Quảng Nam: Ồ ạt phá rừng làm rẫy

Thứ sáu, ngày 03/06/2011 13:59 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cuối tháng 5, đầu tháng 6, vào mùa rẫy, nhiều ha rừng ở huyện núi cao Nam Trà My lại gục ngã bởi bàn tay dân địa phương. Họ không phải lâm tặc, phá rừng không phải để lấy gỗ mà để lấy đất trồng lúa rẫy.
Bình luận 0

Cuối tháng 5, trong cái nắng oi bức của mùa hè, chúng tôi đến thôn 3 xã Trà Mai, người như bị “nướng chín” bởi những khu rẫy vẫn còn nghi ngút khói được đốt từ tối hôm trước. Những thân cây gỗ với đường kính từ 40 - 50cm đang nằm bốc khói trên những vạt rừng cháy đen. Đây là khu vực có diện tích rừng đang tái sinh, chủ yếu là cây chò, chua… Theo quan sát của chúng tôi, tại Trà Mai có hơn 5ha rừng tái sinh bị người dân ngang nhiên chặt hạ và đốt trụi.

img
Rừng bị chặt phá trên rẫy của hộ Lê Quốc Tiến.

Cách rừng cháy không xa, khu rẫy của anh Phạm Thanh Bình (thôn 3) đang được dọn dẹp sạch sẽ để chuẩn bị xuống giống. Mùa rẫy này, gia đình anh Bình có hơn 3ha đất tỉa lúa, bắp, điều này đồng nghĩa với việc anh đã đốt đi 3ha rừng. Anh nói rằng, gia đình có 6 miệng ăn, không mở rộng đất rẫy thì đói. “Phá rừng mình biết là vi phạm pháp luật chứ. Nhưng không phá rừng thì không có đất tỉa lúa, tỉa bắp được” - anh Bình giải thích đơn giản.

Bên cạnh rẫy anh Bình là rẫy anh Lê Quốc Tiến. Anh này đang cặm cụi tỉa lúa. Những thân gỗ to vẫn còn nằm ngỗn ngang trên đất rẫy của anh, có lẽ cháy không cháy hết. “Rẫy của mình hết rồi nên phải phát rẫy mới thôi. Không phát lấy đất đâu mà làm ăn. Chừ mình trồng lúa, sau này mình trồng cây khác. Kiểm lâm đã biểu mình đăng ký sau này phải trồng keo, quế trên đất này” – anh Tiến nói.

Tình trạng đốt phá rừng làm rẫy này chắc chắn kiểm lâm địa bàn biết nhưng chưa thấy trường hợp nào bị lập biên bản hay xử lý. Tình trạng này diễn ra không chỉ ở Trà Mai mà phổ biển ở nhiều xã trong huyện núi cao này.

Theo tập tục canh tác của đồng bào miền núi Nam Trà My từ xa xưa, và buồn thay vẫn tồn tại đến hôm nay, là sau khi chặt phá, đốt trụi rừng để lấy đất, bà con chỉ sản xuất đúng 3 mùa rẫy trên đất này rồi bỏ để đi phá rừng, đốt rừng tìm đất mới.

Tình trạng du canh này đã diễn ra từ xa xưa khi rừng Nam Trà My còn bạt ngàn và được duy trì đến tận hôm nay, khi rừng chỉ còn mang tính tượng trưng. Đồng bào cho rằng, đất rẫy mà canh tác liên tục sẽ xấu đi. Không ai chịu làm đất xấu, và để có đất tốt thì vào rừng phá, đốt. Vì thế hiện tại ở Nam Trà My có hàng nghìn ha đất rẫy cũ trên các triền đồi không sử dụng để cho cây tạp, tre nứa, lồ ô mọc xanh um.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem