Hát Soóng Cọ, Soọng Cô vừa được công nhận di sản văn hóa quốc gia có gì độc đáo?

PV Đông Bắc Thứ ba, ngày 14/11/2023 10:09 AM (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng vừa ký các quyết định công nhận tỉnh Quảng Ninh có thêm 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bình luận 0

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành các Quyết định 3421/QÐ-BVHTTDL, 3422/QÐ-BVHTTDL, 3423/QÐ-BVHTTDL, 3424/QÐ-BVHTTDL và 3425/QĐ-BVHTTDL ngày 10/11 về việc công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo các quyết định, Quảng Ninh có thêm 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ; hát Soọng Cô của người Sán Dìu; lễ hội đình Đầm Hà; lễ hội đình Vạn Ninh; lễ hội Xuống Đồng.

Quảng Ninh có thêm 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh 1.

Hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ (Quảng Ninh) được công nhận di sản văn hóa phi vật thể. Ảnh: Trần Hoàn

Theo tiếng Sán Chỉ, Soóng Cọ có nghĩa là ca hát, hát đối, hát giao duyên. Lời hát gồm những khổ thơ thất ngôn tứ tuyệt (mỗi khổ thơ gồm 4 câu, mỗi câu 7 tiếng). Các bài hát Soóng Cọ có nhiều chủ đề, chủ đề về tình yêu đôi lứa, với những câu hát ướm hỏi, gợi ý, đối đáp hóm hỉnh của các đôi trai gái; chủ đề về ca ngợi công ơn của Đảng, Bác Hồ, các thế cha anh đi trước mở đường; lại có những bài hát nhớ ơn tổ tiên, đền ơn cha mẹ; chủ đề ca ngợi lao động sản xuất, hát về bốn mùa…

Soóng Cọ do từng đôi nam nữ, hay một tốp nam, tốp nữ hát đối đáp trong ngày hội xuân, trong lễ cưới, khi lao động sản xuất, lúc nông nhàn. Hát Soóng Cọ góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Sán Chỉ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, biến di sản văn hóa thành tài sản du lịch.

Quảng Ninh có thêm 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh 2.

Hát Soọng Cô của người Sán Dìu (Quảng Ninh) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Cổng thông tin huyện Vân Đồn

Soọng Cô là làn điệu dân ca độc đáo của người dân tộc Sán Dìu, chất chứa những tâm tư, tình cảm và ước muốn của người Sán Dìu trong đời sống thường ngày và được lưu truyền, qua nhiều thế hệ theo lối truyền miệng. Hát Soọng Cô không bị giới hạn về không gian và thời gian hoàn cảnh có thể hát vào các ngày lễ, hát qua đêm, hát trong nhà, hát khi đi làm, hát trong đám cưới… 

Hát Soọng Cô là sinh hoạt văn hóa cộng đồng có ý nghĩa, mang lại niềm vui và hăng say trong lao động sản xuất, tạo nên tình cảm gắn bó với quê hương, làng bản và đồng bào người Sán Dìu. Các cuộc hát Soọng cô đã trở thành môi trường diễn xướng dân gian góp phần gìn giữ nét văn hóa của dân tộc Sán Dìu.

Quảng Ninh có thêm 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh 3.

Lễ hội đình Đầm Hà (huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Cổng thông tin điện tử huyện Đầm Hà

Lễ hội Đình Đầm Hà (huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh) thường diễn ra từ ngày 15 - 17 tháng Giêng với các nghi lễ truyền thống như: Lễ cáo yết, lễ rước 16 mâm cỗ chay từ nhà ông Chịu Dâu ra đình, rước thần từ miếu Rừng Nghè về đình, lễ an vị, nhập tịch thần, lễ đóng cây đống đám, lễ tế Thành Hoàng, lễ khai hội, lễ cáo trạng… Mỗi nghi lễ gắn với một điển tích nhằm giáo dục con cháu nhớ ơn tổ tiên, thần, phật; răn dạy con người sống hòa thuận, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt,...

Lễ hội đình Đầm Hà mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân đồng bằng Bắc Bộ, nhưng vẫn có những nét riêng độc đáo, đó là sự kết hợp các điệu múa trong lúc tế, chạy cờ xung quanh đình và miếu, hát ca trù, hát xướng ả đảo mừng Thành hoàng về dự hội. 

Quảng Ninh có thêm 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh 4.

Lễ hội đình Vạn Ninh (TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Cổng thông tin điện tử TP.Móng Cái

Lễ hội đình Vạn Ninh (TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) thường được tổ chức từ mùng 9 đến mùng 10 tháng Giêng hằng năm, với nhiều nội dung phong phú gồm cả phần lễ và phần hội. Trong đó, đặc sắc nhất là nghi lễ rước thần từ khu vực Đồng Hà (còn gọi là gồ Nghênh thần) về đình theo truyền thống, mang nhiều nét văn hóa đặc trưng của cư dân Vạn Ninh. Bên cạnh phần nghi lễ, phần hội cũng có nhiều trò chơi dân gian, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách tham quan.

Lễ hội đình Vạn Ninh nhằm tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân và cầu cho năm mới Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cầu sức khỏe, bình an, hạnh phúc, mùa màng bội thu. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, lòng nhân ái và trách nhiệm công dân đối với đất nước. Đồng thời giáo dục ý thức người dân bảo tồn và gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương. 

Đặc biệt, tại Lễ hội đình Vạn Ninh sẽ có trình diễn và biểu diễn hát nhà tơ - đây được xem là một trong những cái gốc của nghệ thuật hát nhà tơ, hát cửa đình ở Quảng Ninh, nơi đây nhiều nghệ nhân Vạn Ninh hiện vẫn đang lưu giữ loại hình hát nghi lễ đặc sắc này.

Quảng Ninh có thêm 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh 5.

Lễ hội xuống đồng (phường Phong Cốc, TX.Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Cổng thông tin điện tử TX.Quảng Yên

Lễ hội Xuống Đồng thường diễn ra vào tháng 6 âm lịch, trước khi bước vào gieo cấy vụ mùa, tại đình Cốc và sông Cửa Đình, thuộc phường Phong Cốc (TX.Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh). Lễ hội xuống đồng nhằm biểu thị lòng biết ơn của người dân đối với các vị Thần Nông và Thành Hoàng làng phù hộ cho mùa màng tốt tươi. 

Lễ hội Xuống Đồng xuất phát từ tục làm lễ “Hạ điền” và lễ “Thượng điền” của cư dân vùng Hà Nam từ xa xưa. Trải qua một thời gian dài bị mai một, đến năm 2007, lễ hội Xuống đồng được phục dựng lại và duy trì cho đến hiện nay. Việc duy trì tổ chức lễ hội Xuống Đồng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa của TX.Quảng Yên nói chung, các xã, phường vùng Hà Nam nói riêng.  

Như vậy, với việc có thêm 5 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận đợt này, tính đến nay tỉnh Quảng Ninh đã có 12 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trước đó, Quảng Ninh đã có 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái; hát Nhà Tơ (hát Cửa Đình), lễ hội đền Cửa Ông; lễ hội Tiên Công; lễ hội đình Trà Cổ; lễ hội đình Quan Lạn; lễ hội Bạch Đằng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem