Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam lần đầu đạt trên 500 tỷ USD

Thanh Phong Thứ sáu, ngày 27/12/2019 11:18 AM (GMT+7)
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2019 ước đạt 516,96 tỷ USD tăng 7,6% so với năm 2018. Thành tích này đứng đầu trong 10 sự kiện tiêu biểu của ngành Công Thương năm 2019.
Bình luận 0

Sáng 27/12/2019, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành Công Thương. Tham dự Hội nghị có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo Bộ Công Thương, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương và đại diện các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội và doanh nghiệp.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin về các thành tựu đạt được của ngành Công Thương năm 2019. Trong đó, nổi bật nhất là việc lần đầu tiên kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam lần đầu vượt mức 500 tỷ USD.

Cụ thể, theo số liệu từ Bộ Công Thương, xuất khẩu năm 2019 hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao, với kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân khoảng 43 tỷ USD/tháng, quy mô xuất nhập khẩu tăng trưởng ở mức cao, vượt mốc 500 tỷ USD. 

img

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành Công Thương (Ảnh: Tạp chí Công Thương).

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 ước đạt 516,96 tỷ USD, tăng 7,6% so với năm 2018, trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt 263,45 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2018.

“Cán cân thương mại năm 2019 ghi nhận mức xuất siêu kỷ lục (9,94 tỷ USD) góp phần làm tích cực cán cân thanh toán và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Thị trường xuất khẩu, nhập khẩu được mở rộng, không chỉ tăng cường ở các thị trường truyền thống mà còn khai thác được các thị trường mới, tiềm năng và tận dụng hiệu quả các FTA.” Đại diện Bộ Công Thương thông tin.

Đặc biệt, khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục có kim nghạch xuất khẩu tăng trưởng tốt. Năm 2019, khối doanh nghiệp trong nước xuất khẩu đạt 82,1 tỷ, tăng 17,7%; cao hơn 2 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước và cao hơn 4 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô, đạt 4,2%).

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, mặc dù có được kết quả tích cực, tuy nhiên, trong thời gian tới, Việt Nam vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức. Cụ thể, Tư lệnh ngành Công Thương cho biết, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối diện với nhiều hình thức phòng vệ thương mại, chống gian lận xuất xứ,… với những điều kiện ngày càng nghiêm ngặt.

“Việt Nam cần triển khai tốt các cam kết hội nhập, đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Phải gắn vào đó là các chương trình phổ biến kiến thức, tăng cường năng lực thể chế, cũng như tạo sự tương tác hỗ trợ giữa khu vực công – tư. 

Đặc biệt, cần hướng vào việc bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam dựa trên cơ sở Luật pháp quốc tế cũng như các cam kết hội nhập.” Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Ngoài những thành tựu về xuất nhập khẩu, đại diện Bộ Công Thương cũng cho hay, trong năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá và ổn định, ước tính tăng 9,1%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đặt ra cho toàn ngành từ đầu năm (tăng 9%).

Về ngành điện, chỉ số sản xuất ngành sản xuất và phân phối tăng trưởng 8,7%, bảo đảm đáp ứng tốt cho hoạt động sản xuất và sử dụng của người dân.

Bên cạnh đó, thương mại nội địa giữ vững được đà tăng trưởng với tốc độ tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ xã hội ở mức 2 con số. 

img

Hội nghị có sự góp mặt của đông đảo đại diện các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội và doanh nghiệp.

Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tốt, ước cả năm đạt khoảng 4.939,98 nghìn tỷ đồng, tăng 11,85% so với năm 2018, đạt kế hoạch đề ra năm 2019 là tăng 11,5 đến 12% so với năm 2018. 

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương cũng đã chủ động trong phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan để nắm bắt thông tin nguồn cung, tình hình dịch bệnh, khả năng tái đàn.

Chủ động xác định mức độ thiếu hụt nguồn cung thịt lợn để đề xuất với Chính phủ lượng nhập khẩu cần thiết để bù đắp nguồn cung cho thị trường; bảo đảm cân đối cung cầu mặt hàng thịt lợn nhất là trong dịp Tết Nguyên Đán.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem