Quản lý tốt chi phí, SSC đạt lợi nhuận sau thuế gần 47 tỷ đồng

Quốc Hải Thứ năm, ngày 11/07/2019 14:00 PM (GMT+7)
6 tháng đầu năm 2019, dù một số chỉ tiêu kinh doanh chưa đạt so với kế hoạch nhưng kết quả kinh doanh của SSC khá khả quan với lợi nhuận sau thuế đạt 46,8 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch đề ra.
Bình luận 0

Sáng 11/7, Công ty CP Giống cây trồng miền Nam (HoSE: SSC) đã tổ chức sơ kết 6 tháng đầu năm 2019, tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

img

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Tổng Giám đốc SSC, báo cáo về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 (Ảnh: Quốc Hải)

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Tổng Giám đốc SSC, đánh giá: Trong 6 tháng đầu năm 2019, SSC có thuận lợi là nhu cầu sản phẩm lúa giống bản quyền (Đài Thơm 8, RVT) đang tăng dần ở khu vực ĐB SCL và cả nước; thêm vào đó là thương hiệu lúa giống SSC được phản hồi khá tốt trên thị trường.

Tuy nhiên, điểm khó khăn là năm 2018 lũ về sớm nên Đồng bằng sông Cửu Long mất 1 vụ sản xuất lúa Thu Đông, làm ảnh hưởng đến tiêu thụ; chưa chuẩn bị xong máy sấy và kho bảo quản làm tăng áp lực bảo quản lúa giống… Đây cũng là những nguyên nhân khiến cho một số chỉ tiêu kinh doanh 6 tháng đầu năm chưa đạt kế hoạch đề ra.

img

Sản xuất giống dưa rồng đỏ không hạt tại SSC (Ảnh: Quốc Hải)

Khó khăn, SSC vẫn hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sau 6 tháng

Cụ thể, về khối lượng sản xuất, 6 tháng đầu năm 2019 SSC sản xuất được hơn 19.663 tấn hạt giống các loại, tăng 19,3% so với cùng kỳ và đạt 98,3% so với kế hoạch; Doanh thu thuần đạt 343,5 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ và đạt 94,4% so với kế hoạch; Lãi gộp đạt 102,79 tỷ, tăng 7,8% so với cùng kỳ và đạt 95,1% so với kế hoạch; Lợi nhuận trước thuế đạt gần 59 tỷ đồng, tăng 27,4% so với cùng kỳ và đạt 96% so với kế hoạch; Lợi nhuận sau thuế đạt gần 46,8 tỷ đồng (đạt 50% kế hoạch).

“Mặc dù một số chỉ tiêu kinh doanh chưa đạt so với kế hoạch nhưng… ‘cơm không ăn thì gạo còn đó’. Hơn nữa, đây chỉ là những số liệu chúng tôi tổng hợp bình quân và thực tế thì không thể chia đôi kế hoạch năm ra thành 6 tháng. Điều quan trọng là trách nhiệm chúng ta cần phải chung tay giải quyết hoàn thành kế hoạch sau 6 tháng cuối năm”, ông Hoàng Anh chia sẻ.

img

Cơ cấu đóng góp doanh thu, lãi gộp của SSC 6 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ (Ảnh: Quốc Hải)

Thực tế, khối lượng tiêu thụ sản phẩm hạt giống của SSC trong 6 tháng đầu năm 2019 tăng mạnh so với cùng kỳ, đạt 19.663 tấn so với 16.483 tấn (tăng 119,3%). Trong đó, lúa thuần chiếm tỷ trọng lớn nhất với 13.974 tấn, đạt 104,9% so với cùng kỳ; sản phẩm bắp nếp cũng đạt 121,2%; hạt giống rau đạt 167,7% so với cùng kỳ; các sản phẩm rau khác đạt 730,9% so với cùng kỳ ; một số sản phẩm hạt giống khác thì giảm lượng tiêu thụ so với cùng kỳ như: Lúa lai (đạt 38,5%); bắp vàng (đạt 65,2%); đậu (43,8%).

Tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Anh cũng thẳng thắn đánh giá về chất lượng nguyên liệu giống kinh doanh nhập kho 6 tháng đầu năm 2019.

Cụ thể, tổng khối lượng sản xuất là hơn 21.056 tấn nhưng qua kiểm tra chất lượng chỉ đạt hơn 19.405 tấn, còn hơn 1.650 tấn phải loại bỏ, gây lãng phí trong công tác quản lý, kiểm soát chất lượng. Trong số các hạt giống bị loại bỏ, có khoảng hơn 1.071 tấn là lúa cỏ, hơn 578 tấn không đạt về độ thuần và 53 tấn là hạt xấu, tăng khá nhiều so với cùng kỳ 2018.

img

Sự đóng góp của các đơn vị trực thuộc SSC (Ảnh: Quốc Hải)

Về kế hoạch 6 tháng cuối năm 2019, SSC sẽ tiếp tục sản xuất thêm khoảng hơn 20.238 tấn hạt giống (tỷ lệ 50,7% kế hoạch năm); Doanh thu thuần đạt hơn 376,4 tỷ đồng (tỷ lệ 52,3%); Lợi nhuận trước thuế hơn 58,6 tỷ đồng (tỷ lệ 49,8%) và Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 46,7 tỷ đồng (tỷ lệ 50%).

“Vấn đề mà SSC quan tâm và sẽ triển khai mạnh mẽ trong 6 tháng cuối năm là tạo lực kéo hàng chính hãng từ nông dân, nghĩa là tuyên truyền vận động nông dân không mua sản phẩm ‘bao trắng’ - hạt giống giả, kém chất lượng trên thị trường. Đồng thời cũng phối hợp với các cơ quan chức năng để chống hàng giả, hàng nhái trên thị trường”, ông Hoàng Anh, chia sẻ.

Sẽ tái cơ cấu mạnh mẽ SSC theo hướng chuyên trách hơn

Đánh giá về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 của SSC, bà Lê Thị Lệ Hằng, Chủ tịch HĐQT cho biết: “Sắp tới HĐQT sẽ tái cơ cấu SSC theo hướng chuyên trách nhiều hơn; đồng thời cũng tăng cường công tác quản lý giảm sát tài chính, giám sát sản xuất và kinh doanh… để nâng cao hiệu quả kinh doanh của SSC trong 6 tháng cuối năm. Đặc biệt, phải xem lại mục tiêu 6 tháng cuối năm với tinh thần tiến công để hoàn thành kế hoạch mà HĐQT và Đại hội đồng cổ đông đã đề ra”.

Còn theo bà Trần Kim Liên, Phó Chủ tịch HĐQT SSC thì nhấn mạnh: “Vinaseed hiện đã nắm quyền chi phối gần như tuyệt đối của SSC (tỷ lệ 96,41%), nghĩa là SSC hiện là một thành viên của Vinaseed nhưng chúng tôi luôn tôn trọng sự độc lập để phát triển của SSC. Vì vậy, chúng tôi mong ban lãnh đạo SSC phải cải tiến tất cả về quản trị tài chính, chất lượng, bán hàng,… để có thể phát triển xứng tầm, khai thác hết những lợi thế cạnh tranh ở khu vực phía Nam, quan trọng nhất là để cho lao động của SSC có thể sống tốt, thậm chí làm giàu khi gắn bó với công ty”.

img

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Tập đoàn PAN, chia sẻ những ý kiến đóng góp với SSC (Ảnh: Quốc Hải)

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn PAN, chia sẻ mọi người đừng nhìn ông như nhà đầu tư. Nhà đầu tư khi bỏ tiền mua doanh nghiệp thì họ chỉ quan tâm đến khi nào bán lấy lời. "Chúng tôi không còn thế nữa. Chúng tôi giờ là những người đồng hành, sống cùng các bạn. Vì sao tôi làm nông nghiệp? Tôi có 3 mục tiêu, trước hết để thực hiện mục tiêu nuôi sống chính chúng ta, thứ 2 là để bảo toàn vốn. Và cuối cùng nếu được, tôi muốn mang sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam lên bản đồ nông nghiệp thế giới", ông Hưng bày tỏ.

“Trở lại câu chuyện của SSC, thậm chí là Vinaseed và PAN, chúng ta phải đổi mới về công nghệ. Có vậy thì mới lớn được, nếu không làm thì vài năm nữa, thậm chí chục năm nữa chúng ta cũng chẳng có tên trên bản đồ nông nghiệp thế giới”, ông Hưng nói thêm.

Trước mắt, ông Hưng cũng giao cho Vinaseed sẽ xây dựng một chính sách nhân sự cho toàn hệ thống trực thuộc, đồng thời chính sách này phải coi tất cả là một nhà, nếu nhân lực của SSC tốt thì có thể đưa ra Tập đoàn làm ở các vị trí lãnh đạo, và ngược lại có thể điều chuyển từ Tập đoàn về, sao cho mục tiêu quản trị nhân sự tốt nhất.

Kế đến, bộ phận kiểm toán - kiểm soát của Vinaseed phải đi kiểm tra với từng thành viên, để minh bạch tài chính cho các đơn vị, đồng thời cũng góp ý, tư vấn những chính sách quản lý tài chính mà Vinaseed đã áp dụng đạt hiệu quả đến từng thành viên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem