Quản lý và tổ chức lễ hội: Các điểm nóng đã dần hạ nhiệt

Thứ sáu, ngày 13/12/2013 10:27 AM (GMT+7)
Đó là nhận định chung của nhiều đại biểu tại hội nghị tổng kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2013 do Bộ VHTTDL tổ chức sáng 12.12, với sự tham gia của đại diện 63 tỉnh thành.
Bình luận 0
Theo báo cáo tổng kết của Cục Văn hóa cơ sở thì nhìn chung mùa lễ hội năm 2013 đã có nhiều chuyển biến tích cực so với các năm trước, một số điểm nóng gây nhiều bức xúc trong dư luận như hội đền Trần, chợ Viềng, chùa Hương… đã có những bước cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều mặt hạn chế như vẫn chưa giải quyết triệt để cảnh ùn tắc, chen lấn xô đẩy, công tác an ninh nhiều lễ hội chưa đảm bảo, hòm công đức vẫn nhiều, dịch vụ đổi tiền lẻ giá cao, hàng quán lộn xộn, nhếch nhác…

Đoàn rước linh vị tại lễ hội Bà chúa Xứ (An Giang).
Đoàn rước linh vị tại lễ hội Bà chúa Xứ (An Giang).

Ông Huỳnh Vĩnh Ái- Thứ trưởng Bộ VHTTDL cho biết, những năm trước ở khu vực miền Bắc vấn đề lễ hội thực sự nóng bỏng, nhưng gần đây thì miền Trung, miền Nam cũng đã xuất hiện tình trạng này. Ví dụ như Lễ hội núi Bà Đen ở Tây Ninh đã bị khá nhiều báo đài đề cập. Quản lý lễ hội là một vấn đề cực kỳ phức tạp vì có những yếu tố tâm linh, khoa học, về từng lễ hội cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên mục đích cuối cùng là phải bảo vệ được tài sản của Nhà nước và cộng đồng, mấy vụ cháy di tích gần đây gây nên rất nhiều thiệt hại...

Có mặt tại hội nghị, ông Mai Tư - Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa đã được mời lên để trình bày về vụ cháy đền Lê Lai vừa xảy ra hơn 1 tuần trước đó. Ông Mai Tư cho biết: “Qua vụ cháy đền Lê Lai, chúng tôi rút ra rất nhiều bài học đắt giá về vấn đề chỉ đạo phòng cháy nổ ở di tích, cả một di tích đồ sộ không thể chỉ trang bị những bình xịt bằng cái nắm tay. Đền Lê Lai được xếp hạng là di tích quốc gia nhưng không có cán bộ quản lý di tích, không có phương tiện phòng cháy chữa cháy, vừa trùng tu khánh thành xong thì lại bị cháy. Theo chúng tôi vấn đề phòng cháy ở di tích phải có sự tham gia của các bộ, ngành chứ một mình ngành văn hóa không kham nổi”.

GS Lê Hồng Lý - Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hoá nhận xét: “Tôi thấy tình hình lễ hội vài năm gần đây có nhiều cải thiện cũng do nhận thức của người dân có nhiều biến chuyển. Khi người dân có tâm thế đi hội tốt thì lễ hội cũng tốt dần lên và cả xã hội cùng phải vào cuộc để thay đổi chứ không thể quy trách nhiệm cho riêng ngành văn hóa. Tôi vẫn thấy quan điểm trả lễ hội cho dân là đúng, nhưng không phải trả tất cả vì lễ hội không còn là của một làng nữa, phần tín ngưỡng nghi lễ phải trả cho dân còn Nhà nước thì nên tham gia vào việc quản lý, tổ chức, trật tự vệ sinh môi trường. Nên chăng với tư cách là một cơ sở quản lý cụ thể thì Bộ phải có đề tài nghiên cứu tìm ra các mô hình tốt để cho các nơi học tập. Tôi thấy các di tích như Bà chúa Kho (Bắc Ninh) và Bà chúa Xứ (An Giang) quản lý công đức rất tốt, mô hình đền Cửa Ông (Quảng Ninh) cũng vậy”.

Rất nhiều ý kiến đề nghị Bộ VHTTDL bên cạnh việc ban hành các văn bản quy định về việc thành lập ban quản lý di tích, quản lý đồ thờ tự mới, tiền công đức thì cần phải tập trung vào nâng cao công tác tuyên truyền cho người dân để thay đổi nhận thức và văn hóa đi hội. Đó mới là yếu tố chính để thay đổi bộ mặt lễ hội, giảm bớt những ứng xử thiếu văn hóa.
Mai An (Mai An)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem