Quản lý chặt nguyên liệu hóa chất độc hại

Nguyễn Tố (ghi) Thứ hai, ngày 09/09/2019 06:30 AM (GMT+7)
Đó là ý kiến của PGS-TS Trần Hồng Côn  (ảnh - Khoa Hóa Đại học Quốc gia Hà Nội) về giải pháp ngăn chặn nguy cơ xảy ra những vụ việc như “Rạng Đông”.
Bình luận 0

Theo số liệu công bố của Bộ TNMT thì lượng thủy ngân phát tán ra môi trường từ 15-27kg. Với số lượng như thế này thì mức độ nguy hại với sức khỏe của cộng đồng như thế nào, thưa ông?

- Nếu chỉ nhìn vào con số thì ai cũng giật mình, nhưng chúng ta cần hiểu rằng đó là lượng thủy ngân được tính toán dựa trên số lượng bóng đèn bị cháy. Nghĩa là cộng lượng thủy ngân của mấy triệu cái bóng đèn thì ra con số trên, nhưng nó có bị phát tán hết hay không? Phát tán ở mức độ nào thì cần phải có kết quả đo chính xác và cụ thể hơn.

Bộ TNMT đang đánh giá ô nhiễm ở mức độ trung bình là ở thời điểm hiện tại, trên thực tế phải dựa vào rất nhiều yếu tố khác nhau như hướng gió, điều kiện không khí tùy thời điểm mới có kết quả cụ thể hơn được.

img

Lực lượng cứu hỏa tại hiện trường vụ cháy Nhà máy Rạng Đông. (Ảnh: Nguyễn Chương)

Rất nhiều người tỏ ra hoang mang lo lắng khi kết quả công bố của Bộ TNMT có một số chỉ tiêu ô nhiễm không khí, đất, nước mặt… vượt ngưỡng khuyến cáo của WHO nhưng lại phù hợp với ngưỡng của Việt Nam. Ông có thế lý giải thêm về điều này ?

- Người Việt Nam phải có chuẩn của người Việt Nam là đúng, bởi vì điều kiện kinh tế xã hội, khí hậu, môi trường của chúng ta khác thế giới nên không thể đem chuẩn của thế giới áp dụng cho Việt Nam.

Có thể hiểu nôm na, một ông Tây ăn bơ sữa sống trong điều kiện tốt hơn thì chắc chắn phải có sức khỏe tốt hơn một người Việt Nam có tập tính, cách sinh hoạt và môi trường sống thấp hơn.

So sánh như thế để hiểu, ngưỡng hay quy chuẩn môi trường của mỗi quốc gia đều phải dựa trên điều kiện sống, khí hậu, thổ nhưỡng của quốc gia đó, chứ không thể áp dụng chung trên toàn thế giới.

Sau vụ cháy Rạng Đông, yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải di dời khu sản xuất của các nhà máy ra khỏi khu dân cư, theo ông đó là đây có phải là phương pháp tối ưu nhất hay không?

- Rõ ràng việc di dời các khu sản xuất này là cần thiết và phải có lộ trình cụ thể, làm quyết liệt, rốt ráo. Tuy nhiên từ vụ Rạng Đông, tại sao chúng ta không đặt câu hỏi: Số lượng thủy ngân mà doanh nghiệp quản lý thì đơn vị nào chịu trách nhiệm giám sát. Chẳng nhẽ doanh nghiệp trữ một lượng lớn thủy ngân làm nguyên liệu sản xuất mà không cơ quan quản lý nhà nước nào nắm được số lượng cụ thể? Bộ TNMT có được giao quản lý vấn đề này hay không?

Nếu chúng ta có cơ chế giám sát tốt thì chắc chắn đã không gây hoang mang trong dư luận thời gian qua, nếu cơ quan quản lý nhà nước biết rõ số lượng các hóa chất độc hại của doanh nghiệp thì việc công bố các số liệu ô nhiễm cũng như đưa ra các giải pháp sẽ hữu hiệu và sát thực tế hơn.

Theo tôi đây chính là 1 trong số những bất cập sau vụ cháy mà chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận và thay đổi. Bởi dù có án ngữ ở đâu mà không quản lý được các hóa chất độc hại thì mức độ nguy hại cho môi trường là như nhau.

Xin cảm ơn ông!

Khẩn trương di dời nhà máy khỏi khu dân cư

“Các cơ sở lưu chứa và sử dụng hóa chất luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố với hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt là các cơ sở hoạt động trong khu vực đông dân cư.

Theo đó, để bảo đảm điều kiện sống và phát triển an toàn cho con người cũng như sinh vật, cách tốt nhất là di dời các nhà máy tương tự khỏi khu dân cư. Trong trường hợp chưa thể di dời, cần hạn chế thấp nhất mọi sự cố có thể xảy ra với các cơ sở này bằng cơ chế kiểm tra, giám sát định kỳ từ phía cơ quan quản lý.

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời bởi dù làm chặt chẽ đến đâu cũng có xác suất rủi ro. Phương án dài hạn vẫn là khẩn trương di dời các cơ sở công nghiệp khỏi nội thành để đảm bảo an ninh môi trường cho người dân thủ đô”.

Ông Phạm Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam

Thủy ngân có thể làm vô sinh, ung thư

 “Thủy ngân trong bóng đèn là một trong những hóa chất cực độc, khi cháy hóa chất bị nung nóng, bay hơi thoát ra ngoài thành khói bụi lơ lửng trên không trung và rơi xuống mặt đất, nguồn nước, bám vào thực phẩm tươi sống, rau xanh… rất nguy hiểm và có khả năng gây nhiễm độc. Thủy ngân ở dạng bình thường đã độc, ở dạng bay hơi cực độc, có thể dẫn tới vô sinh, ung thư và nhiều bệnh tật khác.

Ở Nhật Bản từng có vụ nhà máy hóa chất rò rỉ thủy ngân ra nguồn nước gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe kéo dài hàng chục năm sau. Nhà máy chứa hóa chất độc hại lẽ ra cần phải được di dời khỏi trung tâm thành phố rất lâu rồi. Khi xảy ra sự cố, không chỉ hướng dẫn, doanh nghiệp và chính quyền địa phương cần phải công bố sự thật về mức độ ảnh hưởng, nguy hiểm của những loại hóa chất thất thoát ra môi trường, có nghiên cứu càng sớm càng tốt”.

GS - TS Trần Tứ Hiếu - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường và Sức khỏe cộng đồng

Danh Hùng (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem