Quảng Ninh: Các chỉ tiêu “hầu hết đạt và vượt”

Thứ năm, ngày 25/07/2013 08:12 AM (GMT+7)
Nhờ được triển khai quyết liệt, chủ động, sáng tạo với cách làm riêng và phù hợp đặc điểm tình hình của địa phương, Quảng Ninh đã đạt kết quả bước đầu rất quan trọng, nông thôn mới phát triển bền vững.
Bình luận 0
Trao đổi với phóng viên NTNN về ý nghĩa của Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với Quảng Ninh, ông Trương Công Ngàn – Trưởng ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh cho biết:

“Thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TƯ, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Chương trình hành động số 22-Ctr/TU ngày 15.10.2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là quyết tâm chính trị của tỉnh Quảng Ninh nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện, xây dựng Quảng Ninh cơ bản thành tỉnh công nghiệp và tỉnh NTM vào năm 2015.

Chủ trương này đã tạo ra cú hích cho kinh tế nông thôn phát triển, đời sống của nhân dân vùng nông thôn Quảng Ninh được cải thiện rõ rệt và ngày càng nâng cao; diện mạo làng quê ngày càng khang trang, sạch đẹp; xã hội nông thôn ngày càng dân chủ. Hệ thống chính trị ngày càng được củng cố; liên minh giai cấp thêm bền chặt; truyền thống văn hóa được bảo tồn và khôi phục... Các chỉ tiêu đề ra hầu hết đều đạt và vượt kế hoạch”.

Về Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh, ông Trương Công Ngàn cho biết thêm: Nhờ được triển khai quyết liệt, chủ động, sáng tạo với cách làm riêng và phù hợp đặc điểm tình hình của địa phương, Quảng Ninh đã đạt kết quả bước đầu rất quan trọng, nông thôn mới phát triển bền vững.

Phong trào thi đua “Quảng Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới” được đẩy mạnh, lan tỏa sâu rộng và lôi cuốn sự nhập cuộc của người dân nông thôn, sự chung sức của các tầng lớp xã hội. Các phong trào “Xã nông thôn mới, phường, thị trấn văn hóa”; phong trào “Nông dân tự lực sáng tạo xây dựng nông thôn mới”; “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Thành thị hỗ trợ nông thôn” (TP.Hạ Long giúp đỡ huyện Ba Chẽ, TP.Uông Bí giúp đỡ huyện Hoành Bồ), “Doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm”; “Công nông liên minh xây dựng nông thôn mới”... đã và đang ngày càng đi vào cuộc sống.

Giải quyết việc làm mới cho 2,8 vạn lao động/năm: Đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh có 33 cơ sở dạy nghề, hàng năm dạy nghề cho 30.000-32.000 lượt người, trong đó có 16 cơ sở tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Tỷ lệ lao động nông thôn đã qua đào tạo chiếm 57%. Trong 5 năm qua, trung bình mỗi năm toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho khoảng 2,8 vạn lao động.

Chăn nuôi theo hướng công nghiệp, trang trại: Ngành chăn nuôi của tỉnh Quảng Ninh có bước phát triển đáng kể về quy mô đàn và khối lượng các loại sản phẩm; chuyển mạnh theo hướng chăn nuôi công nghiệp, trang trại và sản xuất hàng hoá. Quy mô đàn bò tăng nhanh (17.983 con); đàn trâu giảm nhẹ do nhu cầu sức kéo giảm (48.692 con)… Hiện cả tỉnh có 837 lò giết mổ gia súc, gia cầm.

Hoàng Anh Tuấn

Lam Giang (Lam Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem