Quảng Nam: Nuôi cá lồng bè hướng đến VietGAP

Huyền Trang Thứ năm, ngày 31/07/2014 02:22 AM (GMT+7)
Với diện tích mặt nước đến 100ha, với 75 lồng bè, huyện Đại Lộc có tiềm năng phát triển nghề nuôi cá nước ngọt lồng bè lớn nhất tỉnh Quảng Nam. 
Bình luận 0

Để từng bước đa dạng hóa đối tượng, hình thức nuôi, Đại Lộc tiếp tục nhân rộng mô hình và thí điểm nuôi cá lồng bè hướng đến Vietgap.

Quảng Nam có trên 5.000ha ao nuôi thủy sản nước ngọt được nuôi theo nhiều hình thức như hộ gia đình, nuôi theo mô hình VAC, nuôi ghép nhiều loại cá... Với hình thức “Nông dân làm, Nhà nước hỗ trợ” được thực hiện từ năm 2012, hoạt động nuôi trồng thủy sản đã đạt nhiều kết quả tốt.

Tận dụng diện tích lòng hồ đập Khe Tân, đập Trà Câu, bàu Sấu, Thạch Bộ, ngành nông nghiệp huyện Đại Lộc triển khai mạnh nuôi cá lồng bè, chuyển đổi vật nuôi, tăng lợi nhuận cho người nuôi. Ông Nguyễn Văn Quang – Phó Phòng Nông nghiệp cho biết: “Hiện nay trên địa bàn huyện Đại Lộc có 75 lồng bè, trong đó hồ Khe Tân có 54 lồng, sản lượng mỗi lồng 4 tấn/vụ, sản lượng mỗi năm đạt 600 tấn/75 lồng. Việc nuôi cá nước ngọt lồng bè được xem là thế mạnh của huyện, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững. Nhờ nuôi cá mà nhiều nhà có điều kiện xây nhà, lo cho con học đại học...”.

Đại Chánh là một trong nhiều xã có số lồng bè nuôi cá lớn nhất. Ông Võ Ngọc Huệ - Phó Chủ tịch UBND xã cho hay, xã hiện có 5 hộ nuôi cá lồng bè tại Khe Tân với 54 lồng, thu nhập mỗi lồng khoảng 120 triệu đồng/năm. Mô hình nuôi cá điêu hồng lồng bè của anh Trương Văn Xuyên (thôn Thạch Phú) có hơn 10.200 con cá điêu hồng ở 6 lồng.

Anh Xuyên cho biết: “Cứ 6 tháng xuất bán một lần, mỗi năm thu về khoảng 200 triệu đồng, lãi ròng 100 triệu đồng”. Anh nói, năm 2009, lần đầu tiên thả nuôi với số lượng 15.000 con, do bị ảnh hưởng nguồn nước và phương pháp nuôi chưa đúng, cá trong lồng chết hết. Nhìn những con cá trắng bệch nổi trên mặt nước, anh ứa nước mắt... Không nản chí, anh nuôi lại. Năm 2013, bão lại đánh sập hết các lồng bè. Anh phải làm lại từ đầu. Qua một năm, giờ đây anh Xuyên có nhà mới từ nuôi cá.

Hộ anh Trương Văn Lành (thôn Thạch Phú, xã Đại Chánh) có 13 lồng bè, thả nuôi khoảng 6.000 con cá giống/lồng, cứ 6 tháng xuất bán một lần, lãi ròng mỗi năm khoảng 104 triệu đồng. Anh cho biết: “Cá điêu hồng nuôi khá dễ, ít bệnh, công chăm sóc không nhọc, thu nhập cao”.

Ông Nguyễn Văn Quang cho biết: “Phòng NNPTNT huyện đã phối hợp với Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Quảng Nam hỗ trợ cho dân nuôi thí điểm mô hình cá điêu hồng theo tiêu chuẩn VietGAP ở hồ Khe Tân. Theo đó, hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 17.000 con cá giống điêu hồng cùng chi phí đầu tư 4 lồng, được hướng dẫn kỹ thuật nuôi...”.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem