Thử nghiệm bộ trang bị chiến đấu Ratnik vào năm 2012
Trong
những năm gần đây, thế giới chứng kiến sự phát triển vượt bậc của các loại phương
tiện chiến tranh hủy diệt của các lực lượng không quân, pháo binh, tên lửa đạn
đạo… Tuy vậy, một số hoàn cảnh chiến trường vẫn bắt buộc yêu cầu có sự tham chiến
của các lực lượng bộ binh thông thường, ví dụ như một cuộc chiếm đóng, bình định
hay hỗ trợ nhân đạo.
Chính vì thế, hầu hết tất cả các cường quốc quân sự đều
xây dựng những chương trình phát triển bộ trang bị cá nhân hiện đại cho binh
lính của mình trong tương lai. Trong các chương trình này, có thể kể đến
"Future Soldier"của Mỹ, FELIN
của Pháp, IDZ của Đức hay bộ trang bị của Trung Quốc do công ty Tongmeida đề xuất.
Không nằm ngoài xu thế trên, nước Nga, vốn là một siêu cường quân sự của thế giới
cũng đã phát triển bộ trang bị cá nhân tương lai cho riêng mình, dựa trên kinh
nghiệm của hàng loạt cuộc chiến tranh chống ly khai, khủng bố và cả trên những
bộ trang bị đã thành công của nước ngoài.
Binh sĩ Nga sử dụng súng AK-107 với kính ngắm điểm đỏ Krechet-M gắn trên ray Picatinny.
Sau
khi nhận thấy sự yếu kém trong vấn đề trang bị cá nhân của quân đội Nga xuyên
suốt từ hai cuộc chiến tranh tại Chechnya và cuộc phản công chớp nhoáng vào
Gruzia năm 2008, từ năm 2011, Nga đã thử mua một số bộ trang bị cá nhân
FELIN của
Pháp nhằm mục đích nghiên cứu và sau đó họ đã phát triển ra bộ trang bị cá nhân
hiện đại cho riêng mình, vượt xa những sản phẩm đi trước của các nước khác với
tên Ratnik, có nghĩa là "chiến binh".
Về
thực chất, nước Nga đã có không ít kinh nghiệm phát triển các bộ trang phục chiến
đấu bộ binh hoàn thiện, với nhiều tính năng đi trước các nước khác như bộ
Barmitsa-M năm 1995, Permyachka-M năm 2010.
Có thể nói, Ratnik là kết quả
nghiên cứu hoàn thiện những thành tựu trong nước và có thừa hưởng sự tham khảo
những ưu thế hiện đại khác của nước ngoài.
Ratnik có thể cung cấp khả năng
tác chiến tối đa cho các binh lính sử dụngBộ trang bị chiến đấu Ratnik được xây dựng trên tiêu chí có thể cung cấp khả năng tác chiến tối đa cho các binh lính sử dụng. Vì thế, nó được chia thành nhiều bộ phận và có thể tùy biến tùy theo từng nhiệm vụ hay môi trường công tác của binh sĩ.
Tuy nhiên, một cách tổng quát có thể
chia bộ trang bị chiến đấu này thành những thành phần chính sau đây: Trang phục
chiến đấu, mũ chống đạn, áo giáp chống đạn, hệ thống quan sát điện tử, hệ thống
thông tin liên lạc, vũ khí, hệ thống túi, ba lô mang vác và các thiết bị hỗ trợ
sự sống khác.
Trang phục
chiến đấu có độ tùy biến cao
Như
đã nói ở trên, Ratnik là bộ trang bị có độ tùy biến rất cao, vì thế trang phục
chiến đấu nằm trong trang bị này cũng có tính chất tương tự. Xét trên bộ trang
phục cơ bản, Ratnik chia làm hai loại là trang phục mùa hè và trang phục mùa
đông.
Bộ trang phục mùa hè bao gồm quần áo lót nhanh khô được làm hoàn toàn bằng
sợi nhân tạo cùng quân phục mặc ngoài may kiểu M21 Mod 3 với chất vải gồm 65%
cotton và 35% polyester. Loại trang phục này được sử dụng khi nhiệt độ ngoài trời
lớn hơn 15 độ C.
Trong
điều kiện nhiệt độ từ -40 đến 15 độ C, trang phục mùa đông được sử dụng được
tùy biến dễ dàng theo từng lớp rời nhau, có thể tách rời để sử dụng tùy theo từng
điều kiện nhiệt độ thích hợp trong khoảng này.
Ngoài quần áo, bộ hai bộ trang
phục này còn đi kèm với nhiều loại mũ mềm như mũ chống nắng, mặt nạ, mũ beret
kiểu mới và mũ lông giữ ấm. Tất cả các bộ quần áo có thể lắp đặt thêm những miếng
đệm khuỷu tay hoặc đầu gối để chống lại thương tích khi vận động mạnh.
Trang bị cơ bản nằm trong bộ trang bị Ratnik với súng trường tấn công AK-12.
Về
màu sắc, mặc dù quân đội Nga trước kia sử dụng hơn 50 màu sắc ngụy trang khác
nhau, tuy nhiên từ năm 2009, sau khi Yudashkin phát minh ra màu ngụy trang
Digital Flora theo xu hướng ngụy trang kỹ thuật số hiện đại, quân đội Nga đã dần
chuẩn hóa sử dụng màu này, kể cả trên trang phục thuộc bộ trang bị Ratnik.
Không
giống như tư duy của Mỹ khi tham vọng sử dụng một màu ngụy trang trên mọi loại
địa hình (như màu DCU đã thất bại và dần đào thải hoặc màu Multicam hiện nay),
hệ thống màu ngụy trang Digital Flora giữ nguyên cấu trúc phân bố mảng màu, tuy
nhiên màu sắc từng mảng được tùy biến theo hơn 10 kiểu khác nhau với mỗi kiểu
có tính ngụy trang cực tốt trong từng địa hình riêng.
Không
những thế, những bộ quần áo này cũng có độ bền nhất định để có khả năng chống lại
nhiều loại mảnh đạn văng, cung cấp khả năng bảo vệ tối thiểu cho những vùng cơ
thể không có sự che chắn của giáp chống đạn. Chúng cũng được sơn phủ các lớp
sơn đặc biệt nhằm làm "mù" những thiết bị trinh sát hồng ngoại, dò
tìm thân nhiệt của đối phương.
Ngoài
ra, các tiểu tiết trên trang phục cũng được chú ý và cải tiến. Các loại phù hiệu
đơn vị và bảng tên thay vì khâu thẳng vào quần áo đã được chuyển sang sử dụng
miếng dán kiểu velcro tiện lợi hơn, phù hiệu chiến đấu cũng được chuyển sang dạng
màu tối (subdue) để tránh làm giảm khả năng ngụy trang. Thêm nữa, phù hiệu binh
chủng gắn cổ áo thay vì loại cài kim bằng kim loại cũng được chuyển đổi thành
loại miếng dán.
Áo
giáp chống được đạn súng bắn tỉa
Áo
giáp chống đạn là một trong hai bộ phận bảo vệ chính là áo và mũ. Trong đợt thử
nghiệm đầu tiên, loại áo giáp được sử dụng cho bộ Ratnik có tên là 6B43, là loại
áo chống đạn chiến trường hiện đại nhất mà quân đội Nga đã sản xuất.
Loại áo
giáp chống đạn này ngoài việc có diện tích che chắn rất rộng, gồm cả hai vùng
lưng và ngực bụng, cổ, vai, hạ bộ, nó còn được trang bị phao nổi đặc biệt ở vai
giúp chiến sĩ sử dụng có thể bơi đứng vượt sông, hồ một cách dễ dàng.
Giống như
những loại áo giáp hiện đại khác của phương Tây, 6B43 cũng được trang bị hệ thống
dây treo kiểu mô đun để gắn các loại túi đựng trang bị hay phụ kiện khác lên
giáp có tên UMTBS do Nga thiết kế.
Áo giáp 6B43 do công ty Tekhincom sản xuất với cấu hình đầy đủ cả giáp vai, hạ bộ cùng một số túi đựng trang bị. Đây là mẫu áo được sử dụng trong thử nghiệm bộ trang bị Ratnik.
Về
cấu tạo chi tiết, 6B43 có ba lớp chính. Lớp trong cùng được thiết kế có độ rỗng
cao, đàn hồi tốt, vừa làm giảm xung lực của đạn tác động lên cơ thể người mặc,
vừa thông khí giúp người mặc không bị nóng. Tiếp theo là lớp chống đạn mềm được
làm bằng sợi aramid đặc biệt có khả năng chống lại các loại đạn súng lục và mảnh
đạn văng.
Đóng vai trò chính trong khả năng chống đạn của 6B43 chính là các tấm
ceramic chống đạn có tên Granit-S, nhờ những tấm cứng này, 6B43 có thể chịu được
cả đạn xuyên giáp lõi thép của súng bắn tỉa SVD Dragunov từ khoảng cách chỉ 10
mét mà người mặc không hề bị ảnh hưởng hay nhiều phát đạn súng trường tấn công
bắn cùng vào một điểm.
Tuy
vậy, 6B43 lại không hề nặng, với cấu hình chống đạn tối đa mức 6 (chống đạn
súng bắn tỉa SVD), cả bộ giáp này chỉ nặng khoảng hơn 10 kg.
Mũ
chống đạn nhẹ đến kinh ngạc
Khác
với những loại mũ chống đạn bằng thép hay titan nặng nề thời Liên Xô, mũ chống
đạn của Ratnik được phát triển từ loại mũ 6B27 đã được trang bị cho lục quân
Nga từ đầu những năm 2000, tạm được gọi là mẫu 6B27M.
Mặc dù là loại mũ có đủ bộ phận che tai, 6B27M chỉ có
khối lượng khoảng xấp xỉ 1 kg
Loại
mũ này được làm từ sợi Aramid cùng các loại vật liệu đệm khác có khả năng chống
lại đạn súng lục PM Makarov từ khoảng cách 10 mét.Tuy vậy, ưu điểm chính của 6B27M lại là khối
lượng nhẹ đáng kinh ngạc.
Mặc dù là loại mũ có đủ bộ phận che tai, 6B27M chỉ có
khối lượng khoảng xấp xỉ 1 kg, nhẹ hơn đáng kể so với loại mũ có cấu hình tương
tự là MICH 2000, thậm chí là nhẹ hơn nhiều so với cả loại mũ siêu nhẹ là LWH
trang bị cho lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ (một chiếc LWH cỡ trung bình có
khối lượng 1,39 kg).
Để phù hợp với xu thế hiện đại, 6B27M cũng được trang
bị các loại ray đúc liền để gắn các phụ kiện và chốt gắn kính nhìn đêm tích hợp.
Ngoài ra, đi kèm với mũ, binh sĩ trang bị Ratnik cũng có thể sử dụng những loại
kính chống mảnh văng ví dụ như 6B34.
>>Kỳ 2: Khám phá quân trang thời số hóa của bộ binh Nga<<
>>Cận cảnh hệ thống quân trang siêu tối tân của Quân đội Nga<<
Minh Châu (Minh Châu)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.