Quảng Nam: Làm thứ bánh cúng tổ tiên lạ mắt bán dịp Tết Nguyên đán, ông nông dân này cứ 1 ngày thu 1 triệu

Tuyết Nhung - Trần Hậu Thứ hai, ngày 01/02/2021 06:34 AM (GMT+7)
Vào cận Tết Nguyên đán Tân Sửu, gia đình ông Lê Phước Trực (52 tuổi, trú khu Nghĩa Hiệp, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) lại làm việc hết công suất để cho ra lò những mẻ bánh tổ. Đây là 1 trong những loại bánh cúng tổ tiên nhân dịp Tết cổ truyền.
Bình luận 0

Bánh cúng tổ tiên

Trong phong tục của người dân xứ Quảng, ngày Tết cổ truyền trên bàn thờ ông bà sẽ được bày cúng nhiều loại bánh truyền thống như: bánh tét, bánh chưng, bánh khô mè, bánh tráng…. Trong đó, chiếc bánh tổ là điều không thể thiếu để làm nên một mâm cúng ý nghĩa.

Quảng Nam: Làm chiếc bánh tròn như tổ chim, lão nông bán đắt hàng dịp Tết - Ảnh 1.

Vào dịp cận Tết, ông Lê Phước Trực xuất bán khoảng 2.000 chiếc bánh tổ mỗi ngày.

Tất bật bên bếp lửa, ông Lê Phước Trực bày tỏ sự tự hào về nghề làm bánh tổ truyền thống của gia đình. Dẫu trải qua nhiều khó khăn, nhưng ông vẫn cố gắng đỏ lửa nấu bánh tổ thường xuyên, góp phần gợi nhắc ý nghĩa cội nguồn những ngày Tết đoàn viên.

Quảng Nam: Làm chiếc bánh tròn như tổ chim, lão nông bán đắt hàng dịp Tết - Ảnh 2.

Khuôn bánh được đan bằng tre, lót 2 lớp lá chuối để chứa bánh.

"Ngày xưa cứ đến cận Tết Nguyên đán, là người trong làng lại cùng nhau làm bánh tổ để dâng lên bàn thờ ông bà. Riêng tôi làm bánh thường xuyên, đến dịp cận Tết thì nhu cầu thị trường tăng mạnh nên phải hoạt động hết công suất. Các đơn hàng đặc biệt tăng cao từ 20 âm lịch đến tận chiều 30 Tết, bận rộn nhưng phấn khởi lắm", ông Trực chia sẻ.

Chiếc bánh tổ được làm nên từ nguyên liệu vốn có của vùng quê Quảng Nam như nếp, đường bát, gừng, mè. Trong đó việc chọn lựa được hạt nếp ngon, dẻo, thơm là điều quan trọng để tạo nên một chiếc bánh tổ chất lượng. Xay và trộn bột nếp với nước đường bát (cũng là một đặc sản của Quảng Nam), gừng nhuyễn theo một tỷ lệ nhất định để cho ra hỗn hợp không quá đặc hoặc quá lỏng. Tiếp tục đổ ra khuôn và cho vào nồi hấp chín trong 4 tiếng.

Quảng Nam: Làm chiếc bánh tròn như tổ chim, lão nông bán đắt hàng dịp Tết - Ảnh 3.

Hỗn hợp bột được đổ vào khuôn, xếp đều trong nồi theo từng ngăn.

Ông Trực vui vẻ cho biết, người ta hay ví von chiếc bánh tổ nhìn như một tổ chim, vì bánh được đổ trong khuôn tre đan hình tròn, bên trong lót 2 lớp lá chuối. Khi hấp bánh thì lá chuối tươi chuyển sang màu xanh đen, giúp bánh tổ có hương thơm nhẹ nhàng. Đồng thời khi hấp bánh phải luôn giữ lửa to, đỏ đều để bánh tổ chín tới, không bị sượng.

Hương vị ngày Tết

Chiếc bánh tổ dân dã, mộc mạc, thể hiện cho nét đẹp văn hóa và ẩm thực của vùng đất Quảng. Theo chia sẻ của những bậc cao niên, họ không biết rõ vì sao chiếc bánh có hình tròn, màu nâu, hương vị ngọt thanh, dẻo và bùi bùi ấy lại có tên là bánh tổ, chỉ biết khi nhìn thấy nó là những người con quê hương sẽ nhớ đến cội nguồn, tổ tiên và nhớ đến mâm cơm đoàn viên ngày Tết.

Quảng Nam: Làm chiếc bánh tròn như tổ chim, lão nông bán đắt hàng dịp Tết - Ảnh 4.

Ông Trực đang cho bánh tổ vào nồi hấp trong 4 tiếng.

Ông Trực tâm sự: "Với tôi chiếc bánh tổ không chỉ là đặc sản xứ Quảng, mà nó còn thể hiện nét tâm linh trong đời sống của con người. Tết năm nay nhà nào cúng bánh tổ thì năm sau cũng phải y vậy, nếu không sẽ phạm vào điều kỵ. Hay như nhà nào có tang thì không cúng bánh tổ hoặc nấu bánh tổ sẽ bị sượng. Trong tâm khảm của những người con Quảng Nam, họ thờ bánh tổ để cầu mong an lành, may mắn".

Ngày thường ông Trực chỉ làm số lượng ít để giữ mối, nhưng vào dịp Tết ông phải tăng sản lượng lên hơn 10 lần. Thuê thêm khoảng 8 người làm, sử dụng 6 tạ nếp để cho ra lò hơn 2.000 chiếc bánh tổ mỗi ngày. Nhiều khi không kịp đơn hàng ông phải làm tăng ca buổi tối, để nhiều bạn hàng đưa đi tiêu thụ tại các chợ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng, Huế, Hồ Chí Minh.

Quảng Nam: Làm chiếc bánh tròn như tổ chim, lão nông bán đắt hàng dịp Tết - Ảnh 5.

Khi bánh chín được rắc đều mè lên trên, để mè thơm và bám lâu hơn.

Khi bánh tổ vừa mới ra lò sẽ được rắc lên một lớp mè trắng, để nguội đến khi bánh khô lại là dùng được. Nếu để càng lâu thì độ dẻo ngọt của bánh tổ càng đậm đà hơn, đặc biệt khi đem bánh phơi nắng hoặc bảo quản trong tủ lạnh sẽ giúp kéo dài thời hạn sử dụng.

Theo ông Trực, chiếc bánh tổ ngon là phải mềm dẻo, không bị cứng hoặc nhão, có vị ngọt bùi. Bánh ăn sống được, nhưng ngon hơn khi chiên và ăn cùng với bánh tráng nướng của vùng đất Quảng Nam. Dẫu bình dị nhưng đó là hương vị khó quên của bao người, là ký ức thân thương của bao lớp người xa quê.

Quảng Nam: Làm chiếc bánh tròn như tổ chim, lão nông bán đắt hàng dịp Tết - Ảnh 6.

Bánh tổ nhà ông Trực được nhiều bạn hàng vận chuyển bán khắp tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng, Huế, Hồ Chí Minh.

Cách làm bánh tổ tuy đơn giản, nhưng không phải ai cũng làm được một sản phẩm thơm ngon đạt chuẩn. Đối với ông Trực, bánh tổ không chỉ mang lại nguồn kinh tế ổn định, mà còn giúp ông duy trì nghề truyền thống của cha ông. Đặc biệt vào dịp cận Tết Nguyên đán, gia đình ông thu lãi hơn 1 triệu đồng/ngày, có thêm chi phí sắm sửa đón Tết ấm cúng hơn.

Hiện nay trên thị trường có đa dạng các loại bánh trái, nhưng đối với người dân xứ Quảng thì bánh tổ vẫn luôn là món không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên ngày Tết. Hơn thế nữa, bánh tổ trở thành món quà quê đậm tình, với hi vọng trao nhau lời chúc an lành, may mắn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem