Quảng Nam đưa công nghệ cao vào quản lý và bảo vệ rừng

Trương Hồng - Lương Luật Thứ hai, ngày 09/12/2019 15:49 PM (GMT+7)
“Hình thức giao khoán rừng có sự thay đổi căn bản sang ưu tiên cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Ngoài ra, cũng khẩn trương triển khai dự án nâng cao năng lực giám sát rừng bằng công nghệ cao trong đầu năm 2020. Chắc chắn với sự cải tổ toàn diện và ứng dụng KHCN vào quản lý rừng như vậy thì năng lực quản lý rừng sẽ được nâng lên gấp nhiều lần so với hiện nay, chúng ta sẽ chủ động giữ rừng và cũng dễ quy trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân khi xảy ra phá rừng”, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.
Bình luận 0

Chi hàng chục tỷ đồng để bảo vệ rừng

Qũy Bảo vệ và Phát triển rừng (BVPTR) tỉnh Quảng Nam cho biết, năm 2019, theo kế hoạch, Quảng Nam sẽ thu hơn 136 tỷ đồng từ nguồn tiền DVMTR. Theo BVPTR tỉnh, tính đến ngày 20/11/2019, đơn vị nhận ủy thác thu được hơn 77 tỷ đồng (đạt hơn 56,6% tổng số tiền thu trong năm), trong đó chi 56,4 tỷ đồng.

img

Lực lượng bảo vệ rừng ở Quảng Nam

Đến nay, diện tích chi trả DVMTR tỉnh là 283.329ha, với 15 đề án chi trả được UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó diện tích giao khoán 226.982ha cho 610 nhóm/12.842 hộ và 142 cộng đồng; diện tích các chủ rừng tự bảo vệ là 56.347ha. Tổng số tiền thu, chi DVMTR từ năm 2013 đến nay là 481 tỷ đồng.

“Để xác định chi đúng đối tượng, diện tích dịch vụ bảo vệ rừng, thời gian qua Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh hỗ trợ các chủ rừng thực hiện giải đoán ảnh và lập bản đồ biến động rừng định kỳ (mỗi quý 1 ảnh) để cung cấp và khuyến cáo đến chủ rừng, hạt kiểm lâm phục vụ cho công tác theo dõi diễn biến rừng. Quỹ cũng phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh làm việc với các hạt kiểm lâm huyện, UBND các xã hỗ trợ cập nhật biến động rừng trong vùng chi trả DVMTR theo đúng lộ trình”, đại diện Qũy BVPTR cho biết.

Theo Qũy BVPTR tỉnh, sau khi Nghị định 99 (năm 2010) ban hành chính sách về DVMTR rừng, ngành lâm nghiệp tham mưu cho chính quyền tỉnh triển khai thí điểm nhiều mô hình giao khoán bảo vệ rừng (BVR). Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hiện nay Quảng Nam đang triển khai nhiều hình thức khoán BVR. Đầu tiên là khoán rừng cho nhóm hộ năm 2012.

Đây là hình thức phổ biến, được thực hiện trên cơ sở áp dụng kết quả thí điểm giao khoán rừng cho nhóm hộ của dự án do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ. Tổng diện tích rừng giao cho nhóm hộ là 216.500ha, bình quân mỗi nhóm hộ được giao 213,2ha (mỗi hộ nhận khoảng hơn 10ha, mỗi nhóm khoảng 10 - 20 hộ; thu nhập 60 triệu đồng/nhóm hộ/năm). Kế tiếp là mô hình khoán rừng cho cộng đồng, thực hiện 2 năm (2016 - 2017).

img

Năm 2019 Qũy BVPTR Quảng Nam đã nhận ủy thác thu được hơn 77 tỷ đồng cho công tác bảo vệ rừng

Đến nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ A Vương, Sông Kôn đã chuyển đổi một số diện tích sang khoán theo hình thức cộng đồng. Tổng diện tích giao khoán là 7.390ha cho 22 cộng đồng; bình quân mỗi cộng đồng được nhận khoán diện tích 336ha.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh đang triển khai hình thức này với diện tích khoán 3.128ha/28 thành viên, thu nhập của đội BVR khoảng 500 triệu/năm. Hình thức giao khoán khác nữa là các chủ rừng tự bảo vệ. Hầu hết chủ rừng đều có một số diện tích tự bảo vệ nằm ở xa khu dân cư.

Các chủ rừng, dựa trên nguồn chi trả nhận được để hợp đồng một số lao động thực hiện. Các lao động này vừa trực tiếp bảo vệ diện tích rừng của ban tự quản lý vừa chịu trách nhiệm giám sát việc BVR của các nhóm hộ. Và, cuối cùng là hình thức tổ BVR chuyên trách mà tỉnh đang triển khai thí điểm ở nhiều chủ rừng.

Từ kết quả của các dự án thực hiện thí điểm do Ngân hàng ADB, tổ chức Trường Sơn Xanh, dự án thí điểm chi trả DVMTR về hấp thụ và lưu giữ các bon tài trợ, 6 năm qua Quảng Nam đã triển khai việc xây dựng 15 đề án chi trả DVMTR tại các lưu vực thủy điện, nơi thí điểm về hấp thụ và lưu giữ các bon, được UBND tỉnh phê duyệt.

Tổng diện tích lưu vực thuộc địa bàn 70 xã thuộc 11 huyện Núi Thành, Phú Ninh, Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Nông Sơn, Đại Lộc, Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang và Duy Xuyên.

Đưa công nghệ vào bảo vệ rừng.

Để bảo vệ rừng, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành QĐ số 580 ngày 7/2/2018 thành lập tổ công tác cấp tỉnh gồm các ngành nông nghiệp, tài nguyên - môi trường và Công an tỉnh, đã giúp phát hiện, điều tra, xử lý kịp thời các vụ phá rừng trọng điểm.

img

Quảng Nam đã đưa công nghệ vào để bảo vệ rừng

Ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết: từ chỉ đạo cứng rắn của UBND tỉnh, tình trạng phá rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể, nhất là các hành vi lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Ngược lại, cơ quan chức năng lại khởi tố hình sự nhiều hơn các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, cụ thể giai đoạn 2015 - 2018, mỗi năm số vụ khởi tố hình sự tăng hơn 18,4%.

“Gần đây, Chi cục đã tập trung chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các vụ phá rừng tại Tiên Phước, Nam Giang, Đông Giang, Bắc Trà My... Nhiều cá nhân, tập thể bị kiểm điểm, xử lý nghiêm do thiếu trách nhiệm, không phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm phá rừng…” - ông Tuấn nói.

Theo đó, từ năm 2016 đến nay, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng tây, BVR luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND quan tâm đúng mức. Có thể kể đến Nghị quyết số 05, ngày 17/8/2016 của Tỉnh ủy, về phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với định hướng thực hiện một số dự án lớn tại vùng tây tỉnh  giai đoạn 2016 - 2020 định hướng đến năm 2025; Nghị quyết số 06, ngày 4.11.2016 của Tỉnh ủy, về tăng cường công tác quản lý, BVR và tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Kế tiếp là Chỉ thị số 17, ngày 18.8.2015 về tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép; Chỉ thị số 15, ngày 20/12/2018 của UBND tỉnh, về tăng cường công tác kiểm tra, quản lý các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 14, ngày 3/1/2019 của UBND tỉnh, về phê duyệt kế hoạch hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2019 - 2020...

img

Lực lượng kiểm lâm Quảng Nam cùng lãnh đạo kiểm tra rừng

Ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết: kinh nghiệm của tỉnh Quảng Nam là thí điểm một số mô hình trước, không triển khai ồ ạt, sau đó đúc kết thực tiễn. Hình thức nào phù hợp, hiệu quả thì triển khai nhân rộng; ngược lại hình thức nào bất cập thì loại bỏ.

“Mỗi mô hình giao khoán đều có tính ưu việt, hạn chế riêng, nhưng hình thức thành lập tổ BVR chuyên trách có thể là xu hướng được lựa chọn, bởi hiệu quả nằm ở chỗ lực lượng tuần tra không đông nhưng đủ mạnh để giữ rừng”, ông Hưng nói.

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: “Để bảo vệ rừng tốt hơn, năm 2019 tỉnh Quảng Nam đã sắp xếp lại cơ bản và toàn diện các Hạt, trạm kiểm lâm theo hướng tách bạch rõ vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền của từng Hạt kiểm lâm theo địa bàn huyện, trừ 3 Hạt kiểm lâm liên huyện ở đồng bằng; giải thể, sáp nhập các trạm kiểm lâm, chỉ giữ những trạm ở vị trí xung yếu để tăng cường kiểm lâm về địa bàn xã; chuyển các BQL rừng phòng hộ về huyện để UBND huyện trực tiếp chỉ đạo các BQL này đồng thời với cả hệ thống chính trị tại địa phương.

Đặc biệt là hình thức và mức giao khoán có sự thay đổi căn bản sang ưu tiên cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách là những thanh niên địa phương bộ đội xuất ngũ, có sự tham gia của cộng đồng, chế độ bảo đảm các khoản lương và theo lương.

Ngoài ra, cũng khẩn trương triển khai dự án nâng cao năng lực giám sát rừng bằng công nghệ cao trong đầu năm 2020. Chắc chắn với sự cải tổ toàn diện và ứng dụng KHCN vào quản lý rừng như vậy thì năng lực quản lý rừng sẽ được nâng lên gấp nhiều lần so với hiện nay, chúng ta sẽ chủ động giữ rừng và cũng dễ quy trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân khi xảy ra phá rừng…”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem