Quản lý thuyền viên đi Đài Loan: Phó mặc cho sự may rủi

Thứ năm, ngày 15/08/2013 08:37 AM (GMT+7)
Thực tế cũng đã ghi nhận gần 20 vụ việc có liên quan tới tình trạng lao động Việt Nam nhảy xuống biển, trốn khỏi các tàu cá.
Bình luận 0
Ông Nguyễn Xuân An - Phó Chủ tịch Hiệp Hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (XKLĐ) cho biết: Hiện nay, có khoảng 8 vạn LĐ Việt Nam làm việc ở Đài Loan với nhiều ngành nghề. Trong đó số LĐ làm nghề thuyền viên tàu cá chiếm khoảng ½. Ngoài ra, Việt Nam còn đưa LĐ đi làm thuyền viên ở nhiều quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản... Thực tế cũng đã ghi nhận gần 20 vụ việc có liên quan tới tình trạng LĐ Việt Nam nhảy xuống biển, trốn khỏi các tàu cá.

2 thuyền viên Việt Nam bơi trên biển  sau khi trốn từ tàu cá  Hsieh Ta.
2 thuyền viên Việt Nam bơi trên biển sau khi trốn từ tàu cá Hsieh Ta.

Như vậy sự việc 4 thuyền viên bỏ trốn không phải mới, vì sao LĐ trốn chạy khỏi các tàu đánh cá của Đài Loan?

- Nguyên nhân thì có nhiều, cả khách quan và chủ quan. Có thể do tính chất công việc thường xuyên phải lênh đênh trên biển, công việc vất vả, mệt mỏi, nhiều LĐ không trụ được. Chuyện thuyền trưởng nóng giận, chửi bới, thậm chí có thể có hành vi bạo hành LĐ là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. Tất nhiên, cũng không thể loại trừ yếu tố nhận thức thuyền viên có vấn đề, bản thân họ có ý định trốn chạy để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn.

Hiện nay, chúng ta đã có cơ chế nào để quản lý và bảo vệ các thuyền viên? Hiệu quả của các biện pháp này tới đâu, thưa ông?

- Phải nói thật là hiện nay cơ chế quản lý, bảo vệ LĐ của chúng ta còn rất thụ động. Chúng ta không có thông tin về các tàu cá, vì thế cũng không thể chủ động lựa chọn các tàu cá tốt để đưa LĐ đi làm việc được. Hiện nay, hoạt động này chủ yếu chỉ thông qua kênh hiệp hội tàu cá của phía bạn, hoặc các công ty môi giới. Chính vì thế, ngoài việc quan hệ tốt với các hiệp hội và công ty môi giới, chúng ta cũng không còn cách nào khác. Mọi vấn đề về kiểm tra giám sát LĐ gần như chúng ta không thể làm được.

Như vậy là chúng ta đành “bó tay” kể cả khi biết LĐ của ta có thể bị ngược đãi?

- Không hẳn là chúng ta “bó tay”, bởi trước nay chúng ta có thành lập Ban Quản lý tàu cá (Hiệp hội XKLĐ Việt Nam) nhằm liên kết các doanh nghiệp tham gia XKLĐ trong nghề cá tại Đài Loan. Hiện có khoảng 10 doanh nghiệp đang tham gia và hoạt động rất hiệu quả. Ngoài các hoạt động hỗ trợ, chia sẻ thông tin liên quan tới XKLĐ, các thành viên trong ban còn có những phiên đàm phán, đưa yêu sách với phía chủ tàu của nước bạn. Chúng ta cũng đã yêu cầu phía bạn liệt ra được một “danh sách đen” bao gồm các chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm Luật Lao động để tránh đưa LĐ Việt Nam vào làm việc tại các thuyền này. Ngoài ra, trước khi đưa LĐ đi XKLĐ, công ty cũng có những trang bị về kiến thức chuyên môn và các công cụ giúp LĐ liên lạc khi cần thiết.

Với 4 LĐ nói trên, cách thức giải quyết thế nào, thưa ông?

- Riêng với vụ việc lần này, sau khi xác minh làm rõ, nếu đúng có chuyện thuyền viên Việt Nam bị ngược đãi, bóc lột, phía công ty sẽ có yêu cầu phía chủ tàu phải bồi thường và hỗ trợ thích đáng cho các LĐ.

Xin cảm ơn ông!
Minh Nguyệt (thực hiện) (Minh Nguyệt (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem