Quảng Ninh: Kỹ sư tin học nuôi tôm công nghệ cao, ngay vụ đầu đã lãi 400 triệu đồng ở cái ao bé tý

Nguyễn Thành Thứ năm, ngày 15/10/2020 13:02 PM (GMT+7)
Dù chỉ mới bắt đầu nuôi vụ tôm công nghệ cao đầu tiên, nhưng nhờ mạnh dạn đầu tư, nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn bằng công nghệ Biofloc, anh kỹ sư tin học Vũ Đình Quyến (TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) đã thành công khi thu hoạch 6 tấn tôm/0,1ha. Sau khi trừ các chi phí, anh Quyến thu lãi hơn 400 triệu đồng.
Bình luận 0

Ngoài nguồn tài nguyên than đá phong phú, Quảng Ninh còn có nhiều tiềm năng để phát triển nuôi trồng thủy sản khi sở hữu nhiều diện tích đất, mặt nước, có nhiều hệ sinh thái đặc trưng, có các yếu tố môi trường thuận lợi. 

Đặc biệt, phải kể đến các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại Quảng Ninh, cho năng suất trung bình cho đạt từ 8 – 10 tấn/ha/vụ, thậm chí có thể đạt tới 25-30 tấn/ha/vụ.

"Bí quyết" để anh kỹ sư công nghệ thành công ngay từ vụ tôm đầu tiên? - Ảnh 1.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm thẻ thâm canh 2 giai đoạn bằng công nghệ Biofloc của anh Vũ Đình Quyến, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.

Anh Vũ Đình Quyến - Giám đốc công ty điện tử tin học viễn thông Quảng Ninh, kiêm Hội trưởng Chi hội doanh nghiệp phường Mông Dương, là người tiên phong nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 giai đoạn bằng công nghệ Biofloc tại TP Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh). 

"Với vai trò là hội trưởng chi hội doanh nghiệp muốn làm một việc gì đó cho anh em học theo, qua tìm hiểu tôi đã biết được nghề nuôi tôm là nghề đem lại kinh tế cao và có thể làm giàu được. Tôi đã mạnh dạn đầu tư vào nghề này và sẵn sàng làm "chuột bạch" cho anh em. Nếu thành công thì tôi sẽ nhân rộng và hướng dẫn cho mọi người cùng làm", anh Quyến chia sẻ. 

"Bí quyết" để anh kỹ sư công nghệ thành công ngay từ vụ tôm đầu tiên? - Ảnh 2.

Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tham quan mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của anh Vũ Đình Quyến.

"Trang trại nuôi tôm của tôi đã được các nhà khoa học và anh em kỹ sư về thủy sản đánh giá rất cao. Tôi cũng tin tưởng vào sự sáng tạo dám nghĩ, dám làm của mình sẽ thành công"- anh Quyến vui vẻ nói.

Vụ đầu nuôi tôm công nghệ cao thí điểm, anh Quyến nuôi 1 ao với diện tích 1000m2 đã cho thu hoạch 6 tấn tôm. Chỉ sau vụ tôm đầu tiên, anh Quyến đã nhận thấy những điểm ưu việt của công nghệ Biofloc. 

Thứ nhất là ít phải thay nước, thức ăn cho tôm được xử lý triệt để, tôm phát triển nhanh hơn khi nuôi theo phương thức truyền thống. Thứ hai là việc không dùng hóa chất giúp tôm không có dư lượng thuốc kháng sinh, chất lượng tôm nâng cao.

"Bí quyết" để anh kỹ sư công nghệ thành công ngay từ vụ tôm đầu tiên? - Ảnh 3.

Nuôi tôm theo công nghệ Biofloc có nhiều ưu điểm.

Anh Quyến cho biết, tất cả ao nuôi trong trang trại được anh sử dụng là ao tròn, được căng bạt che mưa nắng. Ưu điểm của ao tròn là tạo được dòng chảy đều, ít phải bật quạt và chỉ cần lắp 1 quạt là đủ. 

Ngoài ra, ao tròn giúp người nuôi tiết kiệm được điện năng, gom phân và chất thải về rốn xi-phông hiệu quả. Thành ao đứng nên không có vùng nước nông tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, làm giảm tỉ lệ xuất hiện tảo trong môi trường nước.

 Hiện tại, diện tích nuôi tôm ở trang trại của anh Quyến là 1,2ha, bao gồm 4 ao thương phẩm (2 ao 1000m2, 2 ao 500m2 và 2 ao trữ nước đã được xử lý, làm sạch có diện tích 3000m2 và sâu 3m). 

Anh Quyến chia sẻ, các thương lái vào tận nơi thu mua tôm loại 60-65 con/kg với giá 97.000 đồng/kg, loại 50 con/kg với giá 115.000 đồng/kg. Mặc dù là người "đi sau", nhưng nhờ nuôi tôm bằng công nghệ cao, trừ các loại chi phí, anh Quyến thu lãi hơn 400 triệu đồng từ vụ tôm đầu tiên. 

"Tôi mong muốn sẽ kết nối được với chuỗi hệ thống nhà hàng, khách sạn, siêu thị lớn để có thể đảm bảo đầu ra và nâng cao giá trị tôm. Với công nghệ Biofloc, tôm không còn dư lượng kháng sinh, đảm bảo chất lượng, an toàn với người tiêu dùng, hướng đến xuất khẩu nước ngoài", anh Quyến cho biết.

"Bí quyết" để anh kỹ sư công nghệ thành công ngay từ vụ tôm đầu tiên? - Ảnh 4.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã hỗ trợ 50% tiền con giống và thức ăn cho mô hình của anh Vũ Đình Quyến

Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ: "Từ tư duy công nghệ, anh Quyến đã cải tiến từ sục khí đến lưu tốc dòng chảy rất sáng tạo và phù hợp, giúp tiết kiệm thức ăn và tiền điện khoảng 30% so với các mô hình khác. 

Dù không cần đầu tư nhiều nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao, mô hình của anh Quyến sẽ giúp bà con nuôi tôm có thể học tập theo để phát triển và mang lại thu nhập cao, tránh rủi ro khi nuôi theo phương pháp cũ".

Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: "Công nghệ Biofloc có đặc điểm là dùng men vi sinh kết hợp với các vi sinh vật dị dường, vi sinh vật có lợi trong nước tạo thành thức ăn cho tôm, giúp bà con giảm chi phí thức ăn. Trước đây, khi không áp dụng công nghệ cao, 1kg tôm cần 1,3kg thức ăn, nhưng có công nghệ Biofloc, 1kg tôm chỉ tốn 1kg thức ăn. Đồng thời, công nghệ Biofloc giúp môi trường nước được sạch hơn, tôm ít bị dịch bệnh hơn".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem