Quảng Nam: Bán sâm Ngọc Linh qua mạng xã hội vì dịch Covid-19

Trương Hồng - Hạ Vy Chủ nhật, ngày 22/03/2020 14:48 PM (GMT+7)
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, UBND huyện Nam Trà My (Quảng Nam) quyết định không tổ chức phiên chợ sâm Ngọc Linh theo hình thức truyền thống, mà chuyển sang kinh doanh bằng hình thức online, ứng dụng phần mềm của mạng xã hội.
Bình luận 0

Ngày 22/3, UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, phiên chợ sâm Ngọc Linh lần thứ 31 của huyện Nam Trà My (dự kiến diễn ra từ ngày 1 - 3/4/2020), đặc biệt phiên chợ này sẽ không còn tổ chức như cách truyền thống tại Trung tâm Văn hóa huyện nữa mà thay vào đó bằng cách kinh doanh mới lạ giữa mùa dịch Covid-19.

img

img

Phiên chợ sâm Ngọc Linh không còn triển khai theo hình thức truyền thống mà chuyển sang hình thức bán hàng online

Trước việc giúp nông dân miền núi kinh doanh theo phương pháp mới bằng cách bán hàng online, ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, đã ký công văn thông báo về việc tổ chức phiên chợ sâm Ngọc Linh và hàng nông sản đặc trưng miền núi tháng 4/2020 bằng hình thức online thay cho phiên chợ truyền thống, nhằm đảm bảo không tụ tập đông người, tránh nguy cơ lây lan của dịch Covid-19.

img

Trước khi bán hàng, tất cả các sản phẩm nông sản và sâm Ngọc Linh sẽ được tổ kiểm định chất lượng kiểm tra niêm phong và đóng dấu vào mới chuyển cho khách hàng

“Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và Huyện ủy Nam Trà My trong công tác phòng chống dịch Covid-19, UBND huyện Nam Trà My sẽ thay đổi hình thức tổ chức phiên chợ sâm Ngọc Linh và hàng nông sản Nam Trà My tháng 4/2020 từ truyền thống sang hình thức bán hàng online qua các ứng dụng  facebook tại địa chỉ: “Thủ phủ sâm Ngọc Linh” và kênh YouTube: “Phiên chợ sâm Ngọc Linh”.

Thời gian tổ chức phiên chợ online, buổi sáng bắt đầu từ 9 giờ 30 phút - 12 giờ trưa và buổi chiều từ 14 - 16 giờ các ngày từ 1 - 3/4/2020. Trong thời gian diễn ra phiên chợ sâm Ngọc Linh, địa phương sẽ không mở cửa đón khách mà chỉ tổ chức bán các sản phẩm bằng hình thức online qua mạng”, công văn nhấn mạnh.

img

img

Sâm Ngọc Linh củ có giá thành rất cao, 1kg sâm củ có giá từ vài chục triệu đến cả 100 triệu đồng, người dân còn gọi là cây "đẻ" trứng vàng

Trao đổi với Dân Việt, ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, đây là lần đầu tiên triển khai việc bán hàng nông sản, đặc biệt là loại dược liệu quý sâm Ngọc Linh bằng hình thức online, nên UBND huyện đã thành lập tổ công nghệ thông tin và tổ kiểm định sâm Ngọc Linh giả, thật để giúp nông dân, khách hàng.

“Khi có một khách hàng đặc mua sâm Ngọc Linh qua mạng tại một chốt sâm nào của phiên chợ online sẽ được tổ kiểm định quay video lại củ sâm, sau đó niêm phong và dùng con dấu của tổ kiểm định đóng vào, bước tiếp theo là sẽ gửi trực tiếp bằng bưu điện đến tay khách hàng.

Vì đây, là lần đầu tiên triển khai bán hàng bằng hình thức online, nên phải kiểm tra thật kỹ lưỡng khâu phẩm định sản phẩm cũng như chất lượng của sản phẩm mới bán cho khách hàng để họ yên tâm. Việc này giúp phòng chống các đối tượng lợi dụng bán sâm Ngọc Linh giả cho khách hàng...”, ông Bửu nhấn mạnh.

img

Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My (giữa) kiểm tra vườn sâm Ngọc Linh 

Sâm Ngọc Linh là cây dược liệu có giá trị kinh tế rất cao, còn gọi là cây “đẻ” trứng vàng, vì mỗi kg củ sâm Ngọc Linh có giá lưu động từ vài chục triệu đến cả 100 triệu đồng. Nhiều loại củ có trọng lượng từ 05-1kg thì giá thành vài trăm triệu đồng/kg; bên cạnh đó, lá và thân sâm Ngọc Linh cũng có giá đắt đỏ, từ 7 đến 10 triệu đồng/kg.

img

Người dân đang lựa tìm mua sâm Ngọc Linh tại các phiên chợ truyền thống

Trước đó, phiên chợ sâm Ngọc Linh luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài nước đến mua sắm, tham quan. Tại phiên chợ lần thứ 30, diễn ra từ 1 - 3/3/2020, trong những ngày diễn ra Phiên chợ có trên 1.000 lượt người đến thăm quan, mua sắm, với doanh thu thống kê được khoảng 5,7 tỷ đồng, trong đó riêng mặt hàng sâm củ Ngọc Linh bán được khoảng 65 kg, thu về gần 5,5 tỷ đồng.

Theo tài liệu nghiên cứu, sâm Ngọc Linh là loài thân thảo, có tên khoa học là Panax vietnamensis Haet Grushv. thuộc họ Nhân sâm (Araliaceae). Ngoài ra, còn có một số tên gọi khác là sâm Việt Nam, sâm Khu Năm (sâm K5), sâm trúc (sâm đốt trúc, trúc tiết nhân sâm), củ ngải rọm con hay cây thuốc dấu của đồng bào dân tộc sống xung quanh chân núi Ngọc Linh.

img

Có thể nói rằng cả Thế giới chỉ có nước Việt Nam, cả nước chỉ có 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam và tại 2 tỉnh cũng chỉ có 5 huyện, với 16 xã thuộc huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum và huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam là có sâm Ngọc Linh. Đỉnh Ngọc Linh cao 2.598m được xem như nóc nhà của Tây Nguyên, có rừng nguyên sinh cùng với sự phong phú của hệ động, thực vật với các điều kiện tự nhiên đặc biệt phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây sâm Ngọc Linh.

Hơn 30 năm qua, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã chứng minh sâm Ngọc Linh là loại sâm quý hiếm và tốt nhất Thế giới hiện nay, bên cạnh sâm Triều Tiên, sâm Trung Quốc và sâm Mỹ. Sâm Ngọc Linh có tác dụng như loại thuốc tăng lực, chống lão hóa, hồi dương, tăng cường sức đề kháng, chống độc tố, kích thích điều hòa cơ chế miễn dịch của cơ thể và hỗ trợ phòng bệnh ung thư,... Đặc biệt, sâm Ngọc Linh có những tính năng mà sâm một số nước khác không có là tính kháng khuẩn, chống trầm cảm, hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc điều trị bệnh tiểu đường,..

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem