Quảng Nam: Huy động hơn 1.239 tỷ đồng thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững

Tuyết Nhung - Trần Hậu Thứ tư, ngày 14/02/2024 05:25 AM (GMT+7)
Giai đoạn 2021-2023, tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước phân bổ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là hơn 1.239 tỷ đồng. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 5,57% (24.669 hộ nghèo), đạt 149,2% so với kế hoạch đề ra.
Bình luận 0

Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,57%

Trong 3 năm qua (2021-2023), các cấp, các ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã tích cực triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Quảng Nam: Huy động hơn 1.239 tỷ đồng thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững- Ảnh 1.

Với sự quan tâm đầu tư của cấp trên, huyện miền núi Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đổi thay từng ngày. Ảnh: T.H.

Ông Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: "Tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước phân bổ thực hiện trong 3 năm (2021-2023) trên địa bàn tỉnh là hơn 1.239 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hơn 1.100 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Quảng Nam hơn 130 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 12/2023, toàn tỉnh đã giải ngân vốn hơn 508 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 41,02%".

Nhiều dự án, tiểu dự án thuộc chương trình, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo được ban hành và triển khai thực hiện; các chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nhân rộng mô hình giảm nghèo... được đẩy mạnh thực hiện, bám sát nhu cầu thực tiễn của người dân.

Đặc biệt là tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mở rộng sản xuất, chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong giai đoạn 2021-2023, có 113.945 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi. Trong đó, đã cho hơn 41.700 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo vay vốn, doanh số cho vay 2.154,964 triệu đồng, tạo việc làm cho hơn 26.500 lao động, giúp 4.812 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn phục vụ học tập....

Các chính sách giảm nghèo của Trung ương và của tỉnh Quảng Nam đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 7,59% (33.127 hộ nghèo) năm 2021 xuống còn 5,57% (24.669 hộ nghèo) năm 2023, đạt 149,2% so với kế hoạch đề ra.

Quảng Nam: Huy động hơn 1.239 tỷ đồng thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững- Ảnh 2.

Mô hình kinh tế vườn rừng đã giúp gia đình bà Hồ Thị Nhé, người Bhnoong (dân tộc Giẻ-triêng) ở thôn 1, xã Phước Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, bình quân mỗi năm lãi hơn 150 triệu đồng. Ảnh: T.H.

Quảng Nam: Huy động hơn 1.239 tỷ đồng thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững- Ảnh 3.

Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Quảng Nam giảm còn 5,57%. Ảnh: T.H.

Bình quân mỗi năm giảm 1,01% (tương ứng giảm 4.229 hộ nghèo), trong đó tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân mỗi năm 7,92% (tương ứng giảm 3.402 hộ nghèo).

Những kết quả đạt được đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn mới.

Hỗ trợ 2 huyện Phước Sơn và Bắc Trà My thoát nghèo

Theo ông Tuấn, để đạt được kết quả như hiện nay chính từ sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, sự phối hợp chặt chẽ và quyết liệt của các ngành, đoàn thể và các địa phương. Mặc khác là các phương pháp và cách thức tổ chức triển khai thực hiện năng động, sáng tạo, sát với từng hộ nghèo nên hiệu quả mang lại thiết thực, toàn diện và bền vững trong công tác giảm nghèo.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 huyện nghèo là huyện Phước Sơn và Bắc Trà My đăng ký thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025.

Quảng Nam: Huy động hơn 1.239 tỷ đồng thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững- Ảnh 4.

Các mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt mới đã giúp người dân huyện miền núi Phước Sơn cải thiện thu nhập. Ảnh: T.H.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Quảng Nam ban hành rất nhiều chính sách hỗ trợ, ưu tiên bố trí vốn ngân sách để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các huyện miền núi; ưu tiên bố trí vốn theo nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Đồng thời, 2 huyện nghèo cũng tập trung ưu tiên nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, thực hiện hiệu quả mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin).

Do đó, mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo tại 2 huyện Phước Sơn và Bắc Trà My đạt và vượt so với chỉ tiêu đề ra. Đến năm 2025 thoát khỏi huyện nghèo là khả thi.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì hiện nay tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh Quảng Nam vẫn còn cao hơn mức bình quân chung của cả nước; một số dự án chưa phù hợp với thực tiễn; vẫn còn một bộ phận người dân, người nghèo có tư tưởng trông chờ ỷ lại, không muốn thoát nghèo để được hưởng chính sách giảm nghèo của nhà nước và hỗ trợ từ thiện của xã hội....

"Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình giảm nghèo, tỉnh Quảng Nam sẽ chú trọng công tác huy động nguồn lực để tăng cường hỗ trợ tổ chức, triển khai thực hiện đạt mục tiêu của Chương trình; phát động và phát huy hiệu quả phong trào thi đua "Quảng Nam chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau" và cuộc vận động "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng"....", ông Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem