Quảng Ninh: Xuất nhập khẩu qua cảng biển đang mờ nhạt dần

Nguyễn Quý Thứ sáu, ngày 03/07/2020 09:59 AM (GMT+7)
Cảng nước sâu vốn là thế mạnh của cảng biển Quảng Ninh, nhưng thực tế hàng loạt cảng đang hoạt động "cầm hơi", kém hiệu quả.
Bình luận 0

Hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa, xuất nhập cảnh (XNC) phương tiện vận tải qua các cửa khẩu cảng biển ở Quảng Ninh gồm: Cảng Hòn Gai, cảng Cái Lân, cảng Cẩm Phả và cảng Vạn Gia, chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động XNK, XNC trên địa bàn. Cụ thể: Kim ngạch hàng hóa XNK chiếm khoảng 45% - 60% tổng kim ngạch XNK trong toàn tỉnh; số tiền thuế thu nộp ngân sách hằng năm trung bình trên 9.000 tỷ đồng, chiếm trên 90% số thu nộp ngân sách nhà nước của Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh.

Hàng hóa XNK chủ yếu là các mặt hàng lỏng, hàng rời truyền thống như: Xăng dầu, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu sản xuất dầu thực vật, than XNK, sắt thép, dăm gỗ, xi măng, clinker… Lượng hàng container chiếm tỷ trọng không nhiều, chủ yếu là hàng tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan, hàng chuyển cảng về Hải Phòng, Nhà máy ô tô Thành Công Huyndai - Ninh Bình.

XNK qua cảng biển ở Quảng Ninh đang dần mờ nhạt - Ảnh 1.

Tàu vận tải cỡ lớn cập cảng Cái Lân đều phải sang tải, hạ tải.

Về hạ tầng cảng biển, đối với cảng Cái Lân, luồng vào bến cảng Cái Lân, độ sâu theo thiết kế khi thủy triều thấp là -10m và độ sâu trước bến là -13m, tuy nhiên thường xuyên bị phù sa bồi lấp. Theo các đơn vị kinh doanh cảng, đơn vị chỉ có kinh phí nạo vét khu vực trước bến, còn nạo vét luồng vào cảng với vốn đầu tư lớn cần có sự đầu tư từ Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải.

Luồng lạch bồi lấp dẫn đến phải tăng lượng chuyển tải trước khi tàu cập cầu, tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp XNK, giảm doanh thu đơn vị kinh doanh cảng. Các tàu hàng trên 50.000DWT tấn đều phải sang tải, hạ tải tại các khu vực cảng nổi mới đảm bảo an toàn đi vào trong cảng. Khu vực quay đầu của tàu chưa đủ điều kiện cho tàu 6000TEU quay đầu. Hạ tầng cơ sở trong khu vực cảng đã xuống cấp, đường ra vào cảng chật hẹp, thường xuyên bị ùn tắc khi có từ 2 tàu hàng rời trở lên vào làm hàng; đường liên thông trong khu vực cảng nứt vỡ, nhiều ổ gà, nắp cống bị nứt, sụt, ngập úng, không thoát nước khi trời mưa; thiếu bãi đỗ xe trong cảng chờ làm hàng.

XNK qua cảng biển ở Quảng Ninh đang dần mờ nhạt - Ảnh 2.

Khu vực Hòn Nét (Cẩm Phả) thường xuyên bị quá tải.

Đối với khu vực cảng Cẩm Phả, tại các điểm Hòn Nét, Hòn Con Ong tập trung mật độ tàu lớn, năng lực bốc xếp có hạn, nhiều thời điểm quá tải, tàu phải nằm chờ, phát sinh nhiều chi phí dôi nhật; trong khi nhiều điểm neo trên vịnh Hạ Long đáp ứng các điều kiện về chuyển tải, xếp dỡ hàng nhưng hiện chưa được phép đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả kinh tế.

Ông Lê Hồng Quân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cảng Container quốc tế Cái Lân (CICT), cho biết, hiện ưu thế của cảng Cái Lân là tiếp nhận tàu hàng rời cỡ lớn. Tuy nhiên, do thường xuyên bị phù sa bồi lấp, nên các tàu hàng trên 50.000DWT tấn đều phải sang tải, hạ tải tại các khu vực cảng nổi mới đảm bảo an toàn đi vào trong cảng. 

Việc giảm tải thường xảy ra hao hụt lớn, tăng chi phí cho doanh nghiệp, giảm doanh thu của đơn vị kinh doanh cảng. Hạ tầng cơ sở trong khu vực cảng đã xuống cấp, đường ra vào cảng chật hẹp, thường xuyên bị ùn tắc khi có từ 2 tàu hàng rời trở lên vào làm hàng. Điều này đang làm cho cảng Cái Lân mất rất nhiều lợi thế so với cảng Lạch Huyện (TP.Hải Phòng). Đơn vị không thể thu hút được hàng container, nếu muốn thu hút được thì phải đưa ra giá dịch vụ rất thấp, chấp nhận bù lỗ, để đảm bảo công việc, đời sống cho người lao động.

XNK qua cảng biển ở Quảng Ninh đang dần mờ nhạt - Ảnh 3.

Chuyển tải than tại khu vực cảng Hòn Nét.

Theo ông Heru Setiawan, Giám đốc mua hàng Công ty CP Xi măng Thăng Long, trong 5 tháng đầu năm 2020, công ty đã xuất khẩu được 5 chuyến hàng/237.000 tấn clinker qua điểm Hòn Nét. Nhưng do khu vực này liên tục bị quá tải, tàu phải nằm chờ quá thời hạn đăng ký 5 ngày với hãng tàu, khiến đơn vị bị phạt 8.000 USD/ngày. Nếu bất cập này không sớm được khắc phục thì ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của doanh nghiệp.

Tại các khu vực cảng Vạn Gia, Cẩm Phả và Hòn Gai đều không có kho, bãi để chứa hàng hóa XNK; bến cảng Cái Lân diện tích kho, bãi rất hạn chế (cảng container quốc tế Cái Lân có bãi cảng diện tích 15ha, trong đó kho diện tích là 0,8ha; Công ty CP cảng Quảng Ninh có bãi cảng diện tích bến bãi 58ha, trong đó kho diện tích khoảng 3ha).

Nhiều doanh nghiệp XNK cho biết, thời gian qua phải thuê kho, bãi của các doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp Cái Lân, Việt Hưng để bảo quản hàng hóa XNK. Việc lưu trữ hàng hóa ngoài khu vực cảng làm tăng chi phí vận chuyển và thời gian xếp, dỡ hàng hóa.

Dù Quảng Ninh đang tập trung triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy hoạt động XNK hàng hóa qua địa bàn, đặc biệt là XNK qua các cảng biển, tuy nhiên hiện nay còn nhiều yếu tố tác động khiến hoạt động XNK hàng hóa qua địa bàn tỉnh chưa phát huy được hết tiềm năng và lợi thế cạnh tranh của Quảng Ninh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem