đã được đưa vào hoạt động và phát triển mạnh mẽ như khu đô thị Vinhomes, khu đô thị Việt Hưng, khu đô thị Sài Đồng, khu nhà ở Thạch Bàn, khu đô thị Thượng Thanh…Việc xây dựng những dự án này không chỉ giúp cho Long Biên phát triển về kinh tế, chính trị, thương mại và dịch vụ mà còn thu hút các nguồn đầu tư lớn ở trong nước và ngoài nước.

Quận lớn nhất của Hà Nội là quận nào? - Ảnh 3.

Quận Long Biên đã có sự phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực

Theo số liệu mới nhất của UBND quận Long Biên, trong 3 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách trên địa bàn quận ước thực hiện 2.849 tỷ đồng, đạt 33% so với dự toán năm 2022, vượt so với phương án thu đã xây dựng, đạt tỷ lệ 111%. Các hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn ngày càng sôi động.

Quận đã xây dựng quy chế phối hợp phòng, chống dịch với các khu công nghiệp trên địa bàn, tạo điều kiện tốt nhất cho sản xuất. Song song với phục hồi phát triển kinh tế, quận đã chú trọng thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Lũy kế từ đầu năm, quận đã thực hiện hỗ trợ 213.194 lượt người, tại 9.483 đơn vị, 1.059 hộ kinh doanh...

Trong quý II/2022, quận xác định 17 nhiệm vụ chủ yếu. Đáng chú ý, Long Biên sẽ quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành để thực hiện chủ đề công tác năm của thành phố và của quận. Về kinh tế, quận sẽ tập trung đôn đốc, thu hồi nợ đọng thuế, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có số thu nộp thuế lớn năm 2022.

Quận cũng sẽ tăng cường quản lý đất đai khu vực ngoài bãi sông Hồng, sông Đuống; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công các dự án, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư đạt 50-55% kế hoạch năm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem