Quảng Ninh: Nhiều câu hỏi cần làm rõ trong vụ buôn bán trẻ sơ sinh sang Trung Quốc

Hải Long Thứ tư, ngày 17/06/2020 14:54 PM (GMT+7)
Ngày 16/6, TAND tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ buôn bán người dưới 16 tuổi xảy ra vào tháng 7/2019. Tuy nhiên, theo luật sư biện hộ, còn nhiều câu hỏi cần được làm sáng tỏ để tránh oan sai.
Bình luận 0

Theo cáo trạng của đại diện Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND) tỉnh Quảng Ninh, năm 2017, Nguyễn Thị Duyên (SN 1992, hộ khẩu thường trú tại TP.Móng Cái) sang Trung Quốc làm công nhân sản xuất linh kiện điện thoại cho một người phụ nữ tên Lan. Sau khi về nước, Duyên vẫn thường xuyên liên lạc với Lan qua Zalo. Trước khi bị bắt, Duyên nói với Lan hiện tại đang rất khó khăn, nợ nần nhiều và muốn Lan giới thiệu việc làm, kiếm tiền trả nợ.

Sau đó, Lan từ Trung Quốc liên lạc với Duyên qua điện thoại, bảo Duyên đến bến xe khách Móng Cái đón một bé trai từ một phụ nữ tên Phương, rồi lên cửa khẩu Bắc Phong Sinh thì gọi điện cho Phùn Văn Nam để Nam đưa qua biên giới, sẽ có người đón. Xong việc, Lan sẽ chuyển khoản cho Duyên 5 triệu đồng là tiền công.

Nhiều câu hỏi cần làm rõ trong vụ án buôn người ở Quảng Ninh - Ảnh 1.

Hai bị cáo Nguyễn Thị Duyên và Phùn Văn Nam tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án buôn bán người dưới 16 tuổi.

Chiều 18/7/2019, sau khi đón một bé trai cùng giấy tờ cho nhận con nuôi từ một người phụ nữ ở bến xe khách Móng Cái, Duyên gọi điện cho Phùn Văn Nam. Lúc này, Nam bảo Duyên đi lên Trường Tiểu học Hải Sơn (thôn Thán Phún, xã Hải Sơn, TP.Móng Cái), Nam đang chờ ở đó. Đến nơi, Duyên xuống xe taxi và lên xe máy nhãn hiệu Sirius mang BKS 14K1 - 162.35 của Nam để đi theo đường mòn dọc sông biên giới tìm cách vượt biên sang Trung Quốc. Đến trước cổng Trường Tiểu học Hải Sơn, gần cột mốc 1350+200, cả hai bị đội tuần tra của Đồn Biên phòng Pò Hèn phát hiện, bắt quả tang.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Thị Duyên khai có ý định đưa cháu bé sang Trung Quốc giao cho người phụ nữ tên Lan để người này giao cháu bé cho gia đình hiếm muộn nhận làm con nuôi. Sau khi hoàn tất, Duyên sẽ nhận được 5 triệu tiền công.

Còn bị cáo Phùn Văn Nam khai, Nam được chị gái là Phùn Thị Ngọc (đang làm việc tại Quảng Châu, Trung Quốc) nhắn tin qua Zalo bảo đưa một người phụ nữ vượt biên sang Trung Quốc. Ngọc bảo Nam, mai người phụ nữ đó sẽ gọi cho Nam để thống nhất. Xong việc, Ngọc sẽ trả công cho Nam 700.000 đồng. Ngọc dặn Nam, sau khi liên lạc thì xóa hết các cuộc gọi và tin nhắn.

Nhiều câu hỏi cần làm rõ trong vụ án buôn người ở Quảng Ninh - Ảnh 2.

Các luật sư biện hộ cho 2 bị cáo không đồng ý với bản luận tội của đại diện VKSND tỉnh Quảng Ninh.

Tại phiên tòa, bị cáo Nam trình bày lời khai của Nam tại cơ quan điều tra với nội dung: "Khi gặp Duyên tại Trường Tiểu học Hải Sơn, thấy Duyên mặc quần áo cộc, không giống với người đang ở cữ, lại bế theo một bé trai mới sinh, Nam nghĩ đứa bé này có thể không phải là con của Duyên, chắc Duyên chỉ mang đứa trẻ sang Trung Quốc để bán" là khai theo định hướng của những người tiến hành tố tụng lấy lời khai của Nam.

Nhiều câu hỏi cần làm rõ trong vụ án buôn người ở Quảng Ninh - Ảnh 3.

Theo các luật sư bào chữa, việc xác định được các đối tượng Lan, Phương, Ngọc không phải quá khó khăn, phải chăng cơ quan điều tra chưa làm hết trách nhiệm của mình (?)

Sau gần 1 năm mở rộng điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra không thể xác định được các đối tượng tên Lan, Phương và Ngọc. Cơ quan chỉ xác định được mẹ của bé trai là Huỳnh Thị Ngọc Thu (trú tại phường 11, quận 6, TP.HCM). Thu khai do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên đã cho con trai mới sinh cho một người phụ nữ tên Phương. Đổi lại, Phương thanh toán cho Thu 30 triệu đồng viện phí và hứa sẽ nuôi cháu bé trong điều kiện tốt hơn.

Trước những lời khai của Duyên và Nam, VKSND tỉnh Quảng Ninh đã truy tố 2 đối tượng tội danh Mua bán người dưới 16 tuổi. Trong đó Nguyễn Thị Duyên bị đề nghị mức án 8-9 năm tù, Phùn Văn Nam bị đề nghị mức án 4-5 năm tù. Cơ quan điều tra tịch thu phát mại xe máy và 2 điện thoại là phương tiện gây án.

Tuy nhiên, tại phiên xét xử, 2 bị cáo đều cho rằng tội danh Mua bán người dưới 16 tuổi bị truy tố là oan sai, vì cả 2 đối tượng chỉ là người làm thuê, không có giao dịch về tiền, không phải người mua kẻ bán và không thừa nhận biết việc mua bán người như đã khai trong quá trình điều tra.

Sau quá trình tranh tụng và nghị án, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Quảng Ninh đã tuyên phạt Nguyễn Thị Duyên 8 năm tù và Phùn Văn Nam 4 năm 6 tháng tù vì tội Buôn bán người dưới 16 tuổi.

Tuy nhiên, khi tranh luận với đại diện VKSND tỉnh Quảng Ninh, luật sư Đặng Hồng Phương, luật sư bào chữa cho bị cáo Phùn Văn Nam, không đồng tình với bản luận tội của VKS vì cho rằng không đủ căn cứ để kết tội.

Theo luật sư, ngoài những lời khai của Phùn Văn Nam và Nguyễn Thị Duyên nhận là biết đang thực hiện việc mua bán người, không có bất kỳ chứng cứ nào chứng minh có sự việc buôn bán người. Tại phiên tòa, các bị cáo lại không thừa nhận lời khai này. Quá trình xét hỏi và luận tội của VKS chỉ có mục đích chứng minh Nam và Duyên có biết hay không biết việc mua bán người, trong khi không có căn cứ chứng minh nhận thức đó có đúng hay không.

Nhiều câu hỏi cần làm rõ trong vụ án buôn người ở Quảng Ninh - Ảnh 4.

Đại diện VVKSND tỉnh Quảng Ninh cho rằng những lời khai và lời nhận tội của 2 bị cáo là căn cứ để xét xử.

Luật sư Phương cho rằng do không bắt được người phụ nữ tên Phương, Lan, chỉ căn cứ vào lời khai về nhận thức của Duyên và Nam thì chưa đủ căn cứ khẳng định người phụ nữ tên Phương, Lan bán đứa trẻ cho người khác. Hơn nữa tại phiên tòa, các bị cáo không thừa nhận nội dung này.

Nếu người tên Phương cũng nghèo khổ và muốn cho cháu bé sang Trung Quốc, nếu người tên Lan muốn nhận cháu bé để cho gia đình hiếm muộn nhận làm con nuôi không vì mục đích vụ lợi thì sao? Trong một vụ án hình sự, điều cần thiết nhất đó là cơ quan tố tụng phải chứng minh có hành vi phạm tội hay không.

Hiện tại, ngoài lời khai của Duyên và Nam, không có bất kỳ chứng cứ nào khẳng định đây là một thương vụ mua bán người, mà chỉ mới là hành vi vận chuyển người đưa sang biên giới trái phép. Mặt khác, tại phiên tòa, khi được hỏi, các bị cáo có căn cứ gì để nghĩ rằng những người tên Phương, Lan mua bán người, các bị cáo đều trả lời là không có căn cứ.

Nội dung khai của Nam tại cơ quan điều tra về nhận thức được Duyên đưa cháu bé sang Trung Quốc để bán là khai theo định hướng của cơ quan điều tra. Bởi lẽ, nhận thức của một thanh niên 20 tuổi, chưa kết hôn mà có thể chỉ nhìn qua bề ngoài của Nguyễn Thị Duyên mà biết được Duyên không phải mẹ cháu bé và cho rằng Duyên sẽ đưa cháu bé sang Trung Quốc để bán là không có cơ sở. Hơn nữa, Nam là người dân tộc Dao, theo cách sống của người Dao, sau khi sinh, người mẹ không ở cữ.

Theo quy định tại điều 15, Bộ Luật tố tụng hình sự quy định về xác định sự thật của vụ án, nhiệm vụ của cơ quan tiến hành tố tụng ngoài làm rõ căn cứ chứng minh có tội, còn phải làm rõ căn cứ chứng minh vô tội.

Còn theo luật sư Lê Quang Lâm, luật sư bào chữa cho Nguyễn Thị Duyên, lời khai của bị cáo chỉ được xem là chứng cứ nếu phù hợp với chứng cứ khác. Người phụ nữ tên Phương xác định cư trú tại Vân Hồ, quận Tây Hồ, Hà Nội, nhưng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh lại không thể xác định được. Ngoài ra, việc xác định danh tính người tên Lan ở Trung Quốc cũng không phải quá khó khăn. Việt Nam và Trung Quốc đã ký hiệp định tương trợ pháp lý, không khó khăn gì để xác định danh tính, địa chỉ chỗ ở của người phụ nữ tên Lan.

Luật sư Lâm cho rằng Hội đồng xét xử nên xem xét trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung trước khi đưa vụ án ra xét xử. Còn nếu xét thấy việc điều tra bổ sung cũng không thể làm rõ được, hội đồng phải tuyên các bị cáo không phạm tội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem