Quảng Nam: Đường sá sạch đẹp, lại có của ăn của để, nông dân Đại Lộc phấn khởi

Đoàn Hồng - Trần Hậu Thứ bảy, ngày 16/10/2021 19:45 PM (GMT+7)
Những năm qua, xây dựng nông thôn mới (NTM) như một "làn gió mát" làm thay đổi nhanh chóng các vùng quê ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam). Đặc biệt, kinh tế phát triển đi lên, hàng trăm mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả đã giúp cho thu nhập của người dân tăng lên đáng kể và hộ nghèo giảm chỉ còn hơn 2%.
Bình luận 0

Niềm tự hào ở thôn, xã NTM kiểu mẫu

Về huyện Đại Lộc hôm nay, chứng kiến những con đường liên thôn, liên xã, liên huyện không chỉ được bê tông hóa, mà còn được thảm nhựa đã tạo nên cảnh quan, diện mạo nông thôn huyện Đại Lộc thêm phần tươi đẹp và khang trang hơn.

Quảng Nam: 10 năm xây dựng nông thôn mới, Đại Lộc thay đổi ra sao? - Ảnh 1.

Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, nhất là giao thông đã giúp cho huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam thay đổi diện mạo. Ảnh: Trần Hậu.

Ông Hồ Ngọc Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, qua hơn 10 năm xây dựng NTM mặc dù huyện Đại Lộc có xuất phát điểm thấp, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, có nhiều cách làm hay, sáng tạo nên chương trình xây dựng NTM ở Đại Lộc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

"Qua 10 năm xây dựng NTM, diện mạo huyện Đại Lộc nói chung và các xã nói riêng thay đổi từng ngày, các tuyến đường liên xã, liên thôn, đường ngõ, xóm được mở rộng và bê tông hóa. Đặc biệt, đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày được nâng lên, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn…", ông Võ Hy – một người dân ở thôn Phú Hải, xã Đại Hiệp tự hào nói.

Huyện Đại Lộc có 17 xã và 1 thị trấn, tất cả 17 xã đều triển khai xây dựng NTM.

Đến cuối năm 2020, toàn huyện có 13/17 xã đạt chuẩn NTM (chiếm tỷ lệ 76,47%), trong đó có xã Đại Hiệp đã được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao vào năm 2019 và công nhận đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu năm 2020.

Quảng Nam: 10 năm xây dựng nông thôn mới, Đại Lộc thay đổi ra sao? - Ảnh 3.

Trường học ở huyện Đại Lộc được xây dựng khang trang. Ảnh: Trần Hậu.

Tổng số tiêu chí đạt của các xã trên địa bàn huyện là 298 tiêu chí, bình quân tiêu chí đạt chuẩn cho một xã là 17,53 tiêu chí/xã, 16 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu.

 Dự kiến cuối năm 2021, có thêm xã Đại Quang đạt chuẩn xã NTM nâng cao, 2 thôn (Song Bình - Đại Quang, Quảng Đại - Đại Cường) đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu. Còn 4 xã chưa đạt chuẩn NTM gồm: Đại Sơn, Đại Thạnh, Đại Chánh, Đại Tân huyện tiếp tục xây dựng trong thời gian tới.

Quảng Nam: 10 năm xây dựng nông thôn mới, Đại Lộc thay đổi ra sao? - Ảnh 4.

Đại Lộc đã xây dựng được mô hình trồng cây ăn quả đem lại thu nhập cao cho người dân. Ảnh: Trần Hậu.

Theo ông Mẫn, điểm sáng lớn nhất của huyện Đại Lộc sau 10 năm xây dựng NTM là kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện đã được đầu tư, nâng cấp đồng bộ, nhất là hệ thống hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, dân sinh, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn.

Quảng Nam: 10 năm xây dựng nông thôn mới, Đại Lộc thay đổi ra sao? - Ảnh 5.

Hệ thống y tế tại các xã trên địa bàn huyện Đại Lộc được đầu tư đảm bảo khám chữa bệnh ban đầu cho người dân. Ảnh: Trần Hậu.

Ông Đỗ Thanh Cảng – Chủ tịch UBND xã Đại Hiệp cho biết, với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, sự đồng thuận của nhân dân, Đại Hiệp đã đạt chuẩn xã NTM vào 2014, đạt chuẩn xã NTM nâng cao đầu tiên của tỉnh Quảng Nam năm 2019. 

Đến năm 2020, Đại Hiệp được công nhận xã NTM kiểu mẫu, mở ra chặng đường mới trong quá trình "thay da đổi thịt" cho địa phương, hướng đến mục tiêu có một nền sản xuất phát triển, nhân dân có đời sống sung túc, làng xóm văn minh, sạch đẹp, quản lý xã hội dân chủ.

Quảng Nam: 10 năm xây dựng nông thôn mới, Đại Lộc thay đổi ra sao? - Ảnh 6.

Mô hình nuôi dúi của anh Tô Văn Bình (36 tuổi, xã Đại Chánh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) cho lãi hơn 200 triệu đồng mỗi năm, đang được huyện Đại Lộc nhân rộng. Ảnh: Trần Hậu.

Ông Trần Việt Phương – Trưởng phòng NNPTNT huyện Đại Lộc cho biết, xác định mục tiêu chính của xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, vì thế, ngoài việc chú trọng đầu tư hạ tầng cơ sở, Đại Lộc xác định đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất, chăn nuôi và trồng trọt.

Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mở rộng quy mô đầu tư xây dựng các sản phẩm chủ lực của địa phương mang tính hàng hóa mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, đẩy mạnh quy hoạch các khu công nghiệp giải quyết việc làm là yếu tố quan trọng nhằm nâng cao đời sống của nông dân, làm cho bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới.

Thời gian qua, Đại Lộc đã thực hiện Đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2020, đã tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân nông thôn phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, góp phần nâng cao thu nhập.

Quảng Nam: 10 năm xây dựng nông thôn mới, Đại Lộc thay đổi ra sao? - Ảnh 8.

Sản phẩm bánh tráng Đại Lộc của Hợp tác xã nông nghiệp Ái Nghĩa được công nhận OCOP 4 sao tỉnh Quảng Nam năm 2018. Ảnh: Trần Hậu.

Kinh tế phát triển ổn định, nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả, nhất là kinh tế vườn - rừng (trồng keo, cây ăn quả) đã giúp thu nhập của người dân Đại Lộc tăng lên đáng kể và hộ nghèo giảm mạnh. Đến cuối năm 2020, toàn huyện giảm còn 1.129 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,68%.

Qua 3 năm triển khai thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), đến cuối năm 2020, huyện Đại Lộc có 11 sản phẩm OCOP của 10 chủ thể được UBND tỉnh công nhận 3 sao trở lên, trong đó có 10 sản phẩm 3 sao, 1 sản phẩm 4 sao.

Đời sống sung túc, nông dân phấn khởi

Qua rà soát, đánh giá thì đến nay Đại Lộc đạt 5/9 tiêu chí huyện NTM. Các tiêu chí đạt bao gồm: Điện, thủy lợi, sản xuất, an ninh trật tự xã hội, chỉ đạo xây dựng NTM. Các tiêu chí chưa đạt gồm: Quy hoạch, giao thông, y tế - văn hóa - giáo dục, môi trường.

Quảng Nam: 10 năm xây dựng nông thôn mới, Đại Lộc thay đổi ra sao? - Ảnh 9.

Đại Lộc đang đầu tư xây dựng để hướng đến huyện NTM. Ảnh: Trần Hậu.

Ông Mẫn cho biết, giai đoạn 2021-2025, Đại Lộc xác định xây dựng huyện NTM là mục tiêu, nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương. 

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Đại Lộc tiếp tục triển khai Chương trình xây dựng NTM gắn với thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn và quá trình đô thị hóa đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và thôn NTM kiểu mẫu. Nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.

Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Quảng Nam: 10 năm xây dựng nông thôn mới, Đại Lộc thay đổi ra sao? - Ảnh 10.

Ngoài nông nghiệp,hiện nay Đại Lộc đang tập trung vào lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: Trần Hậu.

Mục tiêu đến năm 2025, Đại Lộc hoàn thành 4 xã còn lại đạt chuẩn NTM (Đại Thạnh, Đại Sơn, Đại Tân, Đại Chánh) đồng thời duy trì, nâng chuẩn cho 13 xã đã đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025 để nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM là 17 xã (đạt 100%).

Về xây dựng xã NTM nâng cao, phấn đấu đến cuối năm 2025, có thêm 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (Đại Quang, Đại Thắng, Đại Nghĩa, Đại Cường, Đại Phong, Đại Đồng, Đại Hòa), đồng thời duy trì 1 xã đã đạt chuẩn NTM nâng cao (Đại Hiệp) để nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 lên 8 xã, chiếm tỷ lệ 47%.

Quảng Nam: 10 năm xây dựng nông thôn mới, Đại Lộc thay đổi ra sao? - Ảnh 11.

Cuộc sống người dân Đại Lộc ngày càng sung túc nhờ Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi. Ảnh: P.L..

Phấn đấu đến cuối năm 2025, có thêm 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (Đại Quang 2024), đồng thời duy trì 1 xã đã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (Đại Hiệp) để nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 lên 2 xã, chiếm tỷ lệ 11,76%.

"Để đạt được mục tiêu xây dựng thành công huyện NTM vào năm 2025, huyện Đại Lộc còn rất nhiều việc phải làm, nhất là cần nguồn lực rất lớn để đầu tư hoàn thành các tiêu chí còn lại, đặc biệt là các tiêu chí "cứng" cần sự đầu tư. Vì vậy, Đại Lộc cần sự quan tâm hơn nữa của các ban, ngành cấp trên để huyện Đại Lộc xây dựng thành công huyện NTM…" , ông Mẫn kiến nghị.

Với khí thế và quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận của người dân, hi vọng rằng Đại Lộc sẽ cán đích huyện NTM vào năm 2025 theo đúng lộ trình đề ra.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem