Lợn Móng Cái là giống thuần chủng của Quảng Ninh, được nuôi từ lâu đời, hiện là sản phẩm OCOP cấp tỉnh và định hướng trở thành sản phẩm OCOP cấp Quốc gia. “Bão” dịch tả lớn châu Phi xuất hiện ở Quảng Ninh, đã quét sạch 2/5 cơ sở bảo tồn giống lợn quý hiếm này, với số lượng hàng trăm con đã bị chết.
Lợn Móng Cái là giống thuần chủng của Quảng Ninh, hiện là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Ảnh: Nguyễn Quý.
Trước mối đe dọa trực tiếp từ dịch tả lợn châu Phi, các đơn vị chuyên môn của Quảng Ninh đã đưa ra nhiều phương án bảo tồn giống gốc lợn Móng Cái. Trong đó, hồi đầu tháng 6/2019 có tính chuyện đưa gần 1.700 con lợn Móng Cái thuần chủng ra các đảo Hòn Gạc (thành phố Cẩm Phả) và Thẻ Vàng (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh), cách bờ chừng 20 km, để bảo tồn. Tuy nhiên, phương án này ngay sau đó bị hủy bỏ.
Lý do, theo ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y Quảng Ninh: “Sau khi phân tích cùng với sự tham gia của các chuyên gia, chúng tôi quyết định không thực hiện phương án này. Lý do là về nguyên tắc phòng dịch là hạn chế di chuyển đàn lợn. Trong khi ra một khu nuôi mới ở ngoài đảo cũng không có thức ăn, phải đưa từ đất liền vào. Nhỡ ra đến đảo lại nổ ra dịch thì lại càng gay nữa. Từ khâu trách nhiệm, đến xử lý lợn dịch ngoài đảo như thế nào sẽ hết sức phức tạp”.
Lợn Móng Cái được nuôi tại Công ty TNHH MTV Phát triển nông, lâm ngư Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Quý.
Ngay sau đó, một phương án táo bạo được đưa ra là Quảng Ninh sẽ phối hợp với Viện Chăn nuôi thực hiện bảo tồn giống lợn Móng Cái bằng trữ tinh dịch, phôi dưới dạng đông lạnh; tái tạo lợn giống bằng thụ tinh nhân tạo. Theo dự toán của đơn vị chuyên môn, phương án này có tổng đầu tư gần 6 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh. Trong đó, đơn vị chủ đầu tư là Sở NN&PTNT, đơn vị thực hiện là Viện chăn nuôi, đơn vị tham gia và thụ hưởng là 5 doanh nghiệp nuôi lợn trên.
Việc thực hiện theo 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 là sử dụng kỹ thuật cao lựa chọn con giống bố, mẹ sạch bệnh, chất lượng tốt; tiến hành khai thác và trữ tinh, phôi dưới dạng đông lạnh; bảo tồn tinh, phôi đông lạnh. Giai đoạn 2 (thực hiện sau khi hết dịch) là tái tạo lợn giống Móng Cái bằng thụ tinh nhân tạo từ tinh bảo tồn, cấy trồng phôi thai bảo tồn. Mục tiêu khai thác và bảo tồn dưới dạng đông lạnh 600 liều tinh, 1.020 phôi giống lợn Móng Cái; 1.434 con sinh ra từ tinh đông lạnh, 100 con sinh ra từ phôi bảo tồn đông lạnh.
Ước tính của cơ quan chuyên môn, hiện số lợn lái và đực giống Móng Cái an toàn, sạch bệnh, chất lượng tốt còn chưa tới 1.000 con. Ảnh: Nguyễn Quý.
Hiện Viện Chăn nuôi đã đưa ra phương án chi tiết, dự toán kinh phí; UBND tỉnh đang giao Sở Tài chính thẩm định, dự nguồn để chi trả. Tuy nhiên, phương án này hiện cũng đang vấp phải rào cản. Theo đại diện Sở Tài chính, khâu này hiện đang gặp khó, cần phải có nhiều ngành để thẩm định lại các hạng mục, trên cơ sở thuyết minh của đơn vị thực hiện, bởi hiện Trung ương chưa có các tiêu chí, định mức kỹ thuật, quy định cụ thể để lấy đó làm căn cứ thẩm định, phê duyệt kinh phí.
“Sở đang làm văn bản báo cáo lại UBND tỉnh về tiến độ công việc, từ đó xin ý kiến chỉ đạo. Phương án trữ tinh dịch, phôi dưới dạng đông lạnh; tái tạo lợn giống bằng thụ tinh nhân tạo đã được các chuyên gia của Viện Chăn nuôi đã áp dụng rất thành công trên con bò, đối với con lợn đã áp dụng thành công tại Quảng Ngãi và Cao Bằng. Chúng tôi tin tưởng đây là phương án tối ưu trong thời điểm này để bảo tồn giống lợn Móng Cái” – ông Đông nói.
Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ninh: Toàn tỉnh có khoảng gần 30.000 con lợn nái và đực giống lợn Móng Cái, chủ yếu nằm trong các nông hộ. Trong cơn “bão” dịch tả lợn châu Phi, số lợn này đã bị giảm sút nghiêm trọng. Ước tính của cơ quan chuyên môn, hiện số lợn lái và đực giống Móng Cái an toàn, sạch bệnh, chất lượng tốt, đảm bảo các tiêu chí để sinh sản lợn thuần chủng hoặc làm nền để lai với lợn ngoại còn chưa tới 1.000 con và đều nằm ở các trại lợn lớn của doanh nghiệp.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.