Quảng Nam: Đem con vật lạ về nuôi, nông dân U60 tính chuyện làm giàu

Trần Hậu - Tuyết Nhung Thứ năm, ngày 30/09/2021 06:01 AM (GMT+7)
Dù đã 64 tuổi, nhưng ông Lê Văn Sáng ở xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam vẫn luôn miệt mài tìm hiểu các mô hình kinh tế hiệu quả với mong muốn đổi đời. Nhận thấy dúi là con vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nên ông mạnh dạn nuôi thử và đến nay đã cho thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm.
Bình luận 0

Bén duyên với con dúi

Dẫn chúng tôi đi tham quan chuồng nuôi dúi, ông Sáng chia sẻ: "Trước kia tôi công tác tại Hội Cựu chiến binh xã Đại Cường, sau này nhận thấy kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, phải nuôi con ăn học, nên trăn trở tìm một hướng đi mới để cải thiện kinh tế. Nếu như nhiều hộ dân trong vùng chọn chăn nuôi heo, bò, thì tôi thấy nó không phù hợp với mình vì tuổi đã cao, sức khỏe không đảm bảo.

Quảng Nam: Đem con vật lạ về nuôi, U60 tính chuyện làm giàu - Ảnh 1.

Ông Lê Văn Sáng là người đầu tiên đưa mô hình nuôi dúi về với xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Trần Hậu.

Qua tìm hiểu thông tin trên mạng thì thấy mô hình nuôi dúi (chuột nứa) rất mới lạ, nhưng hiệu quả kinh tế lại cao. Tháng 8/2016 tôi quyết định xin nghỉ việc và dành thời gian, tâm huyết để bắt đầu mô hình nuôi dúi với hi vọng đổi đời".

Là người đầu tiên trong vùng đem con dúi về nuôi, nên ông Sáng phải tự tìm tòi kiến thức nuôi dúi qua mạng internet. Vì còn thiếu kinh nghiệm nên trong 5 cặp dúi nuôi ban đầu có 1 cặp chết vì cắn nhau.

Quảng Nam: Đem con vật lạ về nuôi, U60 tính chuyện làm giàu - Ảnh 2.

Chuồng trại sạch sẽ, thông thoáng giúp dúi có môi trường sống thuận lợi. Ảnh: Tuyết Nhung.

Nhờ sự kiên trì và tích cực học hỏi, nên đàn dúi của ông dần sinh trưởng khỏe mạnh. Ông Sáng bắt tay vào đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, tự nhân giống, mở rộng quy mô đàn lên hàng chục con.

Ông Sáng cho biết, dúi là động vật hoang dã, nhưng dễ thuần chủng, dễ nuôi, ít tốn kém chi phí, không mất nhiều công chăm sóc và ít rủi ro. 

Đặc biệt, dúi có sức đề kháng cao nên ít bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên vì thức ăn là tre, thân mía, bắp, cỏ voi… nên dúi dễ bị đau bụng, phải chú trọng chuẩn bị thức ăn sạch, khô ráo, phòng bệnh viêm đường ruột, bệnh ngoài da.

Quảng Nam: Đem con vật lạ về nuôi, U60 tính chuyện làm giàu - Ảnh 3.

Giá dúi giống từ 4-5 lạng là 1,1 triệu đồng/cặp, 6-7 lạng 1,4 triệu đồng/cặp. Ảnh: Tuyết Nhung.

Cũng theo ông Sáng, yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến quá trình nuôi dúi là thời tiết và chuồng trại. Khí hậu miền Trung khắc nghiệt, nắng hè oi bức khiến dúi dễ chết. Vào cao điểm mùa nắng, dúi mẹ sinh sản không thuận lợi, khiến đợt vừa qua ông Sáng có hơn 40 dúi con bị chết vì nhiệt.

Vì thế, bên cạnh việc đảm bảo chuồng trại sạch sẽ, thông thoáng giúp dúi có môi trường sống thuận lợi, thì các biện pháp làm mát chuồng trại cũng quan trọng không kém. Ông Sáng trang bị máy phun sương, quạt và che lưới, tưới nước lên mái tôn để duy trì nền nhiệt chuồng dúi không quá 33 độ C.

Quảng Nam: Đem con vật lạ về nuôi, U60 tính chuyện làm giàu - Ảnh 4.

Thức ăn của dúi là tre, thân mía, bắp, cỏ voi…, mỗi ngày ăn 2 lần. Ảnh: Trần Hậu.

Đặc biệt, dúi là loài động vật hoang dã nên môi trường nuôi phải phù hợp với tập tính sinh trưởng vốn có của chúng. Chuồng nuôi được ghép từ các viên gạch men cỡ lớn khoảng 40-50cm để hợp thành các ô vuông chắc chắn, tránh để dúi bò ra ngoài hoặc cắn thủng chuồng. Đồng thời che chắn ở mức độ phù hợp để tạo độ râm mát, giống với môi trường hang ổ dưới lòng đất.

Thu lãi 200 triệu đồng/năm

Hiện nay, ông Sáng nuôi đàn dúi khoảng 140 con, thuộc giống dúi mốc lớn, trong đó có 50 cặp dúi sinh sản. Tuy thuộc họ chuột, nhưng dúi lại không có mùi hôi và sống khá sạch sẽ, phân dúi được ủ để làm phân bón cho cây cỏ.

Quảng Nam: Đem con vật lạ về nuôi, U60 tính chuyện làm giàu - Ảnh 5.

Nhờ nuôi dúi mà ông Sáng có nguồn thu nhập ổn định với mức lãi hơn 200 triệu đồng/năm. Ảnh: Trần Hậu.

Mỗi ngày dúi được cho ăn 2 lần, nếu buổi sáng được ăn tre thì chiều thay bằng thân mía. Ngoài ra ông còn bổ sung bắp, rễ tre, rễ cỏ tranh để dúi có thêm chất dinh dưỡng. 

Đối với dúi vào giai đoạn sinh sản thì ăn ít hơn bình thường, phải tách chuồng nuôi riêng và thường xuyên quan sát tình trạng phát triển. Trung bình mỗi năm dúi mẹ sinh 3 lứa, mỗi lứa từ 2-3 con.

Quảng Nam: Đem con vật lạ về nuôi, U60 tính chuyện làm giàu - Ảnh 6.

Ông Sáng chuẩn bị thức ăn cho dúi. Ảnh: Trần Hậu.

Trong quá trình ghép đôi dúi bố mẹ phải theo dõi thường xuyên xem chúng có cắn nhau không, sau khoảng 15 ngày thì tách đôi để dúi mẹ dưỡng thai và sinh con. Khi dúi sinh được 1 tháng thì tách mẹ và chuyển sang chuồng nuôi riêng.

Ông Sáng chủ yếu bán dúi giống cho nhiều khách hàng ở huyện Duy Xuyên, Đại Lộc, Núi Thành…. Giá dúi giống cũng có nhiều mức khác nhau, từ 4-5 lạng là 1,1 triệu đồng/cặp, 6-7 lạng 1,4 triệu đồng/cặp, và không có đủ hàng để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Quảng Nam: Đem con vật lạ về nuôi, U60 tính chuyện làm giàu - Ảnh 7.

Ngoài nuôi dúi, ông Sáng còn nuôi khoảng 100 con chuột lang, có giá trị kinh tế khá cao. Ảnh: Tuyết Nhung.

Thịt dúi là món ăn ngon, bổ dưỡng được nhiều nhà hàng, quán ăn tự tìm đến trại để đặt mua với giá 500.000 đồng/kg. Nhờ nuôi dúi mà từ năm 2018 đến nay, ông Sáng có nguồn thu nhập ổn định với mức lãi hơn 200 triệu đồng/năm. Kinh tế gia đình ngày một đi lên, có điều kiện để nuôi con ăn học, tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại….

Ngoài chuồng nuôi dúi, ông Sáng còn kết hợp nuôi đàn chuột lang khoảng 100 con, bán thịt với giá 300.000 đồng/cặp.

Anh Huỳnh Thế Toàn – Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) chăn nuôi dúi Đại Lộc cho hay, với kinh nghiệm nuôi dúi nhiều năm của mình, ông Sáng luôn là thành viên hăng hái trong các hoạt động của THT, nhiệt tình chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với các thành viên trong tổ để cùng nhau phát triển mạnh. Trong thời gian tới, quy mô THT sẽ tiếp tục mở rộng, trở thành nơi giao lưu, học hỏi bổ ích để cùng bà con làm kinh tế giỏi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem