Quảng Bình: Một nông dân bất ngờ phát tài nhờ làm rượu sim đặc sản, trồng nấm mọc tua tủa

Trần Anh Chủ nhật, ngày 07/11/2021 07:57 AM (GMT+7)
Chị Nguyễn Thị Xuân (SN 1977, ở thôn 3, xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) lập nghiệp trên mảnh đất quê hương bằng việc trồng nấm và bán rượu sim. Thời gian đầu, nhiều người bảo chị "điên" khi ngâm rượu sim mang bán. Nhưng bằng sự nỗ lực, chị thu lời hàng trăm triệu/năm từ việc trồng nấm và bán rượu sim.
Bình luận 0

Kêu gọi hộ nghèo cùng phát triển kinh tế

Trò chuyện với PV Dân Việt, chị Nguyễn Thị Xuân (SN 1977, ở thôn 3, xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), cho biết: "Tôi xuất thân từ gia đình nông dân, vừa làm ruộng vừa chăn nuôi. Tôi luôn trăn trở làm sao để vươn lên làm giàu chính đáng và giúp bà con nông dân trên địa bàn cùng vươn lên thoát nghèo, góp phần phát triển kinh tế địa phương".

Clip: Chị Nguyễn Thị Xuân (ở thôn 3, xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ kinh nghiệm trồng nấm

Với ý nghĩ đó, chị Nguyễn Thị Xuân mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Bố Trạch tạo vốn để lập nghiệp.

Có vốn trong tay cùng sự hỗ trợ từ Dự án "Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo tỉnh Quảng Bình". Năm 2018, chị Xuân vận động các gia đình hộ nghèo và cận nghèo tại địa phương tham gia dự án "Phát triển sản xuất nấm linh chi thương phẩm". Từ đó, Tổ hợp tác trồng nấm thôn 3 Mỹ Trạch hình thành và đi vào hoạt động. 

Cho là "điên" khi ngâm rượu sim đem bán, nông dân ở Quảng Bình thu lãi hàng trăm triệu/năm  - Ảnh 2.

Chị Nguyễn Thị Xuân bên các phôi nấm đã cho thu hoạch. (Ảnh: Trần Anh)

Thời gian đầu, Tổ hợp tác trồng nấm trong diện tích 500m2, chủ yếu trồng nấm linh chi, nấm sò và tạo việc làm cho 15 lao động là người địa phương thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo.

Với sự hưởng ứng tích cực của các thành viên trong nhóm cùng sự vận dụng khoa học kỹ thuật và kết nối được thị trường tiêu thụ, quy mô sản xuất kinh doanh từng bước được mở rộng và phát triển.

Cho là "điên" khi ngâm rượu sim đem bán, nông dân ở Quảng Bình thu lãi hàng trăm triệu/năm  - Ảnh 3.

Trại trồng nấm rộng 500m2 của chị Nguyễn Thị Xuân. (Ảnh: Trần Anh)

Chị Nguyễn Thị Xuân cho hay: "Bắt tay vào trồng nấm thấy rất dễ trồng, không cần bỏ nhiều thời gian nhưng mang lại nguồn thu nhập cao. Điều quan trọng trong việc trồng nấm phải nắm vững kĩ thuật và phải siêng năng chăm sóc nấm, phải nhận biết được bệnh thường gặp trên nấm để có cách phòng tránh".

Cho là "điên" vì ngâm rượu sim đem bán

Năm 2019, Tổ hợp tác chuyển đổi thành Hợp tác xã sản xuất - kinh doanh nấm sạch và rượu sim Xuân Hưng (HTX Xuân Hưng) do chị Nguyễn Thị Xuân làm Giám đốc. Hợp tác xã tập trung vào sản xuất mặt hàng rượu sim và các loại nấm sạch.

"Ngày đầu ngâm rượu sim để bán, người trong xã ai cũng bảo tôi bị điên. Nhiều người bảo là mua sim về ngâm rượu mấy người uống, rồi sẽ thất bại. Thế nhưng, thời gian đã chứng minh, rượu sim tôi ngâm bán rất chạy, người dân ở các tỉnh phía nam cũng liên hệ để mua với số lượng lớn", chị Xuân nói.

Cho là "điên" khi ngâm rượu sim đem bán, nông dân ở Quảng Bình thu lãi hàng trăm triệu/năm  - Ảnh 4.

Chị Nguyễn Thị Xuân bên sản phẩm rượu sim của HTX Xuân Hưng. (Ảnh: Trần Anh)

Theo chị Nguyễn Thị Xuân, để đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, Hợp tác xã thay các dụng cụ sản xuất rượu thủ công bằng hệ thống sản xuất hiện đại theo công nghệ tiên tiến, đảm bảo chất lượng rượu thơm ngon, an toàn cho người sử dụng.

Để khẳng định chất lượng sản phẩm và từng bước tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường, năm 2019, sản phẩm rượu sim Xuân Hưng tham gia chương trình OCOP tỉnh Quảng Bình và được xếp hạng 3 sao.

Cho là "điên" khi ngâm rượu sim đem bán, nông dân ở Quảng Bình thu lãi hàng trăm triệu/năm  - Ảnh 5.

Chị Nguyễn Thị Xuân bên tủ sấy trái sim để mang đi ngâm rượu. (Ảnh: Trần Anh)

Năm 2020, rượu sim Xuân Hưng tiếp tục được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Bình. Hợp tác xã Xuân Hưng được Ban điều hành cộng đồng khởi nghiệp tỉnh Quảng Bình cấp giấy chứng nhận là "Mô hình khởi nghiệp tiêu biểu đóng góp vào công tác xây dựng và phát triển phong trào khởi nghiệp tỉnh Quảng Bình năm 2020".

Đến nay, HTX Xuân Hưng đã có diện tích mặt bằng trên 850m2. Tại đây, Hợp tác xã vừa tổ chức sản xuất, vừa học tập kỹ thuật qua các lớp tập huấn do Hội Nông dân, Hội Phụ nữ xã liên kết với các chương trình, dự án tổ chức.

Chị Nguyễn Thị Xuân cho biết: "Nhờ sản xuất kinh doanh tốt nên HTX Xuân Hưng thu lãi 400 triệu/năm từ việc trồng nấm và bán rượu sim. Tạo được việc làm ổn định cho 15 lao động, với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng, giúp các lao động từng bước vươn lên thoát nghèo".

Cho là "điên" khi ngâm rượu sim đem bán, nông dân ở Quảng Bình thu lãi hàng trăm triệu/năm  - Ảnh 6.

Sản phẩm rượu sim của HTX Xuân Hưng đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh Quảng Bình năm 2019. (Ảnh: Trần Anh)

Ngoài việc tổ chức tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã, chị Xuân còn giúp nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn về con giống và thức ăn chăn nuôi để tạo sinh kế. Bên cạnh đó, chị Xuân cũng luôn sẵn sàng chia sẻ với bà con nông dân những kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi, để họ có điều kiện vươn lên thoát nghèo.

"Chị Nguyễn Thị Xuân là một điển hình trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Vừa qua, chị Xuân được Thủ tướng tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh", ông Hoàng Văn Hùng – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bố Trạch.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem