Bán 2, nhận tiền 1
Bà Lê Thị Dụ (thôn An Tây, xã Phổ Nhơn) vừa thu hoạch hơn 4 sào mía, được 15 tấn mía cây đem bán cho Nhà máy Đường Phổ Phong (Đức Phổ). Vụ này, mía được giá, bà mừng thầm khi nghe số tiền đến hơn 12 triệu đồng. Thế nhưng lúc thanh toán, nhà máy chỉ trả bà có 5,4 triệu đồng, bà thắc mắc thì được giải thích là do trừ nợ.
|
Chất mía lên xe để chuyển về nhà máy. |
Theo bà Võ Thị Ngọc- Chủ tịch UBND xã Phổ Nhơn, có 60 hộ dân trong xã lâm vào tình trạng như bà Dụ, bán mía cho nhà máy 2 thì chỉ nhận được tiền 1. Người trồng mía đã bị trừ tiền oan.
Theo đó, vào năm 2007, UBND tỉnh Quảng Ngãi có Quyết định 38, hỗ trợ đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía, cụ thể là đầu tư cải tạo đất và hỗ trợ giống cho một số hộ nông dân làm mía nguyên liệu. Khoản đầu tư này do tỉnh chi nhưng thời điểm đó, tỉnh kêu gọi nhà máy đầu tư rồi sẽ thanh toán lại cho nhà máy sau. Thế nhưng đến nay, tỉnh chưa thanh toán, và nhà máy đã bắt người trồng mía phải gánh khoản nợ thay tỉnh.
Nông dân rất bức xúc vì cách giải quyết này. Bà Phan Thị Minh Thủy, bị trừ 4 triệu đồng tiền "nợ", phản ứng: "Khi vận động dân trồng mía thì nhà máy nói là Nhà nước hỗ trợ kinh phí đầu tư giống, cải tạo đất, dân chỉ cần bỏ công sức ra làm. Dân nghe ngon ngọt, hăng hái tham gia, thậm chí một số gia đình còn phá bỏ hoa màu để trồng mía. Bây giờ lại lật lọng với dân".
Ông Trần Sinh (ở thôn An Lợi) ngán ngẩm: Nghe lời cán bộ nhà máy mà gia đình tui phá gần 3 sào mè để trồng mía. Lợi đâu chẳng thấy, bây giờ lại bị trừ tiền, lỗ vốn. Như vậy thì còn biết tin ai?
Tỉnh hứa, nông dân gánh
Khi hay tin, chúng tôi đến HTX chuyên canh mía Phổ Nhơn, hàng chục hộ dân vây quanh bày tỏ bức xúc. Một người đàn ông phẫn nộ: Có lẽ tui châm lửa đốt mía chứ trừ tiền kiểu này thì nhận được mấy đồng không đủ trả công chặt mía. Bà Lê Thị Dụ gay gắt: Lần ni tui chuyển qua trồng mì hoặc bỏ đất hoang chứ nhất định không trồng mía nữa.
Năm 2007, UBND tỉnh Quảng Ngãi có Quyết định 38, hỗ trợ đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía. Thế nhưng đến nay tỉnh chưa thanh toán, và Nhà máy Đường Phổ Phong bắt nông dân phải gánh.
Hàng chục hộ dân khác kéo đến trụ sở UBND xã Phổ Nhơn khiếu nại. Sau một hồi giải thích và gọi điện thoại "cầu cứu" lãnh đạo huyện trước sự chứng kiến của mọi người, bà Võ Thị Ngọc - Chủ tịch UBND xã mới làm dịu bớt sự giận dữ của người dân. Theo bà Ngọc, tình trạng này đã xảy ra một lần vào năm 2010.
Lúc đó cũng vì bị trừ tiền oan ức mà dân đã kéo đến xã. Xã phải cầu cứu huyện, tỉnh. Lúc đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi phải tổ chức cuộc họp khẩn cấp để giải quyết vụ việc.
Tại cuộc họp, ông Trương Ngọc Nhi-Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu nhà máy dừng ngay việc trừ tiền bán mía của dân, đồng thời trả lại số tiền đã trừ trước đó. Về các khoản hỗ trợ theo Quyết định 38, tỉnh sẽ hỗ trợ qua huyện.
Thế nhưng, do tỉnh chậm thực hiện lời hứa của mình mà tình trạng nhà máy chặn tiền nông dân lại tiếp tục xảy ra trong năm nay. Người trồng mía lại tiếp tục trần lưng ra chịu.
Đức Cường
Vui lòng nhập nội dung bình luận.