Quảng Nam: Kiếm tiền triệu mỗi ngày nhờ làm thức bánh đón Tết đến, Xuân về, làm đến đâu bán hết
Quảng Nam: Kiếm tiền triệu mỗi ngày nhờ làm thức bánh đón Tết đến, Xuân về, làm đến đâu bán hết đến đó
Tuyết Nhung - Trần Hậu
Thứ ba, ngày 06/02/2024 05:51 AM (GMT+7)
Bà Nguyễn Thị Trang (68 tuổi, trú khối phố Hậu Xá, phường Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) là một trong số ít những người còn giữ nghề làm bánh tổ truyền thống dịp Tết. Để đáp ứng nhu cầu thị trường tăng cao dịp Tết Nguyên đán 2024, vợ chồng bà phải tất bật từ sáng sớm đến khuya.
Bánh tổ là một trong những loại bánh truyền thống được người dân Quảng Nam dâng lên bàn thờ tổ tiên các dịp lễ, Tết. Chính vì thế, bánh tổ luôn đắt hàng mỗi dịp Tết đến Xuân về và nhiều lò bánh phải hoạt động hết công suất.
Hơn 40 năm gắn bó với nghề làm bánh tổ, bà Nguyễn Thị Trang bộc bạch: "Tôi không biết rõ nghề làm bánh tổ có từ bao giờ, nhưng gia đình tôi đã có 2 thế hệ giữ nghề. Theo nhịp sống hiện đại, số hộ còn làm bánh tổ ở làng Hậu Xá giảm dần, chỉ có gia đình tôi là duy trì sản xuất bánh tổ quanh năm.
Riêng dịp Tết, tôi phải tăng cường sản xuất, làm tất bật từ tháng Chạp đến tháng Giêng mới hết mùa cao điểm. Tuy vất vả ngày đêm nhưng tôi vẫn cố gắng giữ nghề, với mong muốn trên bàn thờ tổ tiên ngày Tết của người dân xứ Quảng có chiếc bánh tổ cổ truyền".
Bánh tổ được làm từ hai nguyên liệu chính là nếp và đường bát (đường mía), ngoài ra còn có thêm gia vị là gừng và mè. Nếp được lựa chọn kỹ càng để tạo bột bánh dẻo, thơm và ngon hơn.
Nếp sau khi xay thành bột được trộn với nước đường bát đã thắng tới theo tỷ lệ hòa hợp. Mỗi nhà nghề có một bí quyết riêng để tính toán tỷ lệ trộn sao cho bột bánh không quá đặc hoặc bị lỏng, bánh tổ làm ra sẽ không ngon, không đẹp hoặc không để được lâu.
Sau đó cho thêm gừng xay nhuyễn để mang lại hương vị đặc trưng cho chiếc bánh tổ. Tiếp đến đổ hỗn hợp bột vào đài (khuôn) được làm bằng lá chuối, bên dưới lót rọ tre để giữ cho bánh tròn, không bị méo.
Bà Trang cho biết, làm bánh tổ không khó, nhưng phải tỉ mỉ trong từng công đoạn. Từ khâu chọn nguyên liệu phải ngon, đến làm đài sao cho kín kẽ, tròn trịa như một tổ chim để giữ được bột bánh và biết cách nấu nước đường vừa thắng tới. Đặc biệt là cách pha trộn tỷ lệ giữa bột, nước và đường, phải qua rất nhiều lần thử thì bà mới thu được công thức riêng cho mình.
Bánh tổ được hấp cách thủy trong khoảng 5 tiếng với lửa to, đỏ đều để bánh chín tới, không bị sượng. Lúc vừa vớt ra, bà Trang rắc một ít mè lên trên mặt bánh tổ để lớp mè dính chặt hơn.
Dịp cận Tết, trung bình mỗi ngày gia đình bà Trang làm ra hơn 1.000 chiếc bánh tổ và 100 chiếc bánh tét, được tiểu thương ở Quảng Nam và Đà Nẵng đến tận nhà đặt mua. Nhờ đó bà có thêm thu nhập hơn 1 triệu đồng mỗi ngày, cũng từ nghề làm bánh truyền thống mà bà nuôi các con ăn học tử tế, đời sống khấm khá.
Bà Trang chia sẻ: "Năm nay chi phí nguyên liệu tăng cao nên giá bánh cũng tăng nhẹ, dao động 25.000-30.000 đồng/chiếc. Vào dịp cao điểm Tết, cả gia đình làm không ngơi tay từ sáng sớm đến khuya và phải thuê thêm người phụ. Tuy vất vả, thiếu ngủ, nhưng nhìn các đơn bánh làm đến đâu bán hết đến đó tôi cũng phấn khởi lắm".
Ông Võ Hưng (70 tuổi) tâm sự: "Ngày xưa làm bánh tổ rất công phu, nhưng nay nhiều công đoạn đã được máy móc thay thế, vì thế người làm cũng đỡ cực nhọc hơn, nhưng công đoạn làm đài thì phải làm bằng tay. Mỗi chiếc đài có 4 lớp lá chuối xếp chồng lên nhau, 2 mép lá được ghim kín bằng tăm và đặt trên một cái rọ tre để cố định bánh khi đưa vào nồi hấp.
Điều đặc biệt ở bánh tổ là để lâu bánh không bị hư mà càng thêm dẻo ngọt, đậm đà và phải chiên thì khi ăn mới cảm nhận hết độ ngon của chiếc bánh tổ dẻo ngọt, béo bùi, cay thơm".
Dù hiện nay trên thị trường có nhiều loại bánh đa dạng mẫu mã và bắt mắt, nhưng trong tâm khảm của những người con xứ Quảng, bánh tổ là món đặc sản không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết, được dâng lên bàn thờ tổ tiên để cầu mong an lành, may mắn, gia đình đoàn viên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.