Quảng Nam: Phát triển du lịch xanh, 60 doanh nghiệp ký cam kết không rác thải

Trương Hồng - Trần Hậu Thứ bảy, ngày 26/03/2022 14:17 PM (GMT+7)
Để phát triển du lịch, Quảng Nam cũng đặc biệt chú trọng đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số kết hợp với các di tích lịch sử, văn hóa, các giá trị đặc trưng của các làng nghề truyền thống, khu bảo tồn thiên nhiên để phát triển du lịch cộng đồng...
Bình luận 0

Quảng Nam phát triển du lịch xanh - Gìn giữ giá trị bản địa 

Sáng 26/3, tại TP. Hội An (Quảng Nam) UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức hội thảo "Quảng Nam phát triển du lịch xanh - Gìn giữ giá trị bản địa" và "Lễ công bố Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam". Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Bộ VHTTDL, Tổng Cục Du lịch, đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Bộ KHĐT, UBND tỉnh Quảng Nam, Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam cùng các chuyên gia du lịch, lãnh đạo các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch, bất động sản xanh...

Quảng Nam: Phát triển du lịch xanh gắn với gìn giữ giá trị bản địa - Ảnh 1.

Quan cảnh hội thảo Quảng Nam phát triển du lịch xanh (Ảnh: T.H)

Ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: "hội thảo "Quảng Nam phát triển du lịch xanh - Gìn giữ giá trị bản địa và Lễ công bố Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam" là hành động thiết thực mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới; Là cơ hội để Quảng khẳng định vai trò, ý nghĩa và bàn thảo các nhiệm vụ, giải pháp du lịch xanh, thúc đẩy phục hồi, phát triển du lịch; đẩy mạnh quá trình cơ cấu thị trường du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, du lịch xanh, kích cầu du lịch với mục tiêu phát triển du lịch bền vững".

Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam cho rằng: Du lịch xanh là bước đi đột phá, sáng tạo, hướng tới ý nghĩa nhân văn, chia sẻ lợi ích, bảo vệ môi trường, gìn giữ giá trị văn hóa - di sản và tài nguyên thiên nhiên…

Quảng Nam: Phát triển du lịch xanh gắn với gìn giữ giá trị bản địa - Ảnh 2.

Du lịch sông nước tại Hội An được phát triển mạnh, thu hút rất nhiều du khách đến tham quan (Ảnh: T.H)

"Chẳng hạn như nhắc đến lịch sử văn hóa lúa nước hàng ngàn năm, chính cây lúa đang "ngậm sữa" là một nguồn sống văn hóa vĩ đại, chứa đựng những tiềm năng du lịch vô giá đã ban tặng cho chúng ta, cũng là hấp lực đối với khách quốc tế. Việc khuyến khích du lịch nông nghiệp cũng sẽ gợi mở hướng đi cho phát triển dịch vụ từ hoạt động nông nghiệp hữu cơ, mô hình sinh thái thuận và nương tựa vào tự nhiên.

Các hoạt động du lịch, dịch vụ trên phương diện này sẽ tạo cơ hội cho sự đồng hành, chia sẻ trách nhiệm của du khách đối với việc bảo vệ môi trường, lợi ích cộng đồng và bảo tồn văn minh nông nghiệp, giá trị văn hóa đặc trưng của Quảng Nam, góp phần đưa những giá trị xưa cũ vào tương lai", ông Thanh nói.

Quảng Nam: Phát triển du lịch xanh gắn với gìn giữ giá trị bản địa - Ảnh 3.

Quảng Nam phát triển du lịch xanh gắn với gìn giữ giá trị bản địa (Ảnh: T.H)

Phát triển du lịch xanh, 60 doanh nghiệp ký kết không rác thải

Ông Nguyễn Xuân Hà - Giám đốc Công viên Ấn tượng Hội An cho biết, thời gian gần đây, có thể bạn đã bắt gặp nhiều tour du lịch được quảng cáo là "du lịch xanh". Việc phát triển du lịch xanh là thực sự cần thiết, đây cũng nên là định hướng lâu dài cho du lịch Việt Nam trong điều kiện đầy biến động của môi trường.

"Các chuyên gia cho rằng, để "chữa lành vết thương" Covid-19, ngoài việc cố gắng đưa du lịch phục hồi như trước đại dịch, hãy nghĩ đến những cách làm du lịch bền vững hơn, nhân bản hơn.

Trong tình hình tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, môi trường bị tàn phá nặng nề, cả con người và động thực vật đều bị đe dọa nghiêm trọng. Những năm gần đây, trái đất đã phải gánh chịu những cơn giận dữ của mẹ thiên nhiên. Vì vậy, việc hình thành du lịch xanh là tất yếu, là phương pháp cứu vãn tương lai cho phát triển bền vững của Du lịch Việt Nam.

Không chỉ mang ý nghĩa với thiên nhiên mà nó còn mang lại nguồn lợi kinh tế vô cùng to lớn, nâng cao cơ hội việc làm cho những người dân ở vùng núi, vùng sâu vùng xa nơi khó khăn nhưng lại có bề dày văn hóa và cảnh quan thiên nhiên hoang sơ", ông Hà nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Hà, mô hình phát triển du lịch xanh sẽ là một xu thế du lịch tất yếu trong tương lai. Với nhận thức cần phải đón đầu xu thế du lịch này, cộng đồng doanh nghiệp du lịch tại Quảng Nam đã có những bước chuyển mình, đầu tư phát triển mô hình du lịch xanh gắn với cộng đồng dân cư và bước đầu đã được cộng đồng du lịch trong nước và quốc tế ghi nhận.

Chẳng hạn như Hội An hiện có trên 60 doanh nghiệp ký cam kết không rác thải, phấn đấu đến năm 2025 ít nhất 70 - 100 đơn vị có chứng nhận nhãn du lịch xanh, hướng tới chuẩn bị hành lang pháp lý đệ trình chứng nhận Hội An là điểm đến du lịch xanh. 

Đây chính là việc làm hữu ích để xây dựng và giữ vững hình ảnh Hội An trong lòng du khách. Đặc biệt trong năm 2022, tỉnh Quảng Nam được chọn làm địa phương đăng cai năm du lịch Quốc gia, sản phẩm du lịch xanh được "trình làng" lại càng có ý nghĩa hơn. 

Quảng Nam: Phát triển du lịch xanh gắn với gìn giữ giá trị bản địa - Ảnh 4.

Ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại Hội thảo “Quảng Nam phát triển du lịch xanh" (Ảnh: T.H)

"Trong bối cảnh ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, nhiều ý tưởng tìm cách vực dậy thương hiệu du lịch Quảng Nam trong thời gian qua đều không thể triển khai thực hiện được. 

Chúng tôi cùng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã rất trăn trở về việc góp phần hỗ trợ khôi phục lại ngành du lịch Quảng Nam vốn rất giàu các giá trị tự nhiên, lịch sử và văn hóa bản địa, sẵn sàng tâm thế để trở lại đón du khách hậu Covid-19. Đây cũng là lý do cho ý tưởng thành lập Câu lạc bộ điểm đến Quảng Nam - gìn giữ giá trị bản địa", ông Hà nói.

Ông Nguyễn Xuân Hà nhấn mạnh thêm, du lịch đa dạng của tỉnh Quảng Nam trải dài từ phố cổ Hội An như Đảo Ký ức Hội An, Công viên Đất nung Thanh Hà, Làng Lụa đến khu vực ven bãi biển Tân Thành, hay từ Hội An đến Khu đền Tháp Mỹ Sơn, Cổng Trời Đông Giang, dãy Trường Sơn; hoặc từ đến khu vực hồ Phú Ninh ngược lên Tiên Phước tham quan làng Cổ Lộc Yên...

"Để tạo nên sức mạnh cho du lịch Quảng Nam thời gian tới, chúng tôi quyết tâm bắt tay cùng nhau, để có thể đi xa hơn và cùng đồng nhất một định hướng để Quảng Nam không chỉ là một điểm đến hấp dẫn về chất lượng dịch vụ mà còn là điểm đến đáng để khám phá vì những giá trị tự nhiên và văn hóa lịch sử bản địa rất đặc trưng", ông Hà chia sẻ.

Quảng Nam: Phát triển du lịch xanh gắn với gìn giữ giá trị bản địa - Ảnh 5.

Nhiều vùng quê ở Quảng Nam được đưa vào phát triển du lịch (Ảnh: Điện Bàn)

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam cho biết, Quảng Nam là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế về tài nguyên đa dạng và phong phú để phát triển du lịch, nổi bật với 2 di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An, Khu Đền tháp Mỹ Sơn và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An.

Năm 2019, Quảng Nam đón hơn 7,6 triệu lượt khách. Thương hiệu du lịch Quảng Nam - Hội An, Mỹ Sơn được 35 các tổ chức, tạp chí du lịch uy tín trên thế giới bình chọn nhiều giải thưởng danh giá.

"Để có quyết định chuyển hướng mạnh mẽ này ngành du lịch đã ấp ủ ý tưởng từ vài năm trước cùng với sự đồng hành thử nghiệm của doanh nghiệp và cộng đồng qua vài dự án cho kết quả khả thi như mô hình nông nghiệp hữu cơ tại làng Thanh Đông; mô hình tái chế rác thải du lịch thành sản phẩm thông dụng trong đời sống tại làng du lịch cộng đồng Gò Nổi, An Nhiên farm; sản phẩm thảo mộc vì sức khỏe (chuỗi tuần hoàn từ nguyên liệu đến thành phẩm) của An Farm; sản phẩm điêu khắc quà tặng du lịch được tái chế từ rác thải biển của Coco Casa; tour du lịch xanh tuần hoàn và tái chế của Sea'lavie Boutique Resort & Spa...

Chuỗi sản phẩm du lịch xanh đang được kỳ vọng là hướng phát triển tiềm năng của tỉnh Quảng Nam nói chung và Hội An nói riêng. Không chỉ thân thiện với môi trường, mô hình này còn giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh và thu hút du khách. Để tiếp tục phát huy lợi thế tiềm năng du lịch của tỉnh, bước đầu định vị hướng đi cần phải đúng ngay từ lúc sơ khai khi tỉnh xác định chuyển hướng làm du lịch xanh", ông Hồng nhấn mạnh.

Quảng Nam: Phát triển du lịch xanh gắn với gìn giữ giá trị bản địa - Ảnh 6.

Một ý tưởng du lịch xanh được làm từ cái lò gạch cũ nứt tiếng thu hút khách tìm đến với Quảng Nam (Ảnh: Đỗ Vũ)

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Hồng, trong tương lai chúng ta cần thực hiện tốt công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư phát triển du lịch.

Chẳng hạn như triển khai thực hiện dự án Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Mỹ Sơn và Quy hoạch đầu tư tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di sản văn hóa Thế giới Đô thị cổ Hội An gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2012 - 2025. Định hướng phát triển du lịch kết hợp phía Bắc, phía Nam, phía Tây của tỉnh liên kết phát triển du lịch với Đà Nẵng, khu vực Tây Nguyên và các tỉnh lân.

Tập trung đầu tư phát triển Hội An thành đô thị du lịch tiêu biểu của cả nước; Cù Lao Chàm trở thành khu du lịch quốc gia; Mỹ Sơn thành điểm du lịch quốc gia. Hoàn thành khai thông, nạo vét sông Cổ Cò phục vụ phát triển tuyến du lịch Hội An - Đà Nẵng; thu hút đầu tư phát triển núi Bằng Am trở thành khu du lịch mới.

Bên cạnh đó, cần tập trung thu hút đầu tư, hình thành trung tâm tổ chức hội nghị, triển lãm, mua sắm, thể thao, giải trí quy mô lớn, hiện đại; thu hút đầu tư vào Cảng hàng không Chu Lai, các cảng biển tại Núi Thành để tạo dựng thương hiệu cho du lịch Quảng Nam và đón khách hàng không lẫn tàu biển. Hình thành tuyến du lịch đường sông, đường biển kết nối các đảo Cù Lao Chàm, Tam Hải và các điểm du lịch ven biển, kết nối phát triển và mở rộng tour đến Lý Sơn (Quảng Ngãi) thông qua hệ thống cảng biển, bến sông; bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn tại Núi Thành để phát triển du lịch.

"Để phát triển du lịch, Quảng Nam cũng đặc biệt chú trọng đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số kết hợp với các di tích lịch sử, văn hóa, các giá trị đặc trưng của các làng nghề truyền thống, khu bảo tồn thiên nhiên để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm, khám phá, nghỉ dưỡng nhằm giảm tải cho khu vực di sản, đa dạng hóa sản phẩm du lịch của tỉnh và cân bằng phát triển du lịch giữa các vùng trong tỉnh", ông Hồng chia sẻ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem